Điểm tựa chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng biên

Xuyên suốt chiều dài hơn 71km đoạn biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia, khu vực biên giới tỉnh Đắk Lắk là nơi sinh sống của 24 dân tộc anh em. Đời sống của bà con nơi đây còn nhiều khó khăn, dân cư sinh sống thưa thớt, giao thông đi lại khó khăn, khiến cho việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân còn nhiều hạn chế. Trước thực tế đó, BĐBP Đắk Lắk đã triển khai xây dựng các trạm xá quân dân y kết hợp, trở thành địa chỉ tin cậy trong việc chăm sóc sức khỏe của nhân dân biên giới, tô thắm hình ảnh 'Bộ đội Cụ Hồ' trong lòng nhân dân.

Bà con thường xuyên đến khám chữa bệnh tại Trạm xá quân dân y kết hợp xã Ia Lốp, huyện Ea Súp. Ảnh: Ngọc Lân

Bà con thường xuyên đến khám chữa bệnh tại Trạm xá quân dân y kết hợp xã Ia Lốp, huyện Ea Súp. Ảnh: Ngọc Lân

Theo đó, BĐBP Đắk Lắk đã triển khai xây dựng 3 Trạm xá quân dân y kết hợp trên địa bàn 3 xã biên giới đặc biệt khó khăn, gồm xã Ia Rvê, Ia Lốp thuộc huyện Ea Súp và xã Krông Na thuộc huyện Buôn Đôn. Trong đó, Trạm xá quân dân y kết hợp xã Ia Lốp mới đây vừa được khánh thành và đi vào hoạt động, đáp ứng sự mong chờ của hơn 1.600 hộ dân trên địa bàn xã biên giới Ia Lốp.

Ở tuổi xế chiều, bà Nguyễn Thị Du, ở thôn Đừng, xã Ia Lốp thường bị bệnh đau nhức xương khớp hành hạ, đi lại rất khó khăn. Hằng ngày, bà được cán bộ quân y ở Trạm xá quân dân y kết hợp xã Ia Lốp thăm khám, chữa trị và chăm sóc sức khỏe. Bà Du kể, hồi trước, bà con thôn Đừng phải đi hơn 50km đường đất để ra huyện chữa bệnh nên rất vất vả. Từ khi có Trạm xá quân dân y kết hợp, người dân ai ốm đau đều tìm tới nhờ các thầy thuốc Biên phòng thăm khám và cho thuốc.

Đại tá Đỗ Quang Thấm, Phó Chính ủy BĐBP Đắk Lắk nhấn mạnh: “Chăm sóc sức khỏe cho nhân dân khu vực biên giới luôn là một trong những nhiệm vụ mà BĐBP Đắk Lắk đặt lên hàng đầu. Chúng tôi đã huy động nhiều nguồn lực, xây dựng mới các trạm xá quân dân y kết hợp tại các xã vùng biên. Đồng thời, lựa chọn kỹ lực lượng quân y được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt để tăng cường cho các trạm xá này”.

Đại úy Hoàng Đức Thọ, cán bộ phụ trách Trạm xá quân dân y kết hợp xã Ia Lốp cho biết: “Mới đây, từ nguồn vốn 600 triệu đồng do Quỹ xã hội từ thiện Tâm Nguyện Việt hỗ trợ, Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk đã xây dựng Trạm xá quân dân y kết hợp tại địa bàn xã Ia Lốp. Trạm tuy mới đi vào hoạt động, nhưng đã trở thành địa chỉ tin cậy của người dân vùng biên, đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số”.

Ông Phạm Khắc Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Ia Lốp cho biết: “Là xã đặc biệt khó khăn, Ia Lốp có hơn 1.600 hộ với trên 6.500 nhân khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 50%. Một số người dân trên địa bàn vẫn còn duy trì tập tục lạc hậu, đau ốm ít khi đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế mà chủ yếu ở nhà cúng bái để mong khỏi bệnh. Việc Trạm xá quân dân y kết hợp được xây dựng không những góp phần chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bà con, mà cán bộ quân y còn tích cực tuyên truyền để từng bước xóa bỏ những tập tục mê tín, dị đoan, cổ hủ cho người dân trên địa bàn xã Ia Lốp”.

