Điều gì xảy ra khi một quốc gia cấm TikTok?

Cuộc trấn áp TikTok năm 2020 của Ấn Độ đã tạo cơ hội cho Instagram Reels nổi lên và thay thế ứng dụng này. Tuy nhiên ở những nơi khác, nền tảng mạng xã hội Trung Quốc vẫn tỏ ra khó bị thay thế.

Khi Ấn Độ cấm TikTok vào một buổi tối tháng 6/2020, động thái này diễn ra nhanh chóng và mang tính vĩnh viễn.

Các nhà cung cấp Internet và dữ liệu di động của đất nước tỷ dân đã chặn quyền truy cập vào ứng dụng, khiến 200 triệu người dùng của TikTok Ấn Độ không thể đăng nhập chỉ sau một đêm.

Theo Nikhil Pahwa, người sáng lập trang MediaNama chuyên về chính sách công nghệ tại Ấn Độ, dù lệnh cấm đã ảnh hưởng đến các nhà sáng tạo nội dung, những người đã có lượng khán giả riêng và nguồn thu nhập thông qua các video ngắn, nhưng không có cuộc biểu tình phản đối nào lớn xảy ra.

Người dân nhanh chóng chuyển sang các lựa chọn thay thế xuất hiện sau đó, đặc biệt là Instagram Reels của Meta. Hiện tại, đây cũng là ứng dụng đã chiếm lĩnh văn hóa Internet và nền kinh tế số của Ấn Độ.

Chuyện gì đã xảy ra ở Ấn Độ?

Ngày 29/6/2020, hai tuần sau xung đột với Trung Quốc, chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đột ngột cấm TikTok và 58 ứng dụng khác với lý do lo ngại về an ninh dữ liệu.

Khi đó, TikTok đang là ứng dụng phổ biến nhất với 200 triệu người dùng và Ấn Độ cũng là thị trường lớn nhất của ứng dụng này.

Không chỉ các cửa hàng ứng dụng như Google Play phải ngừng cung cấp TikTok, giống như cách lệnh cấm của nước Mỹ yêu cầu, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông ở Ấn Độ cũng phải chặn hoàn toàn quyền truy cập vào ứng dụng này.

Pahwa cho biết việc không có ứng dụng thay thế rõ ràng đã tạo ra một “cơ hội hàng tỷ USD” mà các nền tảng trong nước và các gã khổng lồ công nghệ Mỹ tranh nhau chiếm lĩnh.

 Năm 2020, TikTok đã bị gỡ bỏ trên nền tảng Google Play và App Store ở Ấn Độ do không phù hợp với văn hóa nước này. Ảnh: Alamy.

Năm 2020, TikTok đã bị gỡ bỏ trên nền tảng Google Play và App Store ở Ấn Độ do không phù hợp với văn hóa nước này. Ảnh: Alamy.

Chỉ trong vòng 3 tháng, Meta ra mắt Instagram Reels, trong khi Google giới thiệu YouTube Shorts. Cả hai đều mô phỏng TikTok về hình thức và nội dung.

Sau hơn 4 năm, “Reels là người chiến thắng rõ ràng”, theo lời Pahwa nói, mặc dù nó không hoàn toàn chiếm được cảm tình của người dùng Ấn Độ như TikTok từng làm.

Lý giải về điều này, Pahwa cho rằng “TikTok có những thợ xây, nông dân và rất nhiều người dân ở các thị trấn nhỏ sáng tạo video cho khán giả địa phương”. Trong khi đó, Reels lại đầy rẫy influencer, với phong cách hướng ngoại và thương mại hóa hơn.

Dù vậy, Pahwa vẫn cho rằng sau tất cả, người dân Ấn Độ dường như đã quên TikTok. "Không ai nghĩ đến nó nữa”, chuyên gia về chính sách công nghệ tại Ấn Độ nói.

Lệnh cấm TikTok ở các quốc gia khác

Kể từ lệnh cấm tại Ấn Độ, nhiều quốc gia đã ngăn cấm TikTok trên thiết bị của các quan chức chính phủ, bao gồm Mỹ, Canada và Liên minh châu Âu (EU).

Ngoài ra, một số ít quốc gia cũng đã chặn hoàn toàn ứng dụng này, mặc dù chỉ là tạm thời. Nepal gỡ TikTok trong gần một năm vì ứng dụng này từ chối hạn chế nội dung mang “ngôn từ kích động thù địch làm xáo trộn hòa hợp xã hội”.

