Điều kỳ diệu khi cô Hiệu phó và cán bộ thư viện 'đóng thế' nhân viên y tế học đường trong dịch đau mắt đỏ

Mặc dù được giao làm công tác kiêm nhiệm về y tế học đường, nhưng những cô giáo thực hiện nhiệm vụ này lại không có chuyên môn về y tế, cũng như thù lao chi trả cho công việc mà họ đang thực hiện...

Hơn 2 tháng trước, cùng với nhiều địa phương khác trên cả nước, dịch đau mắt đỏ bùng phát tại tỉnh Hải Dương. Trong đó, số ca mắc, lây nhiễm nhiều nhất được ghi nhận ở các trường học và đến thời điểm này, dịch đau mắt đỏ đã được khống chế.

Tuy nhiên, có một nghịch lý đang đặt ra ở tỉnh Hải Dương, khi hiện tại nhiều trường học trên địa bàn không có nhân viên y tế chuyên trách, mà thay vào đó là những người được "đóng thế" làm công việc này, từ hiệu phó, cán bộ thư viện, giáo viên… Điều đáng nói, những người làm công tác kiêm nhiệm mảng y tế học đường hầu hết không có thêm khoản phụ cấp cũng như đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ.

Chị Đoàn Thị Lan- Hiệu phó trường Mầm non Ngọc Châu (TP. Hải Dương) kiêm nhiệm y tế học đường đang kiểm tra mắt cho trẻ.

Có mặt tại trường Mầm non Ngọc Châu (TP. Hải Dương) đúng vào thời điểm chị Đoàn Thị Lan-Phó Hiệu trưởng nhà trường phụ trách y tế đang đến các lớp kiểm tra mắt cho trẻ. Mặc dù không phải là nhân viên y tế chuyên trách, nhưng nhìn những động tác kiểm tra, hỏi chuyện trẻ, chúng tôi cảm nhận được sự tận tình của chị và công việc được giao .

Chị Lan cho biết: "Từ năm 2021, thực hiện tinh giản biên chế, cho nên trường chúng tôi không còn nhân viên y tế học đường chuyên trách và mảng này do tôi đảm nhiệm. Nói thật, lúc đầu được giao nhiệm vụ kiêm nhiệm thêm mảng y tế, bản thân lo lắng vì tôi không được đào tạo chuyên môn về y, mà chỉ được tập huấn những kiến thức sơ đẳng về chăm sóc sức khỏe trẻ; do đó ít nhiều khiến tôi lo lắng….".

Mặc dù kiêm nhiệm thêm mảng y tế học đường, nhưng hiện tại chị Lan không được hỗ trợ thù lao.

Theo chị Lan, dịch đau mắt đỏ xảy ra tại trường Mầm non Ngọc Châu xuất hiện sau ngày khai giảng năm học mới không lâu. Lúc đầu chỉ là 2-3 cháu; tuy nhiên sau đó, nhiều lớp, nhóm lớp trong trường và cô giáo bị mắc. Đến thời điểm này, dịch đau mắt đỏ tại trường đã được khống chế và lúc cao điểm nhất cả trường có hơn 50 ca mắc (cả giáo viên và học sinh).

"Trẻ ở trường tôi bị đau mắt đỏ chủ yếu ở nhóm Mẫu giáo, còn nhóm Nhà trẻ hầu như không có cháu nào mắc. Bởi lẽ, các nhóm trẻ lớn, lớp đông hơn, các cháu hoạt động tiếp xúc với nhau nhiều hơn; còn nhóm nhà trẻ các cháu ít hoạt động và số trẻ ít nên khả năng bị lây nhiễm thấp. Tuy nhiên, khi cháu nào được phát hiện có hiện tượng đau mắt đó, giáo viên đã thông báo cho gia đình và các cháu nghỉ ở nhà điều trị, khi nào khỏi hẳn mới đến lớp", Phó Hiệu trưởng cho biết thêm.

Khăn mặt của trẻ được phơi riêng và đánh số thứ tự, tránh trẻ dùng chung, dùng nhầm của nhau để đảm bảo sức khỏe và bảo vệ an toàn cho mắt.

