Điểm sáng công nghiệp trong bức tranh tăng trưởng của tỉnh Quảng Ngãi

Năm 2024, tỉnh Quảng Ngãi đạt 25/25 chỉ tiêu kế hoạch năm. Điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế ở tỉnh Quảng Ngãi chính là lĩnh vực công nghiệp. Đây là năm thứ 4 liên tiếp, công nghiệp tỉnh này có mức tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước.

Những ngày cuối năm, hàng ngàn công nhân trong Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, Khu Kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi vẫn miệt mài làm việc, tăng ca. Tại Khu Kinh tế Dung Quất, các Nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất hoạt động xuyên đêm.

Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất

Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất

Công nhân Nguyễn Thành Xuân đã có 7 năm gắn bó với Hòa Phát Dung Quất, cuộc sống của gia đình anh ngày càng ổn định: “Tôi cảm thấy rất may mắn khi làm việc tại Hòa Phát. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, công việc tại đây vẫn luôn ổn định, thu nhập đều đặn giúp tôi luôn yên tâm gắn bó và lo cho gia đình. Qua nhiều năm làm việc tôi thấy công ty luôn chú trọng chế độ cho người lao động, chăm lo về đời sống tinh thần”.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò chủ lực và là điểm sáng trong phát triển công nghiệp của tỉnh Quảng Ngãi. Năm 2024, tổng thu ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi đạt gần 30 nghìn tỷ đồng, vượt 15,5% dự toán Trung ương giao và Hội đồng Nhân dân tỉnh giao. Trong đó, thu hoạt động xuất nhập khẩu cả năm ước đạt gần 11.800 tỷ đồng, bằng 151,5% dự toán giao, tăng hơn 22% so với năm 2023. Đáng chú ý, nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu chủ yếu từ Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất với số thu dự kiến gần 7.700 tỷ đồng. Hiện, Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất dự kiến đưa vào hoạt động dây chuyền 1 của dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 với công suất khoảng 2,3 triệu tấn thép HRC vào đầu năm sau. Theo đó, năm 2025 dự kiến sản lượng sắt thép đạt khoảng 7,1 triệu tấn, tăng gần 30% so với năm 2024. Từ đó sẽ góp phần đưa tỷ trọng công nghiệp - xây dựng của tỉnh Quảng Ngãi năm 2025 tăng hơn 15% so với hiện nay, đóng góp đáng kể cho mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi.

Ông Vũ Xuân Hà, Giám đốc đối ngoại, Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất cho biết: “Trên địa bàn Quảng Ngãi hiện nay Hòa Phát đang có 2 dự án lớn là dự án thép Hòa Phát Dung Quất 1 và dự án thép Hòa Phát Dung Quất 2. Hai dự án tạo ra lượng thép thô rất lớn. Trong thời gian sắp tới khi tỉnh có chủ trương mới trong thu hút đầu tư thì Hòa Phát có rất nhiều cơ hội để triển khai các dự án tương lai”.

Nhà máy lọc dầu Bình Sơn động lực tăng trưởng công nghiệp của Quảng Ngãi

Nhà máy lọc dầu Bình Sơn động lực tăng trưởng công nghiệp của Quảng Ngãi

Tỉnh Quảng Ngãi có vị trí chiến lược quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Kể từ ngày đi vào hoạt động, Nhà máy lọc dầu Bình Sơn đóng góp rất lớn trong tỷ trọng công nghiệp và mức độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi. Đầu năm nay, Nhà máy này tiến hành đợt bảo dưỡng tổng thể lần thứ 5 nên dự kiến sản lượng chỉ khoảng 5,7 triệu tấn sản phẩm, thấp hơn so với trung bình hàng năm. Tuy nhiên, đến 17 giờ ngày 18/11/2024, đồng hồ sản lượng xăng dầu các loại của nhà máy lọc dầu Dung Quất đã đạt mốc kế hoạch năm 2024 là 5,727 triệu tấn, về đích sớm 43 ngày.

Ông Bùi Ngọc Dương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn khẳng định, Công ty tiếp tục mở rộng nhà máy theo đề án Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia: “Hiện tại nhà máy đã sản xuất trên 104 triệu tấn dầu thô cung cấp cho thị trường trong nước và quốc tế 96,4 triệu tấn sản phẩm, tạo doanh thu và nộp ngân sách nhà nước rất lớn. Thời gian tới chúng tôi tiếp tục mở rộng nhà máy cũng như đầu tư giai đoạn 2 theo đề án của Bộ chính trị về xây dựng đề án trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia, hạt nhân là nhà máy lọc dầu Dung Quất”

Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Khai thác lợi thế hệ thống cảng biển nước sâu Dung Quất cũng như vị trí chiến lược quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vừa có đồng bằng, miền núi, vừa có biển, hải đảo, những năm qua, tỉnh Quảng Ngãi đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp, đưa ngành này trở thành ngành chủ lực, là “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế của tỉnh. Sự thành công trong việc xây dựng và phát triển Khu kinh tế Dung Quất và các Khu Công nghiệp như Quảng Phú, Tịnh Phong, VSIP Quảng Ngãi đã chứng minh chiến lược phát triển công nghiệp toàn diện của tỉnh này. Hiện, Quảng Ngãi đã quy hoạch 6 khu công nghiệp trong Khu kinh tế Dung Quất và 2 khu công nghiệp ngoài Khu kinh tế Dung Quất với tổng diện tích hơn 2.000 héc ta, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển lâu dài. Nhiều dự án lớn được triển khai vừa qua đã góp phần tạo động lực phát triển như: Khu công nghiệp Đô thị - Dịch vụ VSIP I, II Quảng Ngãi; Nhà máy lọc dầu Dung Quất; Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2; Nhà máy sản xuất thép dây cuộn chất lượng cao Hòa Phát Dung Quất…

Cảng biển nước sâu Dung Quất cũng là động lực cho phát triển công nghiệp Quảng Ngãi

Cảng biển nước sâu Dung Quất cũng là động lực cho phát triển công nghiệp Quảng Ngãi

Ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định: “Ngành công nghiệp thực sự giữ vai trò ngành kinh tế đầu tàu của tỉnh Quảng Ngãi. Đến năm 2024, công nghiệp xây dựng chiếm tỷ trọng 45%, trong đó công nghiệp chiếm 41%. Quảng Ngãi tiếp tục xác định công nghiệp là hướng phát triển chính và từng bước hình thành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung”.

Tỉnh Quảng Ngãi đặt mục tiêu đến năm 2045 trở thành tỉnh phát triển bền vững và đa dạng với các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao.

Thành Long/VOV- Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/diem-sang-cong-nghiep-trong-buc-tranh-tang-truong-cua-tinh-quang-ngai-post1143703.vov