 Kể từ lệnh cấm tại Ấn Độ, nhiều quốc gia đã ngăn cấm TikTok trên thiết bị của các quan chức chính phủ. Ảnh: Canva.

Kể từ lệnh cấm tại Ấn Độ, nhiều quốc gia đã ngăn cấm TikTok trên thiết bị của các quan chức chính phủ. Ảnh: Canva.

Lệnh cấm đã bị hủy bỏ vào tháng 8/2024 sau khi Thủ tướng K.P. Sharma Oli nắm quyền điều hành chính phủ lần thứ tư.

Nga đã nhiều lần phạt TikTok vì cho phép lưu hành nội dung không tuân thủ các quy tắc kiểm duyệt của quốc gia này. Chỉ trong 6 tháng sau đó, tòa án nước này đã phạt nền tảng mạng xã hội Trung Quốc số tiền lên tới khoảng 90.000 USD.

Tại Indonesia, TikTok ra mắt dịch vụ mua sắm trực tuyến có tên TikTok Shop. Vào năm 2023, chính phủ thông qua một đạo luật buộc TikTok phải đóng cửa hoạt động chỉ trong vài ngày.

TikTok Shop chỉ có thể mở cửa trở lại sau khi sáp nhập với công ty thương mại điện tử lớn nhất Indonesia là Tokopedia.

Với TikTok, yêu cầu này cũng đi kèm với một lợi ích: Quyền truy cập vào mạng lưới tài xế giao hàng và dịch vụ hậu cần vận chuyển các gói hàng trên khắp 17.000 hòn đảo của Indonesia.

Trong khi đó, một số bên tìm cách cân bằng nỗi lo về bảo mật của TikTok với quyền tự do ngôn luận. Đảo Đài Loan (Trung Quốc) cấm TikTok trên các thiết bị công vào năm 2019. Song giới chức hòn đảo này không cân nhắc lệnh cấm toàn diện vì không muốn hạn chế văn hóa tranh luận công khai của Đài Loan.

Anh, Australia và Pháp, cũng như nhánh hành pháp của Liên minh châu Âu và Quốc hội New Zealand, áp dụng cách tiếp cận tương tự.

TikTok bị chặn trên các thiết bị di động do chính phủ cấp ở Canada khi chính phủ chỉ đạo TikTok đóng cửa văn phòng tại quốc gia này vào tháng 11/2024, với lý do rủi ro an ninh quốc gia từ ByteDance.

Trong các tài liệu phản đối đệ trình lên tòa án Canada vào tháng 12/2024, TikTok tuyên bố chính phủ Canada đã chỉ đạo trì hoãn các thủ tục giấy tờ quá hạn cho đến khi Mỹ quyết định về cách tiếp cận với công ty.

 Thông báo ngừng hoạt động của TikTok tại Mỹ. Ảnh: 9to5Mac.

Thông báo ngừng hoạt động của TikTok tại Mỹ. Ảnh: 9to5Mac.

Theo Washington Post, đã có ít nhất 12 quốc gia khác đã chặn TikTok trên toàn quốc trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, phần lớn các nước chỉ làm vậy trong vài ngày hoặc vài tuần để kiềm chế biểu tình hoặc bất ổn chính trị, theo tổ chức phi lợi nhuận Access Now.

Trong khi đó, lệnh cấm TikTok của Ấn Độ là một ngoại lệ khi một quốc gia dân chủ loại bỏ hoàn toàn ứng dụng này vì lo ngại an ninh dữ liệu.

David Kaye, giáo sư luật tại Đại học California cho rằng nước Mỹ rất có thể sẽ "nối gót" Ấn Độ theo cách tương tự.

“Mỹ đã là hình mẫu cho nhiều quốc gia khác trong cách suy nghĩ về tự do ngôn luận. Việc Tòa án tối cao Mỹ chấp thuận một đạo luật cấm ứng dụng mạng xã hội vì an ninh quốc gia có thể khiến nhiều quốc gia khác noi theo, dù theo cách khiến nhiều người dùng cảm thấy không thoải mái”, Kaye nhận định.

Anh Tuấn

Nguồn Znews: https://znews.vn/dieu-gi-xay-ra-khi-mot-quoc-gia-cam-tiktok-post1526029.html