Diễn biến dịch bệnh COVID -19 ở Hải Dương vẫn còn rất phức tạp

Cục Y tế dự phòng so sánh: Trong 2 tuần đầu tiên thì số ca mắc tại Đà Nẵng đã có xu hướng giảm trong khi Hải Dương vẫn chưa rõ xu hướng và đồng thời đã xuất hiện các ổ dịch trong cộng đồng.

Cục Y tế dự phòng đã có báo cáo mới nhất về công tác phóng chống dịch COVID -19 tại Hội nghị Giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch COVID -19 sáng ngày 19/2.

Theo báo cáo, tính đến 18/2/2021, thế giới ghi nhận trên 110 triệu trường hợp mắc và 2,4 triệu người tử vong do COVID -19 tại 221 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Trong vòng 1 tháng qua, số ca mắc mới đã giảm 44,5 %, mức giảm lớn nhất và kéo dài nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Tuy nhiên, số ca mắc mỗi ngày vẫn ở mức rất cao (khoảng 400 nghìn người mắc/ngày).

Theo Cục Y tế dự phòng thì dịch bệnh tại Hải Dương vẫn còn rất phức tạp (ảnh TL).

Việt Nam đứng thứ 172 trên thế giới, thứ 41 Châu Á và thứ 7 Đông Nam Á về số ca mắc COVID-19.

Thế giới vẫn tiếp tục ghi nhận các biến chủng mới. Trong đó, bước đầu đã có bằng chứng về đột biến (E484K) có liên quan đến việc tăng khả năng lây truyền và giảm đáp ứng miễn dịch của người mắc.

Từ ngày 25/1/2021 đến 18h00 ngày 18/2/2021 tại Việt Nam đã ghi nhận 755 trường hợp mắc trong nước tại 13 tỉnh. Đến nay có 8 tỉnh, thành phố nhiều ngày qua không nghi nhận ca mắc mới, gồm: Hải Phòng 20 ngày, Hòa Bình 17 ngày, Hà Giang 13 ngày, Điện Biên13 ngày, Bình Dương 12 ngày và Hưng Yên 9 ngày, Bắc Giang 8 ngày, Bắc Ninh và Gia Lai 7 ngày.

Trong đợt dịch từ ngày 25/1/2021 đến nay, Việt Nam ghi nhận các biến chủng gồm, B.1.1.7 Anh (tại Hải Dương và A.23.1 xuất hiện tại Rwanda, châu Phi tại Hồ Chí Minh. Trong đó biến chủng Anh B.1.1.7 được xác định có khả năng lây lan nhanh.

Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 4 biến chủng gồm: D614G từ Châu Âu (dịch tại Đà Nẵng); B.1.1.7 từ Anh đang gây dịch tại Hải Dương; B.1.351 từ Nam Phi trên bệnh nhân người Nam Phi (BN1422), nhập cảnh sân bay Nội Bài từ Nam Phi ngày 19/12/2020 và biến chủng A.23.1 từ Rwanda, châu Phi tại Sân bay Tân Sơn Nhất, Hồ Chí Minh.

Theo số liệu của Cục Y tế dự phòng, chỉ tính riêng trong 7 ngày nghỉ Tết vừa qua (từ ngày 10/2/2021 đến ngày 16/2/2021) đã ghi nhận 204 trường hợp mắc trong nước tại 7 tỉnh, thành phố gồm: Hải Dương 174 ca, chiếm 87.9%; Hà Nội 8 ca, chiếm 4%; Hồ Chí Minh 8 ca, chiếm 4%;

Quảng Ninh 7 ca, chiếm 3.5%; Gia Lai 5 ca, chiếm 2.5%; Bắc Ninh và Bắc Giang chỉ ghi nhận 1 ca.

Ghi nhận ca bệnh đầu tiên ngày 25/1/2021 thì đến nay đã có 575 trường hợp mắc tại tất cả 12/12 huyện, thành phố. Mỗi ngày ghi nhận trung bình 24 ca bệnh. Ngày nhiều nhất ghi nhận 45 ca bệnh.

Có 5 ổ dịch lớn gồm thành phố Chí Linh, huyện Cẩm Giàng, thị xã Kinh Môn, huyện Nam Sách và thành phố Hải Dương. Hiện đã ghi nhận các ca bệnh ngoài tại cộng đồng.

Trong 3 ngày gần đây ghi nhận 74 trường hợp mắc, các ca bệnh chủ yếu được ghi nhận tại các khu vực cách ly.

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, một số đặc điểm của ổ dịch tại Hải Dương và Đà Nẵng, số ca mắc tại Hải Dương 575 trường hợp đã vượt xa so với tổng số ca mắc tại Đà Nẵng 389 trường hợp.

Số ca mắc trung bình trong 20 ngày đầu tiên của Hải Dương (20 ca/ngày) cao hơn so với Đà Nẵng (15 ca/ ngày).

Dịch bệnh tại Hải Dương xảy ra tại những cụm công nghiệp có số lượng công nhân rất lớn.

Trong 2 tuần đầu tiên, số ca mắc tại Đà Nẵng đã có xu hướng giảm trong khi Hải Dương vẫn chưa rõ xu hướng và đồng thời đã xuất hiện các ổ dịch trong cộng đồng. Số lượng còn lại phải cách ly tập trung rất lớn.

Biến chủng vi rút tại Hải Dương (Biến thể Anh B.1.1.7) có khả năng lây lan nhanh hơn vi rút gây dịch tại Đà Nẵng (biến thể châu Âu D614G).

Các ổ dịch lớn như: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Quảng Ninh cơ bản đã được kiểm soát. Các ổ dịch khác (Hải Phòng, Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang và Gia Lai) không ghi nhận ca mắc trong vòng từ 7-20 ngày qua.

Do đó, Cục Y tế dự phòng dự báo, tình hình dịch tại Hải Dương vẫn còn phức tạp, có khả năng vẫn tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc trong thời gian tới.

Thời gian sau kỳ nghỉ Tết người dân từ các địa phương quay trở lại làm việc, nguy cơ phát hiện các trường hợp bệnh mới trong cộng đồng vẫn luôn thường trực, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh. Hiện đã ghi nhận các trường hợp dương tính chưa rõ nguồn lây.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dien-bien-dich-benh-covid-19-o-hai-duong-van-con-rat-phuc-tap-post119650.html