Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 19/6

Dưới đây là những diễn biến chính đáng lưu ý trong tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 19/6/2024.

Nga cảnh báo Ukraine về các điều khoản đàm phán hòa bình cứng rắn hơn: Người đứng đầu Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR), Sergey Naryshkin, cho rằng việc Ukraine từ chối chấp nhận đề xuất mới nhất của Tổng thống Putin nhằm chấm dứt xung đột sẽ dẫn đến việc Moscow đặt ra các điều kiện cứng rắn hơn đối với bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng nào trong thời gian tới.

Tổng thống Putin ngày 14/6 nói rằng, Moscow có thể sẽ ra lệnh ngừng bắn và bắt đầu đàm phán ngay khi Kiev rút hoàn toàn quân khỏi 4 vùng đã sáp nhập vào Nga gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia. Nhà lãnh đạo Nga cũng nhấn mạnh, một nền hòa bình lâu dài có thể đạt được nếu Ukraine cam kết duy trì tình trạng trung lập và chấp nhận thực tế rằng 4 vùng nêu trên cùng với bán đảo Crimea đã lựa chọn sáp nhập vào Nga.

Quân đội Ukraine trên chiến trường. Ảnh: Foreign Policy

Quân đội Ukraine trên chiến trường. Ảnh: Foreign Policy

Quan chức Nga tố Ukraine tăng cường tấn công khu vực tranh chấp quân sự Kharkov: Hôm 17/6, một quan chức Nga cho biết giao tranh vẫn đang diễn ra ở khu vực Kharkov phía đông bắc Ukraine, đồng thời cáo buộc Kiev đang cố gắng đưa quân vào khu vực tranh chấp quân sự này.

Tổng thống Ukraine Voldodymyr Zelenskiy lên tiếng cáo buộc lực lượng Kiev đang dần đẩy quân Nga ra khỏi khu vực tranh chấp. Một chỉ huy cấp cao của quân đội Kiev dự đoán rằng Moscow sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ tấn công trong lúc chờ đợi vũ khí phương Tây được viện trđến Ukraine, bao gồm cả máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất.

Hải quân Nga tập trận ở Thái Bình Dương, biển Nhật Bản và biển Okhotsk: Hãng thông tấn nhà nước Nga - TASS đưa tin, Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Nga sẽ tổ chức các cuộc tập trận tại các vùng biển Thái Bình Dương, vùng biển Nhật Bản và biển Okhotsk trong thời gian 10 ngày, bắt đầu từ hôm nay (18/6).

Cuộc tập trận có sự tham gia của khoảng 40 tàu, thuyền và tàu hỗ trợ, khoảng 20 máy bay hải quân và trực thăng, bao gồm máy bay chống ngầm tầm xa Tu-142M3, Il-38 và Il-38N, cũng như trực thăng chống tàu ngầm và tìm kiếm cứu nạn.

Nga cáo buộc NATO tiếp tục "gây leo thang căng thẳng": Điện Kremlin hôm 17/6 đã lên tiếng cáo buộc NATO đang tiếp tục "gây leo thang căng thẳng", sau khi Tổng thư ký Jens Stoltenberg cho biết về khả năng triển khai các vũ khí hạt nhân trong tương lai.

Cáo buộc được Nga đưa ra sau khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu với tờ Telegraph của Anh rằng các thành viên NATO đang bàn bạc về việc triển khai thêm vũ khí hạt nhân, đưa chúng ra khỏi kho và đặt ở chế độ chờ trước mối đe dọa ngày càng tăng từ Moscow và Bắc Kinh.

Xu hướng ủng hộ Tổng thống Nga Putin ở phương Tây: Từ khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine, nước Nga đã vấp phải muôn vàn lệnh trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây. Tuy nhiên, trải qua hơn 3 năm chiến sự, Nga đang đứng trước nhiều thuận lợi, bao gồm xu hướng ủng hộ chính quyền của Tổng thống Putin ngay trong lòng phương Tây.

Cựu Tổng thống Mỹ Trump có thể không công khai nói rằng ông ủng hộ Tổng thống Nga Putin nhưng những động thái vừa qua của ông Trump đều rất có lợi cho Nga và Tổng thống Putin trong bối cảnh xung đột Ukraine.

Hiện nay, không chỉ phái hữu ở Đức có cảm tình với Nga, mà các chính đảng khác ở nhiều nước châu Âu (bao gồm Slovakia, Hungary, Romania, Bulgaria và Pháp) cũng bày tỏ thiện cảm với chính sách của Nga hiện nay. Tất cả những đảng này đều có kết quả tốt trong các cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu gần đây. Nhiều thủ lĩnh của các đảng đó, như ông Victor Orban của Hungary, công khai phản đối các lệnh trừng phạt áp lên nước Nga.

Diệp Thảo/VOV.VN Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/dien-bien-chinh-tinh-hinh-chien-su-nga-ukraine-ngay-196-post1102364.vov