Dinh vụ thanh toán quét mã QR tăng gần 900%

Theo NHNN, hết tháng 1-2024, giao dịch thanh toán bằng phương thức quét mã QR tăng 892,95% về số lượng và 1.062% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngày 7-3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố số liệu mới nhất về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, hoạt động ngân hàng số đạt nhiều kết quả bất ngờ.

Giao dịch ATM giảm 15,14%

Theo đó, tính đến hết tháng 1 đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 63,3% về số lượng và 41,45% về giá trị. Giao dịch thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 68,54% về số lượng và 41,12% về giá trị.

Riêng hình thức thanh toán bằng phương thức quét mã QR tăng tới 892,95% về số lượng và tăng tới 1.062% về giá trị. Với giao dịch thanh toán qua máy POS tăng 16,87% về số lượng và tăng 13,65% về giá trị...

Đáng chú ý, giao dịch qua máy ATM giảm 15,14% về số lượng và giảm 18,76% về giá trị, số liệu trên cho thấy xu hướng dịch chuyển từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt.

Trước đó, tính chung cả năm 2023, NHNN ghi nhận số lượng tài khoản thanh toán cá nhân là hơn 182,88 triệu tài khoản, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2022. Các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt có mức tăng trưởng khá.

Với xu hướng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào hoạt động ngân hàng, NHNN đã khuyến khích các tổ chức tín dụng triển khai chuyển đổi số, kết nối, hợp tác với các ngành, lĩnh vực khác nhau để hình thành và mở rộng hệ sinh thái số.

Đến nay, nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa 100% (từ việc tiền gửi tiết kiệm, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền,...). Hiện nay, nhiều ngân hàng thương mại có tỉ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số.

Đến cuối năm 2023, có khoảng 40 ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử (e-KYC) với hơn 35 triệu tài khoản thanh toán mở bằng e-KYC đang hoạt động.

 Thanh toán trên kênh số ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh:T.L

Thanh toán trên kênh số ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh:T.L

Ưu tiên phát triển mạnh ngân hàng số

Mới đây, tại hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư để cập nhật kết quả kinh doanh và động lực tăng trưởng năm 2024 của ngân hàng MB, ông Lưu Trung Thái – Chủ tịch HĐQT MB chia sẻ: Chúng tôi thực hiện chuyển đổi số dựa trên hai điểm mấu chốt là thu hút khách hàng và kinh doanh nền tảng.

Trong năm 2024 và định hướng 5 năm tiếp theo, MBB sẽ tiếp tục tập trung vào định hướng không suy chuyển này”.

Ông Thái cho biết thêm, MB xác định các nền tảng số sẽ chiếm 50% - 60% doanh thu của ngân hàng trong tương lai gần. Hiện 97% khối lượng giao dịch của MB được thực hiện qua kênh số với năng lực tương đương với các ngân hàng top đầu châu Á.

Số lượng giao dịch trên kênh số chạm mốc 3,6 tỉ giao dịch, tăng 80% so với năm 2022.

NHNN khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số.

Trong đó tập trung hoàn thiện, trình ban hành Nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt và Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng. Đồng thời nghiên cứu, hoàn thiện, ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn Luật Các Tổ chức tín dụng, các nghị định về lĩnh vực thanh toán, hoạt động ngân hàng số.

Tiếp tục triển khai, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cho phép các tổ chức tín dụng có thể tổ chức xác minh thông tin nhận biết khách hàng, làm sạch dữ liệu và hỗ trợ khách hàng trong tiếp cận các dịch vụ ngân hàng. Đồng thời đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, chi trả an sinh xã hội.

THÙY LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/dinh-vu-thanh-toan-quet-ma-qr-tang-gan-900-post779349.html