Điện Biên - Nơi lưu giữ những ký ức lịch sử và vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ

Đối với Đức Hiệp, chàng trai 27 tuổi đam mê xê dịch, hành trình đặt chân đến Điện Biên không chỉ là để thỏa mãn sở thích du lịch mà còn là để ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc.

Đi Điện Biên đúng dịp đặc biệt

Để tuổi trẻ trôi qua một cách có ý nghĩa, để sau này có dịp ngồi nhìn lại thanh xuân đã qua, nam du khách cảm thấy không hối tiếc vì đã dành thời gian thực hiện những chuyến xê dịch đến vùng đất mới.

Đam mê trải nghiệm, Đức Hiệp có sở thích du lịch ưu tiên về việc đi phượt và nghỉ dưỡng. Cậu muốn phượt đến những nơi có thể chưa ai biết tới hoặc ít thông tin về nơi đó. Với du lịch nghỉ dưỡng, anh chàng muốn khám phá các khu nghỉ dưỡng có tiếng.

Là một người con miền Bắc đam mê xê dịch, cậu ưu tiên chinh phục và đặt chân tới các tỉnh, thành miền Bắc. Điện Biên là điểm dừng chân cuối cùng trong kế hoạch đi các điểm miền Bắc của anh chàng này.

Du khách đi trúng vào thời điểm kỉ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Du khách đi trúng vào thời điểm kỉ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Lưu dấu chân trên các tỉnh, thành ở miền Bắc, cuối cùng, cậu cũng đã thực hiện chuyến đi đến nơi ao ước từ lâu. Đi trúng vào dịp kỉ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Đức Hiệp cảm thấy ý nghĩa và vô cùng tự hào khi may mắn tới đúng thời điểm ôn lại lịch sử vẻ vang của đất nước.

“Mình tự hào về vùng đất lịch sử, tự hào về bản thân khi được trải nghiệm phượt trên các cung đường gian nan là những cung đường mà ông cha ta, các chiến sĩ ngày xưa đã từng trải qua, vô cùng xúc động và ý nghĩa. Cảnh quan ở đây tuyệt đẹp, mình cảm nhận được sự nguyên sơ của Tủa Chùa, vẻ hùng vĩ ở A Pa Chải, nét xinh đẹp ở cung đường Mường Chà, Mường Nhé và khung cảnh yên bình ở trung tâm thành phố Điện Biên”, du khách 27 tuổi chia sẻ.

Những ngày ở mảnh đất anh hùng này, anh chàng ấn tượng với cung đường từ Tủa Chùa đi cầu treo Pa Phông. Cung đường này có những đoạn các bạn phải dừng lại tầm 15-20 phút do đang làm đường, có những đoạn đường gồ ghề, sỏi đá to, suýt trượt tay lái. Đặc biệt nhất là lần đầu tiên nam du khách được xem nổ mìn núi đá và đi qua sau 5 phút nổ xong cảm giác vẫn rất sợ và bụi. Thế nhưng, cảnh tượng này đã giúp cậu hiểu ra trong tình huống nào bản thân cũng phải vượt qua một cách bình tĩnh và hiên ngang.

Trải nghiệm đáng nhớ trên mảnh đất lịch sử

Đến khám phá Điện Biên như sự sắp xếp vì trước đây anh chàng mãi ước ao về vùng đất xa nhất của khu vực Tây Bắc này, Đức Hiệp đã có 3 ngày đáng nhớ với nhiều trải nghiệm thú vị.

Do có tìm hiểu trước về Điện Biên, nam du khách đã đến Tủa Chùa đầu tiên để chiêm ngưỡng những cảnh đẹp hùng vĩ. Bắt xe giường nằm đến xến xe Tủa Chùa vào 8h sáng hôm sau, du khách may mắn hỏi được anh tài xế xe khách cho thuê xe máy để di chuyển đến các điểm đã lên kế hoạch.