Còn tại xã biên giới Ia Rvê, những người thầy thuốc quân hàm xanh cũng ngày đêm tích cực thực hiện công tác quân dân y kết hợp một cách hiệu quả. Hơn 20 năm gắn bó với biên giới, gắn bó với bà con nhân dân, Đại úy Hoàng Ngọc Linh, bác sĩ phụ trách Trạm xá quân dân y kết hợp xã Ia Rvê rất hiểu những khó khăn của người dân vùng biên, từ đó, anh luôn tận tâm, tận tụy đóng góp sức mình trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Đại úy Linh chia sẻ, trên địa bàn xã có rất nhiều trường hợp bị bệnh nan y, anh đã vận dụng biện pháp Đông Tây y kết hợp, áp dụng điểm mạnh của Tây y và điểm mạnh của Đông y để khám chữa bệnh hiệu quả cho nhân dân.

Như trường hợp bà Lương Thị Hom, ở thôn 5 và bà Nguyễn Thị Hằng, ở thôn 2, xã Ia Rvê, là 2 lao động chính của gia đình nhưng đều bị liệt tay chân. Đại úy Hoàng Ngọc Linh đã dành thời gian cả tháng trời, cần mẫn đến tận nhà chữa trị, châm cứu, chỉ sau 1 tháng, bà Hom và bà Hằng đã khỏi bệnh và đi lại, lao động bình thường. Từ sự tận tình cứu chữa cho bệnh nhân, “tiếng lành đồn xa”, nhiều người bệnh từ khắp nơi đã tìm đến Đại úy Linh, Trạm xá quân dân y kết hợp nơi anh công tác vì thế hiếm khi vắng bóng người. Dẫu là bệnh thường gặp hay bệnh phải điều trị lâu dài, cứ được Đại úy Linh thăm khám, điều trị là niềm tin trong mỗi người bệnh lại được thắp lên, dù khó khăn vô kể.

Đại úy Hoàng Ngọc Linh đến tận nhà khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn xã Ia Rvê, huyện Ea Súp. Ảnh: Ngọc Lân

Đại úy Hoàng Ngọc Linh đến tận nhà khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn xã Ia Rvê, huyện Ea Súp. Ảnh: Ngọc Lân

Đại úy Linh tâm sự: “Có những lúc nửa đêm, mình đang ngủ thì người dân đến gõ cửa. Họ bị thương trong lúc đi rẫy về, mình lại dậy để xử lý, khâu vá, kiểm tra vết thương cho người bệnh. Trên địa bàn có nhiều người già không đi lại được, mình cũng đến tận nhà chăm sóc cho bà con”.

Được cán bộ quân y thăm khám tận tình, bà Nông Thị Cần cảm động chia sẻ: “Cán bộ quân y BĐBP giúp bà con nhiều lắm, lúc người dân ốm đau luôn có các chú bộ đội cho thuốc, giúp đỡ tận tình, trách nhiệm. Biết được hoàn cảnh tôi bị bệnh hiểm nghèo, bác sĩ Linh thường xuyên đến thăm khám, chữa bệnh cho tôi, còn con trai tôi thì được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Rvê nhận làm con nuôi tại đơn vị. Gia đình tôi rất biết ơn các chú BĐBP”.

Bà Trần Lệ Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Ia Rvê cho biết: “Ia Rvê là xã biên giới đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo lên tới 67,4%, cơ sở vật chất y tế tuyến xã còn hạn chế. Một số thôn trong xã cách xa Trạm xá quân dân y kết hợp đến 50km, đường sá đi lại khó khăn, nhưng cán bộ, chiến sĩ quân y ở đây vẫn đến tận nơi để chăm sóc sức khỏe cho người dân. Với sự hỗ trợ của cán bộ, chiến sĩ quân y Đồn Biên phòng Ia Rvê, những năm qua, công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân ở địa phương đã được cải thiện đáng kể”.

Từ năm 2009 đến nay, 3 Trạm xá quân dân y kết hợp của BĐBP Đắk Lắk đã phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị tổ chức hàng trăm buổi khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho trên 3.000 lượt người dân. Từ đó, cơ bản kiểm soát được một số dịch bệnh như sốt xuất huyết, sốt rét..., góp phần nâng cao sức khỏe của nhân dân, củng cố vững chắc thế trận lòng dân trên tuyến biên giới.

Nguyễn Ngọc Lân

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/diem-tua-cham-soc-suc-khoe-cho-nhan-dan-vung-bien-post450842.html