Điều then chốt trong bản Di chúc thiêng liêng

ND - Di chúc của Bác Hồ vừa có những điều cụ thể vừa có những điều định hướng chiến lược lâu dài.

Toàn văn bản Di chúc của Bác là kết tinh những triết lý hết sức cô đọng, sâu sắc ở nhiều tầng bản chất, có lẽ phải qua nhiều thế hệ kế tiếp mới có thể lý giải thỏa đáng. Tuy vậy, bước đầu có thể khẳng định: Những điều mong muốn cuối cùng của Bác: "Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới" cũng chính là những mục tiêu chiến lược lâu dài của cách mạng nước ta mà Bác di chúc lại cho toàn Đảng, toàn dân ta tiếp tục thực hiện đến thắng lợi hoàn toàn. Bác đã viết bằng cả tâm huyết của mình bản Di chúc thiêng liêng, trong đó, điều then chốt là xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh. Bác mong muốn toàn Đảng và toàn dân ta, mỗi người, mỗi đảng viên và cán bộ phải nêu gương suốt đời tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng. Điều then chốt nhất ấy là kết quả tất yếu trong suốt cuộc đời hoạt động của Bác được tích lũy lại, trên cơ sở thấy rõ vai trò của con người. Theo Bác, phàm tất cả những cái gì thuộc về đời sống xã hội cũng đều do con người, vì con người và được thực hiện bởi con người với những động cơ, mục đích và phương pháp khác nhau. Động cơ, mục đích và phương pháp ấy, trước hết là do đạo đức điều chỉnh để hướng con người đạt tới các giá trị chân, thiện, mỹ, tránh được cái xấu xa... Vì vậy, đạo đức luôn là gốc của con người nói chung và theo đó, đạo đức cách mạng là gốc của những chiến sĩ cách mạng, là gốc của cán bộ, đảng viên. Nhờ có đạo đức cách mạng mà người chiến sĩ cách mạng có thể vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, bị địch tù đày, tra tấn, thậm chí chấp nhận hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng. Vì vậy, sự nghiệp cách mạng luôn yêu cầu người chiến sĩ cách mạng phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức, nêu cao tấm gương đạo đức như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong... Những điều giáo huấn này đã được Bác nhấn mạnh nhiều lần trong các bài viết, bài nói của Người. Trong Di chúc, Bác viết rất rõ, thật cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ: "Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân". "Đảng ta là một đảng cầm quyền" đòi hỏi mỗi đảng viên và cán bộ phải "thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng", chống chủ nghĩa cá nhân. Mỗi cán bộ, đảng viên đã nêu cao tấm gương đạo đức cách mạng thì nhất định toàn dân sẽ tin tưởng, noi theo, một lòng một dạ đi theo Đảng đem hết tinh thần và nghị lực đưa cách mạng đến thắng lợi hoàn toàn. Đây chính là vấn đề then chốt bảo đảm cho cách mạng thành công. Sự thắng lợi của cách mạng nước ta từ khi có Đảng ta lãnh đạo đến nay đã chứng minh quy luật đó. Đạo đức cách mạng, trong tư tưởng của Bác, rất sâu sắc và rộng lớn, được thể hiện tập trung ở yêu cầu nhiều mặt của hệ thống các chuẩn mực đạo đức (còn gọi là tiêu chuẩn, quy phạm, quy tắc đạo đức...) với nhiều tầng bản chất từ trừu tượng đến cụ thể. Có cả những chuẩn mực đạo đức cơ bản, sâu sắc, trừu tượng; lại có cả những chuẩn mực đạo đức rất cụ thể... Hệ thống các chuẩn mực đạo đức này chính là sự cụ thể hóa các chuẩn mực đạo đức cơ bản, trừu tượng, gắn liền với hành vi của con người, nên rất dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm. Do là sự cụ thể hóa của các chuẩn mực đạo đức cơ bản, trừu tượng, cho nên khi đã thấm nhuần và thực hiện tốt các chuẩn mực đạo đức cụ thể thì cũng có nghĩa là đã đáp ứng được yêu cầu của các chuẩn mực đạo đức cơ bản, và ngược lại. Xuất phát từ đặc điểm của tư duy và hành động của đại đa số nhân dân, đảng viên và cán bộ nước ta, Bác chỉ ra hệ thống các chuẩn mực đạo đức cách mạng cụ thể ấy là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Bác đã có bài viết chuyên về cần, kiệm, liêm, chính để giải thích rõ yêu cầu của mỗi chuẩn mực. Nghiên cứu cách viết của Bác về các chuẩn mực này sẽ thấy một sáng tạo rất tinh tế của Bác: Khi nhằm giải thích rõ từng chuẩn mực thì Bác tách chúng bằng dấu phẩy (cần, kiệm, liêm, chính), có khi có cả xuống dòng. Nhưng khi đòi hỏi phải nhận thức và thực hiện các chuẩn mực đó một cách đồng bộ, chỉnh thể, liên thông (nghĩa là không thể tách rời, khu biệt riêng lẻ từng chuẩn mực) để hợp thành phẩm chất đạo đức cách mạng, thì Bác viết các chuẩn mực ấy liền nhau, không đặt dấu phẩy giữa chúng (cần kiệm liêm chính, chí công vô tư). Như vậy, thấm nhuần và nêu cao tấm gương đạo đức "cần kiệm liêm chính, chí công vô tư" mới chỉ đạt được một phẩm chất của đạo đức cách mạng. Để "thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng", Bác còn yêu cầu "phải xứng đáng là người đày tớ thật trung thành của nhân dân". Nghĩa là suốt đời phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Bất cứ cái gì có lợi cho dân phải hết sức làm, bất cứ cái gì có hại cho dân phải hết sức tránh - "Tận trung với nước, tận hiếu với dân". Thấm nhuần và nêu cao tấm gương đạo đức này, cùng với "cần kiệm liêm chính, chí công vô tư" mới được coi là "thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng". Tóm lại điều then chốt được Bác di chúc lại cho toàn Đảng, toàn dân ta, mà trước hết cho mỗi đảng viên và cán bộ là "thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư" và "phải xứng đáng... là người đày tớ thật trung thành của nhân dân". Bởi vì, chỉ có như vậy mới "thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng", mới "xứng đáng là người lãnh đạo" của nhân dân và mới có thể "giữ gìn Đảng ta thật trong sạch" khi Đảng ta đã trở thành một đảng cầm quyền. 40 năm đã trôi qua, toàn Đảng, toàn dân ta, với quyết tâm cao độ đã phát huy tổng hợp cả tài năng, công sức và trí tuệ để thực hiện tốt nhất lời thề son sắt của mình. Ở cõi vĩnh hằng chắc Bác vui mừng về những thành tựu đã và đang đạt được của cách mạng nước ta - kết quả của việc thực hiện những điều mong muốn cuối cùng của Bác trong Di chúc. Tuy vậy, bên cạnh những thành tựu thật sự là to lớn ấy, vẫn còn những điều chắc là cho đến nay Bác chưa hài lòng. Đó chính là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ đảng viên và cán bộ. Đảng ta đã phân tích rõ những biểu hiện của nó trong các văn kiện của Đảng và đã đề ra chủ trương, đường lối, giải pháp nhằm thường xuyên xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tiếp theo những chủ trương đúng đắn ấy, Bộ Chính trị đã phát động Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong toàn Đảng, toàn dân bắt đầu từ ngày 3-2-2007. Cuộc vận động đang được triển khai thực hiện, đang là quyết tâm lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=156699&sub=50&top=37