Cách bến xe này khoảng 50 cây số, anh chàng đã di chuyển đến cầu treo Pa Phông (xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa). Trên đường đi, du khách đã bắt gặp được những đoạn đường có cao nguyên đá. Cao nguyên đá Tủa Chùa hiện ra nguyên sơ với khung cảnh núi đá vôi trùng điệp, bao bọc những nếp nhà của người dân tộc Mông.

Cầu treo Pa Phông hiện ra hùng vĩ trong mắt du khách.

Cầu treo Pa Phông hiện ra hùng vĩ trong mắt du khách.

Tiếp trên cung đường này, các bạn đi qua hang động Khó Chua La. Họ ghé vào Hang động tự nhiên này vui chơi, đây cũng là điểm đến không thể bỏ qua khi tới Tủa Chùa. Dừng chân bên di tích Danh lam thắng cảnh cấp quốc gia này, các du khách đã được chiêm ngưỡng vẻ đẹp nguyên sơ với các khối nhũ đá hết sức lộng lẫy và có hình thù kỳ lạ. Vẻ đẹp hiếm có này so với các hang động được phát hiện ở Tủa Chùa đã mang đến cho hang động Khó Chua La sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách.

Đi tiếp từ hang động đến cầu treo khoảng 30 cây số, ở gần đến cầu treo dần hiện ra khung cảnh lòng hồ sông Đà và lấp ló cầu treo màu đỏ sừng sững vắt ngang sông Đà xanh biếc để sang xã Huổi Lóng. Trong khung cảnh hùng vĩ và không kém phần yên bình này, các bạn có thời gian nghỉ ngơi, check-in, chụp ảnh.

“Mình thích nhất cầu treo Pa Phông bởi sự hùng vĩ của cây cầu. Mình không ngờ ở một huyện xa và nguyên sơ nhất lại có cây cầu đẹp như thế. Cây cầu nối từ xã Huổi Só sang xã Huổi Lóng của huyện Tủa Chùa, vắt ngang qua lòng hồ sông Đà mềm mại tựa như một dải lụa duyên dáng. Bạn tin tôi đi, đến Điện Biên nên ghé thăm Tủa Chùa vì vẻ đẹp khó cưỡng này”, du khách đến từ Hà Nội cảm nhận.

Các bạn quay trở về bến xe Tủa Chùa vào đầu giờ chiều rồi đi xe khách về trung tâm thành phố Điện Biên cách khoảng 120 cây số để nghỉ ngơi. Buổi tối ở trung tâm khá yên bình và hàng quán không nhiều. Các bạn đã dạo bộ, thưởng thức một số món ăn rồi về nghỉ ngơi.

Hôm sau, mọi người thức dậy sớm đi đón bình minh trên tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ ngay giữa trung tâm thành phố. Du khách lần lượt điểm di tích Đồi A1, Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ có bức tranh Panorama tái hiện toàn cảnh chiến dịch Điện Biên Phủ, Nghĩa trang Liệt sỹ Điện Biên Phủ.

Loanh quanh hết buổi sáng các địa điểm lịch sử trên, vào đầu giờ chiều, họ đi xe khách đến trung tâm huyện Mường Nhé cách thành phố khoảng 200 cây số. Đến nơi, mọi người nghỉ ngơi, thuê xe máy của khách sạn để sáng hôm sau đi sớm săn cột mốc Số 0, cực Tây A Pa Chải.

5h30’ sáng, Đức Hiệp và các bạn trong nhóm xuất phát từ trung tâm Mường Nhé tới cực Tây A Pa Chải cách đó khoảng 70 cây số. Họ đi tầm 60km đến Đồn Biên phòng A Pa Chải để xin phép Đồn Biên phòng và làm thủ tục, sau đó đồn sắp xếp một cán bộ dẫn du khách lên cột mốc tầm 10 cây số.

