Điều trị dự phòng PrEP: Hạn chế lây nhiễm HIV

Với sự hỗ trợ của Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, tỉnh đã triển khai chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) cho các đối tượng nguy cơ cao. Đây được xem là "vũ khí" tối ưu, hạn chế lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Cùng với các giải pháp điều trị và dự phòng đã triển khai, chương trình điều trị PrEP cho các đối tượng nguy cơ cao nhiễm HIV được triển khai trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2020, với khoảng 50 người tham gia. Qua 3 năm triển khai, với tỷ lệ dự phòng đạt hơn 90%, số người tham gia điều trị ngày càng tăng, đến nay có 275 người đã và đang điều trị PrEP; có 470 người tham gia ít nhất 1 lần trong năm.

Người tham gia điều trị các chất gây nghiện uống methadone tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Bạn T.T.H (22 tuổi, TP. Nha Trang) - sinh viên của một trường đại học ở Khánh Hòa tham gia điều trị PrEP kể: “Tôi có xu hướng quan hệ tình dục nam với nam. Trước kia, để bảo vệ sức khỏe của mình, tôi thường xuyên xét nghiệm HIV định kỳ. Khi biết tới chương trình điều trị PrEP, tôi đăng ký ngay. Sau khi tham gia điều trị PrEP, tôi thấy sức khỏe bình thường, không có tác dụng phụ và an tâm trước nguy cơ lây nhiễm HIV từ bạn tình”. Có bạn tình bị nhiễm HIV, anh N.P.T (34 tuổi, thị xã Ninh Hòa) cũng đăng ký tham gia điều trị PrEP. Qua 2 năm điều trị dự phòng, đến nay, kết quả xét nghiệm HIV của anh T. âm tính. Anh T. chia sẻ: “Tuy hiệu quả bảo vệ của PrEP rất cao, nhưng theo lời khuyên của bác sĩ, tôi vừa sử dụng PrEP vừa kết hợp sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục để phòng lây nhiễm HIV và các bệnh lây qua đường tình dục khác”.

Theo bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, điều trị PrEP là sử dụng thuốc kháng vi rút (ARV) để dự phòng lây nhiễm HIV ở người có nguy cơ cao, giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV trong cơ thể bằng cách ngăn cản sự phát triển chất xúc tác sinh học (enzyme - là chất mà HIV dùng để tạo ra các bản sao vi rút mới). Nếu dùng đúng, đều và đủ có thể phòng lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục lên đến hơn 90% và tiêm chích ma túy 70%. Do đó, hiện nay, PrEP được xem là một trong những “vũ khí” tối ưu trong điều trị dự phòng lây nhiễm HIV. Đối tượng điều trị PrEP là những người có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV, gồm: Nam có quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới, người tiêm chích ma túy, người bán dâm, bạn tình khác giới của người nhiễm HIV chưa điều trị ARV…

Bên cạnh hỗ trợ triển khai chương trình điều trị PrEP, Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS còn hỗ trợ tỉnh các hoạt động can thiệp dự phòng; điều trị các chất gây nghiện bằng methadone; tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện; chăm sóc điều trị bệnh; phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; nâng cao hoạt động giám sát, năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh HIV/AIDS… Qua triển khai, hiện nay, toàn tỉnh có hơn 350 người tham gia điều trị methadone; hơn 1.230 người điều trị ARV, chiếm 83,9% so với số người nhiễm HIV/AIDS còn sống được quản lý. Trong 10 tháng năm 2023, có hơn 35.240 lượt người được tư vấn và xét nghiệm HIV, phát hiện 94 trường hợp nhiễm mới. Ngoài ra, có hơn 11.000 phụ nữ mang thai được tư vấn và xét nghiệm HIV/AIDS, 100% trẻ sinh ra có mẹ nhiễm HIV đều được điều trị dự phòng…

Ông Nguyễn Đình Thoan - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, tại Khánh Hòa, số người nhiễm HIV/AIDS còn sống được quản lý hơn 1.500 người. Tuy tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh, nhưng nhiều người có nguy cơ cao nhiễm HIV vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ, nhất là những người có quan hệ tình dục đồng giới. Vì vậy, nguy cơ lây truyền HIV trong cộng đồng còn rất cao. Việc tỉnh được Dự án Quỹ toàn cầu hỗ trợ triển khai chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP sẽ giúp công tác phòng, chống dịch bệnh HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh được toàn diện, góp phần hạn chế HIV/AIDS lây lan trong cộng đồng, đạt mục tiêu đẩy lùi dịch bệnh vào năm 2030.

T.LY

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/y-te-suc-khoe/202312/dieu-tri-du-phong-prephan-che-lay-nhiem-hiv-fea2b63/