Điều kiện 'then chốt' duy trì niềm tin trên thị trường chứng khoán Việt Nam
Việc công bố thông tin và minh bạch hoạt động của các doanh nghiệp là điều kiện then chốt để duy trì niềm tin trên thị trường, góp phần vào sự vận hành hiệu quả, công bằng với các doanh nghiệp.
Chiều ngày 8/11, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) tổ chức Hội nghị doanh nghiệp thường niên năm 2024 nhằm tổng kết hoạt động niêm yết, đăng ký giao dịch trong năm 2024 và thúc đẩy việc áp dụng các thông lệ tốt về quản trị công ty.
Tại hội nghị, ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, năm 2024, thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua rất nhiều biến động với tác động từ nhiều yếu tố trong và ngoài nước. Thống kê cho thấy, kết quả hoạt động kinh doanh 9 tháng năm 2024 của các doanh nghiệp trên HNX tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, chỉ số HNX-Index giảm 1,6 % so với cuối năm 2023. Giá trị giao dịch bình quân trên thị trường HNX cũng giảm 6,9 % so với bình quân năm 2023 và các nhà đầu tư nước ngoài hiện đang có xu thế bán ròng trong thời gian gần đây.
Trong bối cảnh này, việc công bố thông tin và minh bạch hoạt động của các doanh nghiệp là điều kiện then chốt để duy trì niềm tin trên thị trường, góp phần vào sự vận hành có hiệu quả của thị trường, công bằng và phát triển bền vững đối với các doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp, việc công bố thông tin thể hiện trách nhiệm đối với cổ đông và nhà đầu tư, tạo dựng niềm tin và sự tín nhiệm đối với thị trường.
Việc nâng cao tiêu chuẩn công bố thông tin, minh bạch hoạt động của các doanh nghiệp cũng đã giúp doanh nghiệp khẳng định vị thế của mình và góp phần nâng cao chất lượng chung của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo kết quả đánh giá của Hiệp hội Quản trị doanh nghiệp châu Á (ACGA), điểm quản trị công ty; trong đó có công bố thông tin và minh bạch, Việt Nam mặc dù có sự tăng trưởng, chuyển biến tích cực trong những năm vừa qua, nhưng vẫn chưa đáng kể và xếp hạng của Việt Nam vẫn ở mức khiêm tốn so với các quốc gia tham gia vào hệ thống đánh giá này.
Do đó, mục tiêu cải thiện chất lượng công bố thông tin tiến tới đạt chuẩn khu vực và vươn tầm quốc tế là điều cần thiết để nâng cao giá trị, sức hút và tính cạnh tranh của thị trường chứng khoán Việt Nam trong tương lai.
“Về phía cơ quan quản lý, chúng tôi đã và đang tích cực đưa ra nhiều đề xuất chính sách để hoàn thiện các hành lang pháp lý, hướng tới nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động công bố thông tin của các doanh nghiệp”, ông Hải cho biết.
Theo ông Hải, trong tiến trình thực hiện các giải pháp nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC ngày 18/9/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán (Thông tư 68). Theo đó đưa ra lộ trình các doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch để thực hiện công bố thông tin bằng tiếng Anh. Đây là một bước quan trọng trong việc nâng cao chất lượng công bố thông tin, nâng tầm thị trường chứng khoán Việt Nam và phù hợp với định hướng phát triển thị trường chứng khoán, cũng như mong muốn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Với vai trò là tổ chức vận hành thị trường, giám sát thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin của các doanh nghiệp niêm yết, HNX đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và các tổ chức có liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến và tổ chức khóa đào tạo cho doanh nghiệp niêm yết, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng của việc công bố thông tin, tính minh bạch và tuân thủ nghĩa vụ quản trị công ty.
Về phía các doanh nghiệp niêm yết cũng cần phải có nhận thức rằng, công bố thông tin minh bạch và thực hành quản trị công ty tốt không chỉ là nghĩa vụ và trách nhiệm, điều này còn mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp trong việc nâng cao hình ảnh trên thị trường, đem lại cơ hội giao tăng giá trị huy động vốn với chi phí thấp.
Tại hội nghị, ông Đỗ Văn Tâm, Phó Tổng giám đốc HNX cho biết, năm 2024, Chính phủ, Bộ Tài chính đã có nhiều chủ trương, chính sách cụ thể để hỗ trợ hoạt động thị trường chứng khoán.
Thứ nhất là triển khai các nhóm giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế, thúc đẩy thị trường gắn với mục tiêu nâng hạng chứng khoán từ cận biên lên mới nổi như chủ trương về sửa đổi Luật Chứng khoán sửa đổi, sửa đổi sửa đổi Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán (Nghị định 155) và ban hành Thông tư 68 cũng như triển khai việc công bố thông tin một đầu mối.
Thứ hai là tăng cường quản lý và giám sát thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chỉ đạo các sở giao dịch chứng khoán tăng cường quản lý, giám sát hoạt động thị trường nhằm phát hiện kịp thời và xử lý vi phạm của các công ty chứng khoán, doanh nghiệp, các tổ chức kiểm toán, nhà đầu tư.
Ngoài các hình thức xử phạt chính, các hình thức xử phạt bổ sung như đình chỉ hoạt động giao dịch, hủy bỏ kết quả giao dịch cũng đã được áp dụng. Với các chính sách và cơ chế như vậy, thị trường chứng khoán năm 2024 có nhiều biến động, nhưng vẫn có những mặt tích cực làm cơ sở để tạo thuận lợi tăng trưởng cho năm 2025.
Theo bà Nguyễn Minh Hiền, Giám đốc học thuật – Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD), từ nay đến năm 2030, cần sự “chung tay” từ các doanh nghiệp để cải thiện mức điểm số về quản trị công ty trong khu vực Đông Nam Á.
Mặc dù điểm số quản trị công ty của Việt Nam thời gian qua có xu hướng giảm, nhưng hy vọng rằng cùng với sự chung tay của các doanh nghiệp sự phối hợp của sở giao dịch chứng khoán và Ủy ban Chứng khoán, sẽ có càng nhiều doanh nghiệp biết đến các thông lệ tốt, thực hành và công bố thông tin, mức điểm quản trị công ty của Việt Nam sẽ ngày càng gia tăng.
Đối với các doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn cũng đã xây dựng bộ tiêu chí đánh giá và các tiêu chuẩn đánh giá thiên nhiều về tuân thủ hơn là thông lệ, đây là tín hiệu tích cực. Các doanh nghiệp hiện nay đang có mức điểm đạt ngày càng gia tăng qua các năm, cụ thể là tỷ lệ đạt điểm của năm 2024 của doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn đạt 76 %.
Điểm trung bình chung của điểm quản trị công ty khối doanh nghiệp quy mô lớn, quy mô vốn vừa và quy mô vốn nhỏ thì có khoảng cách. Cụ thể, doanh nghiệp quy mô vốn lớn có điểm quản trị công ty trung bình cao hơn 10% so với quy mô vừa; các doanh nghiệp quy mô vốn vừa lại cao hơn quy mô vốn nhỏ là 10%.
Do đó, với các doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn chưa tiếp cận bộ tiêu chí đánh giá dành cho doanh nghiệp niêm yết thì thời điểm này là cơ hội để xem xét cải thiện điểm quản trị công ty.