Định nghĩa về chuỗi cung ứng thông qua chiếc bánh mì
Khi bạn đến cửa hàng để mua một ổ bánh mì, bạn cũng biết là ổ bánh mì này không phải tự nhiên mà xuất hiện được trên kệ.
Thực tế, hầu hết người tiêu dùng chỉ có khái niệm mơ hồ về sự vận hành của chuỗi cung ứng, và có rất ít người thấu hiểu được tính phức tạp, chằng chịt, và dễ tổn thương của nó.
Khi bạn đến cửa hàng để mua một ổ bánh mì, bạn cũng biết là ổ bánh mì này không phải tự nhiên mà xuất hiện được trên kệ. Nó được giao đến từ một tiệm bánh ở địa phương, được nhân viên đặt lên kệ, và rồi sau đó bạn mua nó, mang về nhà, dùng để ăn sáng. Đây là mô tả ngắn gọn về một chuỗi cung ứng đơn giản - từ tiệm làm bánh đến cửa hàng đến nhà.
Mô tả này thật ra còn chưa bao trùm được đến một góc của chuỗi cung ứng. Còn người tài xế giao hàng từ tiệm bánh đến cửa hàng? Tiệm bánh từ đâu mà có bột, men, nước để làm bánh? Những chiếc lò nướng bánh thì sao? Khi chiếc bánh được ra lò, người ta phải cho vào bao nylon hay bao giấy để đóng gói nó lại. Ai là người làm ra giấy gói này?
Khi đặt ra những câu hỏi trên, chúng ta đã đi từ một chuỗi cung ứng đơn giản sang một chuỗi cung ứng mở rộng. Mạng lưới này bao gồm các nhà cung cấp cho nhà cung cấp, kéo dài mãi đến tận gốc gác là sản phẩm nông nghiệp hay khoáng sản.
Ngay cả bản mô tả chuỗi cung ứng mở rộng như trên cũng đã đơn giản hóa rất nhiều một chuỗi cung ứng toàn diện. Bột để làm bánh đến từ lúa mì. Lúa mì được trồng trên trang trại và được thu hoạch bằng máy móc công nghiệp. Người nông dân thuê lao động, dùng phân bón, tưới nước, gặt lúa và đem lúa đi xay xát rồi đóng gói trước khi bán cho tiệm bánh.
Nhà sản xuất ra những chiếc lò nướng cũng có chuỗi cung ứng riêng bao gồm thép, kính cường lực, con chip, mạch điện, và nhiều thành phần đầu vào khác để làm nên một chiếc lò. Lò nướng có thể được làm thủ công (theo yêu cầu thiết kế riêng) hay sản xuất hàng loạt (để sẵn trong kho) trong một nhà máy có dây chuyền lắp ráp hoặc có các cụm sản xuất riêng lẻ để hoàn thành đơn đặt hàng. Nhà máy cần có đầu vào là điện, khí đốt, hệ thống thông gió, và nguồn nhân lực có tay nghề để làm ra những chiếc lò.
Cửa hàng bán bánh mì là điểm hội tụ của nhiều chuỗi cung ứng khác nhau. Nó cũng cần điện, khí đốt, hệ thống tản nhiệt thông gió, và công nhân có tay nghề để mở cửa bán hàng và đảm bảo đủ hàng để bán. Cửa hàng cũng có khu vực bốc dỡ hàng hóa, kho chứa hàng tồn, xe nâng, và băng chuyền để đưa hàng hóa từ xe tải đến kệ hàng. Trong trường hợp các đại siêu thị như Home Depot hay Walmart, cửa hàng cũng chính là kho hàng.
Theo khái niệm, đại siêu thị là nơi chất càng nhiều hàng hóa càng tốt tại một chỗ, nhờ đó người bán hàng có thể không cần đến kho trữ hàng hay trung tâm phân phối, từ đó làm giảm chi phí cho chuỗi cung ứng, mang lại “giá rẻ mỗi ngày”, như cách nói của Walmart.
Nguồn Znews: https://znews.vn/dinh-nghia-ve-chuoi-cung-ung-thong-qua-chiec-banh-mi-post1491347.html