Diễn trình 60 năm của chatbot: Từ Eliza đến ChatGPT

Từ một chatbot khá thô sơ được đặt theo tên một nhân vật trong vở nhạc kịch nổi tiếng của George Bernard Shaw 60 năm trước, công nghệ chatbot AI đang có những bước tiến vượt trội trong thời gian qua và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại.

Eliza: Bước đệm trong sự phát triển của chatbot

Được ra mắt vào năm 1966, Eliza được coi là chatbot đầu tiên trong lịch sử khoa học máy tính mặc dù thời điểm đó thuật ngữ chatbot thậm chí còn chưa xuất hiện. Chỉ đến năm 1994, thuật ngữ “ChatterBot” mới được Michael Mauldin (người tạo ra Verbot đầu tiên có tên Julia) đặt ra để mô tả các chương trình đàm thoại này.

Eliza được đặt tên theo nhân vật hư cấu Eliza Doolittle trong vở kịch Pygmalion năm 1913 của nhà viết kịch nổi tiếng George Bernard Shaw. Eliza không được thiết kế để trở thành một người bạn ảo hay để hỗ trợ dịch vụ khách hàng. Thay vào đó, mục đích của nó được cho là “lớn lao” hơn nhiều, chính là khám phá bản chất giao tiếp giữa con người và máy móc.

Eliza mô phỏng vai trò của một nhà trị liệu tâm lý và trả lời các câu hỏi của người dùng. Công nghệ đằng sau Eliza được đánh giá là cực kỳ thô sơ. Chương trình máy tính này đã sử dụng một kỹ thuật gọi là khớp mẫu và nhận dạng từ khóa. Người dùng sẽ nhập văn bản và Eliza sẽ quét các từ khóa hoặc mẫu cụ thể. Dựa trên những kết quả trùng khớp này, chương trình sẽ trả lời bằng các cụm từ hoặc câu hỏi được viết sẵn, thường diễn đạt lại câu nói của chính người dùng. Ví dụ: nếu người dùng nhập “Tôi cảm thấy cô đơn”, Eliza có thể trả lời rằng “Hãy cho tôi biết thêm về cảm giác cô đơn của bạn”. Nếu một người nói rằng “Mẹ tôi nấu ăn ngon”. Eliza sẽ chọn từ “mẹ” và trả lời bằng cách hỏi một câu hỏi mở: “Hãy kể cho tôi biết thêm về gia đình bạn”.

Hạn chế lớn nhất của chatbot này chính là lượng kiến thức mỏng, chính vì vậy Eliza không có khả năng thực hiện các cuộc trò chuyện dài và đa dạng chủ đề. “Eliza có thể mô phỏng một cuộc trò chuyện bằng văn bản trong khoảng 10 câu, trước khi người dùng nhận ra nó không thực sự thông minh và chỉ đang tìm cách kéo dài câu chuyện”, ông Sanjeev P. Khudanpur, chuyên gia về công nghệ ngôn ngữ tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), nhận định.

Dù vậy, Eliza cũng đã khiến nhiều người ngạc nhiên. Ông Joseph Weizenbaum, người tạo ra Eliza, khẳng định trong tài liệu năm 1966 rằng “nhiều người không thể tin Eliza là chương trình máy tính và không phải người thật”. Chương trình đơn giản này khiến nhiều người dùng cảm thấy họ đang trò chuyện với một con người dù Eliza không thực sự hiểu được cảm xúc của người dùng hoặc chiều sâu trong câu nói của họ.

Mặc dù có sự hạn chế về nhiều mặt, Eliza vẫn được xem là tiền đề để có thể phát triển chatbot với nhiều tính năng ưu việt như hiện nay. Sau Eliza, còn có những Bot thành công khác được tạo ra như PARRY năm 1972, RACTER năm 1983 và sau đó là JABBERWACKY năm 2005… Tiếp đó là kỷ nguyên trợ lý ảo bằng giọng nói như Google, Alexa, Cortana…

Di sản của Eliza rất có ý nghĩa. Mặc dù chatbot ngày nay phức tạp hơn nhiều khi sử dụng thuật toán xử lý ngôn ngữ tự nhiên (Natural Language Processing - NLP) và máy học (Machine Learning - ML) để có khả năng xử lý các cuộc hội thoại phức tạp, nhưng khái niệm cốt lõi của Eliza vẫn phù hợp.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Kỷ nguyên mới của chatbot

Ngày nay, nhờ có AI sáng tạo, một kỷ nguyên mới của chatbot đang được hình thành. Các chatbot có thể làm được mọi thứ và chạy trên các mô hình ngôn ngữ phức tạp hơn nhiều với lượng dữ liệu khổng lồ. Các mô hình trí tuệ nhân tạo đằng sau các chatbot phổ biến đang phát triển nhanh hơn định luật Moore, thước đo tốc độ tăng hiệu suất phần cứng máy tính.

