Đoàn đại sứ châu Phi thăm Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và khu Công nghệ cao Hòa Lạc
Nhân kỷ niệm 25 năm khánh thành Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 6/12, đoàn Đại sứ, cán bộ Ngoại giao các nước châu Phi tại Việt Nam đã lên dâng hương tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh trên núi Tản Viên, huyện Ba Vì và thăm Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Ngày 6/12, nhân kỷ niệm 25 năm khánh thành Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh núi Tản Viên, huyện Ba Vì, Hà Nội, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Nam Phi, Morocco, Mozambique, Pakistan và Tham tán Đại sứ quán Lybia tại Việt Nam đã có chuyến thăm Vườn Quốc gia Ba Vì và dâng hương tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại.
Các nhà ngoại giao đến từ châu Phi và Nam Á rất cảm kích khi được nghe giới thiệu về quá trình hình thành, xây dựng lên Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh Tản Viên huyền thoại.
Các nhà ngoại giao bày tỏ lòng kính trọng và ngưỡng mộ người Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, tấm gương vĩ đại truyền cảm hứng cho các dân tộc Phi châu từng đứng lên giành được độc lập dân tộc từ chế độ thực dân trong những thập kỷ đầu của thế kỷ 20.
Trước đó, các Đại sứ, nhà ngoại giao châu Phi và đại diện Vụ Trung Đông - châu Phi, Bộ Ngoại giao đã thăm, làm việc với Ban quản lý Khu công nghệ cao (KCNC) Hòa Lạc. Tại đây, các đại biểu đã được Ban Quản lý Khu CNC giới thiệu về một trung tâm công nghệ, đổi mới sáng tạo của Việt Nam - địa điểm được kỳ vọng trở thành hình mẫu kinh tế thu nhỏ của Việt nam, một thành phố công nghệ trong tương lai.
Tại Khu CNC Hòa Lạc, Đoàn đã đến thăm Công ty sản xuất giấy nền đa lớp Polymer Q&T. Tại đây, Đoàn được nghe ông Lương Ngọc Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty giới thiệu về hoạt động của nhà máy được coi là hiện đại bậc nhất thế giới về in giấy nền đa lớp Polymer mà Việt Nam tự sản xuất.
Ông Lương Ngọc Anh giới thiệu với các đại biểu về quá trình chuyển đổi từ tiền giấy sang in tiền Polymer của Việt Nam, cho biết, đây không chỉ là một xu hướng mà là một bước tiến quan trọng chống tiền giả, kéo dài tuổi thọ của đồng tiền, giảm chi phí phát hành và bảo vệ môi trường, đặc biệt là bảo đảm an ninh tiền tệ quốc gia...
Đại sứ Cộng hòa Nam Phi Vuyiswa Tulelo bày tỏ ngưỡng mộ việc Việt Nam đã chủ động được nguồn nguyên liệu giấy nền chất lượng in ấn tiền tệ và rất quan tâm đến hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này. Trong khi đó, ông Jamale Chouaibi, Đại sứ Morocco cho rằng Việt Nam và Morocco là hai quốc gia tuy ở hai châu lục khác nhau nhưng lại có nhiều nét tương đồng.
Đại sứ Jamale Chouaibi cho biết, Morocco là một nền kinh tế cởi mở trong khi Việt Nam cũng là nền kinh tế đang phát triển và nổi lên trong khu vực và hiện đang bước vào giai đoạn phát triển mới. Việc đảm bảo được an ninh tiền tệ, làm chủ công nghệ in ấn trong lĩnh vực tiền tệ cho thấy Việt Nam đã có những bước tiến dài trong làm chủ công nghệ, trong đó có công nghệ in ấn tiền tệ. Điều này cho thấy, hai quốc gia có thể hợp tác và cùng phát triển trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực in ấn tiền tệ.
Bà Ilundi Dos Santocs, Đại sứ Mozambique bày tỏ, Việt Nam và Mozambique có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời. Hai nước đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ…, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai nước. "Đến thăm nhà máy Q&T, tôi rất ấn tượng với công nghệ sản xuất giấy nền đa lớp polymer. Điều khiến tôi cảm thấy thú vị là sau khi nghe thuyết trình của Chủ tịch Q&T Lương Ngọc Anh về việc thành lập, vận hành nhà máy, tôi được trải nghiệm thực tế chứng kiến dây chuyền sản xuất với công nghệ hiện đại trong lĩnh vực sản xuất giấy nền đa lớp polymer. Những gì tôi nhìn thấy và tự trải nghiệm, khiến tôi thêm ngưỡng mộ Việt Nam", Đại sứ quốc gia châu Phi chia sẻ.
Đại diện Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc cho rằng, đến thăm Khu CNC và nhà máy Q&T là cơ hội không chỉ đem đến cho các đại sứ, nhà ngoại giao những trải nghiệm bất ngờ, mà còn truyền cảm hứng cho những gợi ý hợp tác chung giữa các nước với cộng đồng doanh nghiệp, hướng tới sự phát triển cùng có lợi và bền vững.