Cũng như chị Lan, chị Hà Thanh Hiếu (SN 1981)– cán bộ thư viện trường Tiểu học Đông Xuyên (huyện Ninh Giang) là người "đóng thế" nhân viên y tế học đường khi trong trường không còn nhân viên y tế chuyên trách. Với chuyên môn được đào tạo là thư viện, cho nên thời điểm được Ban giám hiệu giao nhiệm vụ kiêm nhiệm mảng y tế khiến chị lo lắng. Vì chị Hiếu biết bản thân không có chuyên môn về lĩnh vực đặc thù này.

"Từ năm học 2021-2022, trường Tiểu học Đông Xuyên không còn nhân viên chuyên trách về y tế, nên tôi được BGH phân công kiêm nhiệm. Khi nhận nhiệm vụ, bản thân tôi rất lo lắng và không biết bắt đầu thực hiện công việc này từ đâu. Được sự giúp đỡ từ cán bộ y tế tiền nhiệm, đồng nghiệp và tự bản thân tìm hiểu, học hỏi nên dần dần tôi quen với công việc này", chị Hiếu tâm sự.

Chị Hà Thanh Hiếu- Cán bộ thư viện trường Tiểu học Đông Xuyên (huyện Ninh Giang) hướng dẫn học sinh sử dụng thuốc nhỏ mắt để phòng bệnh đau mắt đỏ.

Cũng theo nữ cán bộ thư viện chia sẻ, từ khi đảm nhiệm công việc kiêm nhiệm y tế học đường, chị chưa được tập huấn qua lớp nào về y tế, cũng như bồi dưỡng kiến thức về sơ đẳng liên quan đến công việc kiêm nhiệm hiện tại. Do đó, hầu hết kiến thức chị có được liên quan đến y tế chủ yếu là tự học…

"Thông thường, với độ tuổi học sinh tiểu học thì những thương tích gặp phải không lớn. Nếu gặp thương tích lớn, chúng tôi sẽ chuyển học sinh sang Trạm Y tế xã và cần thiết sẽ chuyển tuyến; nhưng cách sơ cứu ban đầu của nhân viên y tế học đường thì chúng tôi phải nắm rõ. Riêng trong đợt dịch đau mắt đỏ vừa qua, trong trường tôi hầu như lớp nào cũng có học sinh mắc", Chị Hiếu nói.

Những người "đóng thế" nhân viên y tế học đường ở Hải Dương mong muốn có chế độ hỗ trợ... từ các cấp, các ngành.

Chia sẻ về thù lao của nhân viên y tế kiêm nhiệm, Phó Hiệu trưởng trường Mầm non Ngọc Châu tâm sự, hiện tại trong trường không có khoản nào chi cho công việc này, cho nên bản thân chị Lan làm nhiệm vụ y tế là trách nhiệm được giao, cũng như tình yêu trẻ. Do đó, chị mong muốn các cấp, ngành cần có kinh phí hỗ trợ cho những người làm công tác y tế kiêm nhiệm trong trường học.

Còn đối với chị Hà Thanh Hiếu thì may mắn hơn khi năm trước đây nhà trường trích một khoản kinh phí nhỏ để hỗ trợ. Còn bắt đầu từ năm học này, việc kiêm nhiệm thêm mảng y tế của chị được quy đổi thành tiết học. Mặc dù số tiết rất ít nhưng đó cũng là cách động viên, khích lệ đối với những người nhận nhiệm vụ "đóng thế" nhân viên y tế học đường.

Xem video cán bộ trường học kiêm nhiệm y tế học đường ở Hải Dương:

Khi Hiệu phó nhà trường và cán bộ thư viện kiêm nhiệm làm nhân viên y tế học đường

Bài, ảnh, clip: Đức Tùy

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/dieu-ky-dieu-khi-thay-hieu-pho-va-can-bo-thu-vien-dong-the-nhan-vien-y-te-hoc-duong-trong-dich-dau-mat-do-17223111919545007.htm