Điều kiện gì để TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế?

Từ nay đến năm 2030, Việt Nam chưa thể có tự do hóa tài chính mạnh mẽ. Đây là vấn đề cần phải được tháo gỡ để TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế…

Ảnh minh họa.

Nhiều việc phải làm để TP.HCM có thể trở thành trung tâm tài chính quốc tế vào giai đoạn 2026-2030.

BUỘC TỰ DO HÓA TÀI CHÍNH

Từ năm 2000, các lãnh đạo TP.HCM đã có khát vọng đưa TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế của khu vực, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết tại hội thảo “Đề án phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế”, diễn ra sáng ngày 25/02/2022.

Do đó, việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM còn là ý chí, quyết tâm của trung ương nhằm cụ thể hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

TP.HCM có lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện chính trị, xã hội ổn định và sự năng động kinh tế. Sự phát triển mạnh mẽ của thành phố sẽ giúp củng cố động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần vào sự phát triển chung của Việt Nam cả trên phương diện nội tại lẫn trên trường quốc tế.

Toàn cảnh hội thảo.

Tuy nhiên, chiến lược trở thành trung tâm tài chính quốc tế đặt ra rất nhiều thách thức cho TP.HCM. Để vận hành hiệu quả trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực và quốc tế, rất cần sự nỗ lực, bao gồm: định hướng mô hình cho phù hợp, xây dựng cơ chế chính sách, khung pháp lý, phát triển cơ sở hạ tầng, nền tảng công nghệ và nguồn nhân lực…

Bà Thắng cho biết khi Việt Nam có trung tâm tài chính đặt tại TP.HCM, lãnh đạo thành phố sẽ hết sức trách nhiệm cùng với các chuyên gia và bộ ngành trung ương để xây dựng cơ chế chính sách cho trung tâm tài chính này.

Một trong những điều kiện để trở thành trung tâm tài chính quốc tế là phải tự do hóa tài chính. Vậy, TP.HCM có thể không tự do hóa tài chính được không?

Theo TS Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Đại học Fulbright, các trung tâm tài chính ở Đông Nam Á khi xây dựng bắt buộc phải có lộ trình tự do hóa tài chính. Đối với Việt Nam, ít nhất từ nay đến năm 2030 chưa thể có tự do hóa tài chính mạnh mẽ. Đây là vấn đề cần phải được tháo gỡ bằng một lộ trình cụ thể.

Tuy nhiên, các trung tâm tài chính quốc tế tại Trung Quốc có thể hình thành theo hướng không tự do hóa tài chính, dòng vốn nước ngoài vào ra được kiểm soát chặt chẽ do quy mô các thị trường này rất lớn.

Một hạn chế khác là Việt Nam chưa có không gian pháp lý cho tập đoàn tài chính đa ngành, đa dịch vụ hoạt động.

Hiện các tổ chức tài chính quốc tế chưa có mặt nhiều tại Việt Nam do họ chỉ có giấy phép để kinh doanh ngân hàng truyền thống, khó xin thêm giấy phép hoạt động lĩnh vực khác. Đa số các ngân hàng quốc tế đều chỉ phục vụ doanh nghiệp FDI. Đối với những ngân hàng quốc tế thấy không có hy vọng phát triển thành tập đoàn tài chính họ đều rút vốn, bán lại, hoặc thu hẹp thị trường tại Việt Nam.

Do đó, ông Thành kiến nghị cần có khung pháp lý cho tổ chức tài chính hoạt động theo mô hình tập đoàn tài chính.

PHẢI NÂNG NĂNG LỰC CẠNH TRANH

TP.HCM được đánh giá có tiềm năng trở thành trung tâm tài chính toàn cầu, nhưng năng lực cạnh tranh còn tồn tại một số điểm yếu.

Theo ông Thành TP.HCM có nhiều dịch vụ mới nổi, tốc độ tăng trưởng nhanh, nhưng liệu sẽ phát triển ngắn hạn hay dài hạn. Ví dụ, TP.HCM đang có hơn 200 doanh nghiệp Fintech. Câu hỏi là liệu những doanh nghiệp này có thành tổ chức tài chính số, hay chỉ là start-up (khởi nghiệp) rồi "chết yểu".

Thực hiện “giấc mơ” về Trung tâm Tài chính quốc tế TP.HCM

Ông Thành cũng cho biết thêm bảng xếp hạng Chỉ số Trung tâm Tài chính toàn cầu (GFCI) đánh giá TP.HCM là một trung tâm tài chính toàn cầu, nhưng xếp hạng không nói là trung tâm tài chính quốc gia hay quốc tế, mà là trung tâm tài chính toàn cầu thứ cấp. Tính chất thứ cấp này nằm ở năng lực cạnh tranh.

Để đánh giá năng lực cạnh tranh của thành phố, đề án "Phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế" đã so sánh với 14 trung tâm khác trong khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Nam Á. Xét trên yếu tố địa kinh tế, thị trường tài chính trong khối ASEAN có thể phân thành 3 nhóm: Yếu; trung bình; mạnh. Trong đó, Singapore là quốc gia duy nhất ở nhóm mạnh.

Theo điểm đánh giá, năng lực cạnh tranh của TP.HCM ngang bằng các thành phố lớn trong khu vực như Manila (Philippines), Jakarta (Indonesia) và không thua Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia) nhiều.

“Để đánh giá đề án này nhanh nhất phải đến cuối nhiệm kỳ mới có thể thông suốt chính sách đột phá, từ đó triển khai trong giai đoạn 2026-2030”, ông Thành nói.

Ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, khuyến nghị cần xây dựng sở giao dịch hàng hóa phái sinh với bản chất là giao dịch tài chính. Ngoài ra, cần có sự đa dạng hóa hơn nữa các thị tường tài chính của TP.HCM, ví dụ có sàn giao dịch vàng ngay trong sàn giao dịch hàng hóa hay hình thành thị tường mua bán - sáp nhập (M&A), thị trường mua bán nợ…

Để phát triển đến năm 2025, TP.HCM đặt ra 4 chương trình hành động: Phát triển Fintech, ngân hàng số và thị trường giao dịch tài chính số; thúc đẩy hội nhập tài chính khu vực; phát triển Khu Tài chính - Thương mại Thủ Thiêm; phát triển thị trường hàng hóa tại trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM, bà Lê Ngọc Thùy Trang, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC), cho biết.

Linh Lan -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/dieu-kien-gi-de-tp-hcm-tro-thanh-trung-tam-tai-chinh-quoc-te.htm