Điều chỉnh tần suất kiểm tra sức chịu đựng thanh khoản các ngân hàng từ 6 tháng còn 3 tháng/lần
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) hiện đang lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Thông tư quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ đối với ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, thay thế Thông tư số 13/2018/TT-NHNN.
Theo đó, một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo lần này là điều chỉnh tần suất kiểm tra sức chịu đựng thanh khoản từ 6 tháng/lần xuống 3 tháng/lần, nhằm nâng cao khả năng ứng phó của hệ thống tài chính trước các rủi ro thanh khoản ngày càng phức tạp và bất định.
Theo quy định tại Điều 28 của Dự thảo, NHNN đã mở rộng phạm vi các loại rủi ro trọng yếu buộc phải thực hiện kiểm tra sức chịu đựng. Thay vì chỉ tập trung vào rủi ro thanh khoản và rủi ro về vốn như trước đây, các ngân hàng sẽ phải kiểm tra thêm các rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động và rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng.

Đặc biệt, các ngân hàng được phép linh hoạt lựa chọn phương pháp kiểm tra, bao gồm: phân tích độ nhạy, phân tích kịch bản và kiểm tra ngược thay vì chỉ giới hạn ở phương pháp phân tích kịch bản như quy định hiện hành.
Mỗi phương pháp kiểm tra phải bao gồm tối thiểu hai cấp độ nghiêm trọng, cụ thể là trung bình và nghiêm trọng, để bảo đảm tính thực tiễn và tăng cường năng lực phòng ngừa rủi ro.
Dự thảo cũng quy định cụ thể tại Điều 51 về việc các tổ chức tín dụng phải xây dựng tối thiểu ba kịch bản kiểm tra sức chịu đựng đối với thanh khoản, bao gồm: Kịch bản căng thẳng đặc thù, mô phỏng rủi ro xảy ra riêng lẻ tại từng ngân hàng do yếu tố nội tại (như chất lượng tài sản kém, mất thanh khoản, rủi ro uy tín…).
Kịch bản căng thẳng toàn hệ thống, phản ánh tác động từ các cú sốc kinh tế vĩ mô hoặc biến động chính trị lớn và kịch bản hỗn hợp, kết hợp cả yếu tố đặc thù và yếu tố hệ thống.
Các kịch bản này cần được đánh giá toàn diện trên cả ba khía cạnh: tài sản có, nợ phải trả và cam kết ngoại bảng, đồng thời xét đến các yếu tố như rủi ro chuyển đổi tiền tệ, cấu trúc huy động vốn, tỷ lệ rút trước hạn và sự phụ thuộc vào nguồn vốn lớn từ khách hàng trọng yếu.
Cùng với đó, ngân hàng phải thiết lập kế hoạch dự phòng thanh khoản, bao gồm các bước nhận diện khủng hoảng, biện pháp ứng phó ưu tiên, nguồn vốn dự phòng cụ thể, cũng như quy trình chia sẻ thông tin và ra quyết định kịp thời.
Tại Điều 66, Dự thảo yêu cầu các ngân hàng xây dựng kịch bản kiểm tra sức chịu đựng vốn với các giả định bất lợi gắn liền với mô hình kinh doanh thực tế và hồ sơ rủi ro cụ thể. Các giả định bắt buộc bao gồm: biến động về lãi suất, tỷ giá, giá vàng và chất lượng tín dụng.
Đáng lưu ý, giả định về lãi suất phải được đánh giá đồng thời trên các phương diện: rủi ro tín dụng (khả năng trả nợ), rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động. Tương tự, biến động tỷ giá và giá vàng cần được phân tích về ảnh hưởng đến tài sản có trọng số rủi ro, trong khi chất lượng tín dụng phải được đánh giá tác động đến cả ba loại rủi ro: tín dụng, hoạt động và tập trung.
Theo Điều 31 của Dự thảo, việc kiểm soát rủi ro tín dụng sẽ được mở rộng ra toàn bộ danh mục tín dụng, không giới hạn ở từng khoản cấp tín dụng riêng lẻ. Các ngân hàng phải đánh giá mức độ tập trung rủi ro theo sản phẩm, khách hàng, ngành nghề, khu vực địa lý, cũng như tài sản bảo đảm.
Toàn bộ kết quả kiểm tra sức chịu đựng phải được báo cáo tới Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên, Ủy ban quản lý rủi ro, Ban điều hành và Hội đồng rủi ro của ngân hàng. Các cấp này có trách nhiệm xem xét, đánh giá và triển khai biện pháp ứng phó thích hợp, nhằm đảm bảo kiểm tra sức chịu đựng thực sự trở thành công cụ hỗ trợ ra quyết định chiến lược trong quản trị rủi ro.
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, việc điều chỉnh tần suất kiểm tra và bổ sung các yêu cầu phân tích kịch bản không chỉ giúp các tổ chức tín dụng nâng cao năng lực nhận diện và kiểm soát rủi ro mà còn góp phần củng cố tính ổn định và sức chống chịu của toàn hệ thống tài chính quốc gia trước các biến động ngày càng phức tạp của thị trường trong và ngoài nước.