Gây được tiếng vang lớn nhất thời gian gần đây là ChatGPT (Generative Pre-training Transformer) của OpenAI. Một trong những tính năng chính của ChatGPT là sử dụng các mô hình ngôn ngữ lớn (Large Language Models - LLM). Các mô hình này được huấn luyện (training) trên một lượng lớn dữ liệu văn bản trên mạng từ sách báo, Wikipedia, các thông tin website, các văn bản do Open AI tự thu thập…

Số lượng dữ liệu khổng lồ này giúp ChatGPT hiểu và tạo ra một loạt các mẫu và phong cách ngôn ngữ khác nhau. Với các huấn luyện từ trước (pre-training), ChatGPT đưa ra phản hồi không chỉ chính xác mà còn giống con người về giọng điệu và cách thức.

Không giống như các chatbot truyền thống bị giới hạn bởi các phản hồi được lập trình sẵn, ChatGPT có thể tạo các phản hồi mới và độc đáo trong thời gian thực. Điều này có nghĩa là ChatGPT không chỉ có khả năng trả lời các câu hỏi đơn giản mà còn có thể tham gia vào các cuộc trò chuyện phức tạp và nhiều sắc thái, mang lại trải nghiệm giống con người hơn cho người dùng.

Với sức mạnh tính toán vượt trội, ChatGPT có chỉ số IQ được kiểm tra là 147 trong bài kiểm tra IQ ngôn ngữ trong khi người trung bình có IQ là 120. Công cụ trí tuệ nhân tạo này đã vượt qua được các bài kiểm tra của 4 khóa học tại Đại học Minnesota và một kỳ thi khác tại Trường Kinh doanh Wharton của Đại học Pennsylvania.

Microsoft mới đây đã ra mắt ứng dụng chatbot có tên Copilot, cho phép người dùng có thể hỏi bất cứ điều gì, soạn thảo nhanh email, soạn câu chuyện hoặc kịch bản, tóm tắt các văn bản phức tạp, tạo hình ảnh nhờ tích hợp với công cụ tạo ảnh từ văn bản Dall-E3. Copilot cho phép người dùng tiếp cận GPT-4, mô hình ngôn ngữ lớn mới nhất của OpenAI, mà không phải trả phí. Microsoft cho biết, bằng cách kết hợp sức mạnh của GPT-4 với khả năng tưởng tượng của DALL-E3, Copilot không chỉ nâng cao quy trình thiết kế mà còn có thể đưa khả năng sáng tạo của người dùng lên những tầm cao mới.

Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đã thay đổi do việc sử dụng rộng rãi các chatbot giúp quản lý dữ liệu. Babylon Health, OneRemision và Youper là một số chatbot sức khỏe nổi tiếng.

Một nghiên cứu của Grand View Research cho thấy đến năm 2030, quy mô thị trường trợ lý ảo thông minh toàn cầu được dự đoán sẽ đạt 14,10 tỷ USD. Ngoài ra, một cuộc khảo sát do Accenture thực hiện đã tiết lộ rằng 83% người tiêu dùng sẵn sàng cung cấp dữ liệu cá nhân của họ để có được trải nghiệm cá nhân hóa hơn với chatbot.

Kết luận

Chatbot đã được chứng minh là công cụ hữu ích cho các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô, mang lại những lợi ích như tính sẵn sàng 24/7, hiệu quả vượt trội, tiết kiệm chi phí, khả năng mở rộng và tính nhất quán. Tuy nhiên, công cụ này cũng có những hạn chế trong việc xử lý các câu hỏi phức tạp, thiếu sự đồng cảm, chi phí thiết lập ban đầu cao, thường xuyên phải bảo trì và hay gặp các vấn đề bảo mật. Do đó, các chuyên gia công nghệ cho rằng cần có chiến lược lấy người dùng làm trung tâm, cập nhật thường xuyên và cam kết giải quyết các mối lo ngại về bảo mật và quyền riêng tư để sử dụng chatbot hiệu quả nhất. Chatbot chỉ hoạt động tốt nhất khi được kết hợp với kinh nghiệm và sự giám sát của con người.

Lê Anh

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/dien-trinh-60-nam-cua-chatbot-tu-eliza-den-chatgpt-d111184.html