“10 cây số tới cột mốc là đoạn đường đi khó khăn, phải băng qua một con đường mòn trong rừng men theo núi nhỏ chỉ vừa cho một chiếc xe máy đi. Đường dốc và có nhiều khúc gắt...”, Đức Hiệp nói.

Các bạn tiếp tục đi xe máy đến đoạn chân cầu thang để lên cột mốc, leo bộ 570 bậc thang để đến được đỉnh. Khi chinh phục được cột mốc số 0, nam du khách cảm giác vỡ òa và được chứng kiến ngã 3 biên giới Việt Nam - Trung Quốc - Lào, cực Tây của Tổ quốc. Từ cột mốc, các du khách nhìn xuống có những dãy núi, những cánh rừng của ba nước, có những thời điểm họ còn săn được mây trôi bồng bềnh.

Du khách đặt chân đến cột mốc số 0.

Du khách đặt chân đến cột mốc số 0.

Từ cột mốc số 0, các du khách quay về lại trung tâm huyện Mường Nhé rồi đi xe khách từ bến xe huyện Mường Nhé và trở về Hà Nội. Từ Mường Nhé về Hà Nội mất tầm 17 tiếng đồng hồ nên du khách chuẩn bị đồ ăn kèm theo trên xe.

“Lịch trình cá nhân mình trải nghiệm tự túc dựa theo sức khỏe nên khá cố gắng để trải nghiệm hết các địa điểm nổi tiếng ở Điện Biên. Cuộc trải nghiệm trên vùng đất lịch sử đã cho mình những khoảng thời gian ý nghĩa, có dịp tìm hiểu về lịch sử mảnh đất này và thêm trân trọng giá trị của hòa bình mà ông cha ta đã đổ biết bao mồ hôi, xương máu để có được cho hậu thế”, Đức Hiệp nói và tiết lộ kế hoạch du lịch tiếp theo muốn chinh phục ở vùng đất Tây Nguyên.

Du khách dừng chân đến nhiều địa điểm ở Điện Biên để tìm hiểu về lịch sử đã qua.

Du khách dừng chân đến nhiều địa điểm ở Điện Biên để tìm hiểu về lịch sử đã qua.

Bức tranh Panorama tái hiện toàn cảnh chiến dịch Điện Biên Phủ.

Bức tranh Panorama tái hiện toàn cảnh chiến dịch Điện Biên Phủ.

Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ.

Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ.

Đồi A1 lịch sử.

Đồi A1 lịch sử.

Đến vùng đất lịch sử để thấu hiểu thêm được giá trị của hòa bình.

Đến vùng đất lịch sử để thấu hiểu thêm được giá trị của hòa bình.

Du khách đến cực Tây Tổ quốc.

Du khách đến cực Tây Tổ quốc.

Khung cảnh bình yên.

Khung cảnh bình yên.

Vẻ đẹp hùng vĩ ở Điện Biên.

Vẻ đẹp hùng vĩ ở Điện Biên.

Du khách lưu lại những tấm ảnh kỷ niệm ở cầu treo.

Du khách lưu lại những tấm ảnh kỷ niệm ở cầu treo.

Chiêm ngưỡng vẻ đẹp cây cầu.

Chiêm ngưỡng vẻ đẹp cây cầu.

Khung cảnh nguyên sơ ở Điện Biên.

Khung cảnh nguyên sơ ở Điện Biên.

Du khách hòa mình vào bầu không khí trong lành.

Du khách hòa mình vào bầu không khí trong lành.

Thiên nhiên tuyệt đẹp ở Điện Biên.

Thiên nhiên tuyệt đẹp ở Điện Biên.

Nam du khách đam mê xê dịch đến những nơi bình yên, hoang sơ...

Nam du khách đam mê xê dịch đến những nơi bình yên, hoang sơ...

Hải Vân

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/diem-den/dien-bien-noi-luu-giu-nhung-ky-uc-lich-su-va-ve-dep-thien-nhien-hoang-so-c23a74697.html