Điều còn đọng lại về chuyến bay MH370 mất tích bí ẩn cách đây 10 năm
Một thập kỷ trước, vào ngày 8-3-2014, chuyến bay MH370 của Hãng hàng không Malaysia Airlines đã biến mất không dấu vết, trở thành một trong những bí ẩn lớn nhất của ngành hàng không.
Đột ngột thay đổi hành trình
Máy bay Boeing 777 biến mất khỏi radar kiểm soát không lưu 39 phút sau khi rời Kuala Lumpur trên đường tới Bắc Kinh vào ngày 8-3-2014. Phi công đã gửi cuộc gọi vô tuyến cuối cùng tới Kuala Lumpur trước khi rời Malaysia - “Chúc ngủ ngon Malaysia, 370”, nhưng không thấy phi công liên lạc với kiểm soát viên không lưu ở TP.HCM khi máy bay bay vào không phận Việt Nam.
Vài phút sau, bộ phát đáp của máy bay - một hệ thống liên lạc truyền vị trí của máy bay tới trạm kiểm soát không lưu - ngừng hoạt động. Radar quân sự đã phát hiện chiếc máy bay quay vòng để di chuyển qua Biển Andaman trước khi biến mất và dữ liệu vệ tinh cho thấy nó tiếp tục bay trong nhiều giờ, có thể cho đến khi hết nhiên liệu. Chiếc máy bay được cho là đã bị rơi ở một khu vực xa xôi ở phía Nam Ấn Độ Dương.
Nhiều giả thuyết đặt ra
Các giả thuyết về sự biến mất kỳ lạ của chuyến bay MH370 được đặt ra, từ việc bị cướp, mất ôxy trong cabin cho đến mất điện. Nhưng không có cuộc gọi khẩn cấp, không có yêu cầu tiền chuộc, cũng không có thời tiết xấu hay bằng chứng về lỗi kỹ thuật. Các nhà điều tra an toàn của Malaysia trong báo cáo năm 2018 đã không công bố thông tin trên máy bay, nhưng không loại trừ “một sự can thiệp bất hợp pháp”. Chính phủ Malaysia cho rằng, ai đó đã cố tình cắt đứt liên lạc với mặt đất và chuyển hướng máy bay.
Người trên máy bay gồm những ai?
Máy bay chở 227 hành khách, trong đó có 5 trẻ nhỏ và 12 thành viên phi hành đoàn. Hầu hết hành khách là người Trung Quốc, nhưng cũng có công dân của Mỹ, Indonesia, Pháp và Nga. Trong số này, đáng chú ý có 2 thanh niên Iran sử dụng hộ chiếu bị đánh cắp để tìm kiếm cuộc sống mới ở châu Âu; một nhóm nghệ sĩ thư pháp Trung Quốc trở về sau cuộc triển lãm tác phẩm của họ; 20 nhân viên của Công ty công nghệ Freescale Semiconductor của Mỹ; diễn viên đóng thế cho nam diễn viên Lý Liên Kiệt; gia đình có con nhỏ và một cặp vợ chồng người Malaysia đang hưởng tuần trăng mật bị trì hoãn từ lâu.
Cuộc tìm kiếm lớn nhất lịch sử
Ngay sau khi xảy ra sự việc, hàng chục tàu và máy bay từ nhiều nước bắt đầu tìm kiếm máy bay ở khu vực Biển Đông giữa Malaysia và Việt Nam. Sau đó, cuộc tìm kiếm chuyển sang Biển Andaman và Ấn Độ Dương. Australia, cùng với Malaysia và Trung Quốc dẫn đầu cuộc tìm kiếm dưới nước lớn nhất và tốn kém nhất lịch sử, bao phủ khoảng 120.000 km2 đáy biển ngoài khơi phía Tây Australia, sử dụng máy bay, tàu được trang bị để thu tín hiệu sóng siêu âm và tàu ngầm robot.
Các tàu tìm kiếm đã phát hiện ra các tín hiệu siêu âm có thể đến từ hộp đen của máy bay và các vụ đắm tàu được cho là tàu buôn từ thế kỷ 19, nhưng chưa bao giờ tìm thấy máy bay. Vào tháng 7-2015, một mảnh vỡ sau đó được xác nhận là cánh phụ của chuyến bay 370 đã được tìm thấy trên đảo
Reunion của Pháp ở phía Tây Ấn Độ Dương, bằng chứng cho thấy MH370 đã kết thúc chuyến bay ở Ấn Độ Dương. Một số mảnh vỡ khác sau đó được tìm thấy dạt vào bờ biển phía Đông châu Phi. Việc tìm kiếm đã bị đình chỉ vào tháng 1-2017.
Khó ngang “mò kim đáy bể”
Một lý do khiến cuộc tìm kiếm quy mô lớn như vậy nhưng không tìm ra manh mối là vì không thể khoanh vùng chính xác. Ấn Độ Dương là đại dương lớn thứ ba thế giới và việc tìm kiếm thường xuyên gặp phải thời tiết xấu và độ sâu trung bình khoảng 4 km. Theo Mạng lưới An toàn Hàng không, trong 50 năm qua, hàng chục máy bay đã biến mất. Một khi máy bay biến mất dưới biển sâu, việc xác định vị trí là rất khó.
Vẫn mong tìm ra sự thật
Chính phủ Malaysia hôm 3-3-2024 cho biết, họ có thể mở rộng cuộc tìm kiếm MH370 nếu có bằng chứng mới đáng tin cậy. Hiện họ đang xem xét đề xuất từ Công ty robot hàng hải Ocean Infinity của Mỹ với công nghệ mới. Công ty này từng tìm kiếm theo hợp đồng “không tìm thấy, không lấy tiền” với Malaysia vào tháng 1-2018 nhưng cũng đã kết thúc sau vài tháng do không thành công.
Nhiều gia đình mất người thân trong vụ máy bay mất tích vẫn kiên định tìm kiếm câu trả lời. Họ cho rằng bí ẩn phải được giải quyết, không chỉ để thỏa lòng mong mỏi của mỗi gia đình mà còn để ngăn chặn thảm họa trong tương lai.
Thảm họa cũng đã giúp tăng cường an toàn hàng không. Bắt đầu từ năm 2025, Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế sẽ yêu cầu các máy bay phản lực phải mang theo một thiết bị phát vị trí trong từng phút để cho phép cơ quan chức năng xác định vị trí máy bay nếu xảy ra sự cố. Các thiết bị sẽ được kích hoạt tự động và không thể tắt thủ công. Nhưng quy tắc này chỉ áp dụng cho các máy bay phản lực mới chứ không áp dụng cho hàng nghìn máy bay cũ vẫn đang được sử dụng.
Theo AP