DN siêu nhỏ Việt Nam làm gì để kiếm tiền từ các ông lớn quốc tế?

Số hóa thương mại là chính là công cụ giúp các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) thay đổi cuộc chơi, tiếp cận được nhiều thị trường mới.

Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) cùng nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) B2B Alibaba.com đã đồng tổ chức hội thảo trực tuyến với tiêu đề tương lai của TMĐT B2B trong khuôn khổ ngày MSME thế giới.

Hội thảo cung cấp những kinh nghiệm có giá trị về các xu hướng và công cụ mới nhất dành cho các MSME trên toàn thế giới trong nền kinh tế kỹ thuật số.

TMĐT xuyên biên giới giúp DN siêu nhỏ kiếm tiền tỉ

Chia sẻ tại hội thảo, bà Annabel Sykes, Cố vấn về chuyển đổi kỹ thuật số cho doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ tại ITC cho rằng MSME là "xương sống" của hầu hết các nền kinh tế trên toàn thế giới.

Để các "xương sống" này có thể sống tốt, sống khỏe thì phải liên tục thay đổi mình. Số hóa thương mại chính là công cụ giúp các MSME thay đổi cuộc chơi, tiếp cận được nhiều thị trường mới. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa thông qua nền tảng TMĐT xuyên biên giới B2B là một trong những cách để MSME Việt Nam có thể tiến sâu vào sân chơi quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Dung, Quản lý kinh doanh tại hộ kinh doanh Phạm Bá Tiến, chuyên sản xuất tóc giả cho rằng, TMĐT xuyên biên giới đã đem đến cơ hội kinh doanh trên thị trường quốc tế một cách nhanh và ít tốn kém nhất.

Theo công bố của đơn vị này, thông qua sàn qua sàn Alibaba.com, hộ kinh doanh Phạm Bá Tiến đã xuất khẩu được sản phẩm đến nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, hay Nam Phi, Nigieria... Kim ngạch xuất khẩu hàng năm đều vượt khoảng 90% so với năm trước, chiếm hơn 95% tổng doanh số bán hàng của công ty.

“Từ 2016 thời điểm tham gia xuất khẩu thông qua sàn TMĐT tới nay doanh thu của đơn vị chúng tôi luôn tăng gần gấp 4 lần so với cùng kỳ”- bà Dung nói.

Kiếm tiền từ quốc tế: Cần có chiêu

Đại diện ITC nhấn mạnh, để chinh phục thị trường quốc tế các MSME Việt Nam nên tận dụng nền tảng TMĐT B2B - khi hình thức này đang dần trở thành một kênh quan trọng được nhiều DN lựa chọn bổ sung và thay thế các phương thức thương mại truyền thống.

DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa cần tận dụng cơ hội kinh doanh trên sàn TMĐT xuyên biên giới để tiếp cận thị trường quốc tế. ẢNH: THU HÀ

DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa cần tận dụng cơ hội kinh doanh trên sàn TMĐT xuyên biên giới để tiếp cận thị trường quốc tế. ẢNH: THU HÀ

Dẫu vậy theo ITC, để thành công trên TMĐT xuyên biên giới, ngoài lựa chọn kênh bán hàng phù hợp, tăng độ nhận diện trực tuyến, đảm bảo xuất xứ nguồn gốc rõ ràng thì DN cần đầu tư các kỹ năng số để tham gia kinh doanh một cách thông thái.

Ông Andrew Zheng, Giám đốc kinh doanh nhà cung cấp Toàn cầu tại Alibaba.com đồng tình và bày tỏ kỳ vọng: MSME có thể phá vỡ các rào cản và xây dựng cầu nối hướng tới một tương lai thịnh vượng hơn thông qua các công cụ kỹ thuật số được các sàn TMĐT xuyên biên giới thiết lập.

Nền tảng này lấy ví dụ như tính năng B2B livestream, đây được coi là một phương tiện tiếp thị kỹ thuật số hữu hiệu cho các MSME trên sàn TMĐT. Tính năng này đã và đang thu hút được sự chú ý trên nền tảng Alibaba.com với tổng hơn 13 triệu người xem vào năm 2022, tăng 198% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hơn 20 năm bán sỉ nội địa, đại diện công ty Hành Sanh, một nhà sản xuất quạt điện của Việt Nam với thương hiệu SanKyo cũng nhìn nhận, nếu tự xuất khẩu, DN sẽ mất nhiều thời gian trong việc tìm hiểu và phân tích thị trường mới.

Tuy nhiên, với TMĐT B2B, các nền tảng này cung cấp sẵn nhiều công cụ hữu ích cho các DN trong tìm kiếm khách hàng tới gia tăng doanh thu. Đơn cử như công cụ đăng sản phẩm, tạo mini website, thiết lập gian hàng, xếp hạng sao để tăng hiển thị, tối ưu hóa từ khóa, xây dựng kịch bản trò chuyện với khách hàng...

HẠ QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/dn-sieu-nho-viet-nam-lam-gi-de-kiem-tien-tu-cac-ong-lon-quoc-te-post740030.html