Điểm mới về căn cước điện tử sắp áp dụng, hàng triệu người dân nên biết

Từ ngày 1/7/2024, Luật Căn cước 2023 có hiệu lực thi hành bổ sung quy định về căn cước điện tử. Vậy điểm mới căn cước điện tử là gì?

Mỗi công dân được cấp 1 căn cước điện tử từ ngày 1/7/2024

Ngày 27/11/2023, Quốc hội thông qua Luật Căn cước 2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Theo đó, Luật Căn cước 2023 đã bổ sung quy định về căn cước điện tử.

- Mỗi công dân Việt Nam được cấp 01 căn cước điện tử.

- Căn cước điện tử có danh tính điện tử và chứa đựng các thông tin sau:

+ Nơi sinh.

+ Nơi đăng ký khai sinh.

+ Quê quán.

+ Dân tộc.

+ Tôn giáo.

+ Quốc tịch.

+ Nhóm máu.

+ Số chứng minh nhân dân 09 số.

+ Ngày, tháng, năm cấp, nơi cấp, thời hạn sử dụng của thẻ căn cước, thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân 12 số đã được cấp.

+ Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân,số chứng minh nhân dân 09 số, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng, con, người đại diện hợp pháp, người được đại diện.

+ Nơi thường trú.

+ Nơi tạm trú.

+ Nơi ở hiện tại.

+ Số thuê bao di động, địa chỉ thư điện tử.

+ Thông tin nhân dạng.

+ Nghề nghiệp, trừ lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Cơ yếu.

+ Thông tin quy định tại Khoản 2 Điều 22 Luật Căn cước 2023 được tích hợp theo đề nghị của công dân và phải được xác thực thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

- Căn cước điện tử sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.

- Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an có thẩm quyền cấp căn cước điện tử.

- Chính phủ quy định trình tự, thủ tục cấp căn cước điện tử.

(Điều 31 Luật Căn cước 2023)

Từ ngày 1/7/2024, mỗi công dân được cấp 1 căn cước điện tử. Ảnh minh họa: TL

Từ ngày 1/7/2024, mỗi công dân được cấp 1 căn cước điện tử. Ảnh minh họa: TL

Căn cước điện tử là gì?

Theo Điều 31 Dự thảo 2 Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) có nội dung:

"Căn cước công dân điện tử là tài khoản định danh điện tử, chứa thông tin được in trên thẻ căn cước công dân, thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước công dân và thông tin khác của công dân trong hệ thống định danh và xác thực điện tử.

Tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập được sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử và các giao dịch, hoạt động khác theo nhu cầu của chủ thể danh tính điện tử.

Khi chủ thể danh tính điện tử sử dụng tài khoản định danh điện tử trong các hoạt động, giao dịch điện tử thì có giá trị tương đương với việc xuất trình giấy tờ, tài liệu để chứng minh thông tin đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử".

Như vậy, căn cước công dân điện tử là nội dung mới tại Dự thảo 2 Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và được xác định là tài khoản định danh điện tử.

Căn cước công dân điện tử chứa thông tin được in trên thẻ căn cước công dân, thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước công dân và thông tin khác của công dân trong hệ thống định danh và xác thực điện tử.

Căn cước điện tử là phiên bản điện tử của mẫu thẻ căn cước mới, được thể hiện thông qua tài khoản định danh điện tử (ứng dụng VneID). Mỗi công dân Việt Nam được cấp 1 căn cước điện tử để thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ hay giao dịch khác.

Căn cước điện tử có giá trị sử dụng như thế nào?

Theo quy định tại Điều 33, căn cước điện tử có giá trị sử dụng như sau:

Căn cước điện tử có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào căn cước điện tử của người được cấp căn cước điện tử để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.

Trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công, thực hiện các giao dịch và hoạt động khác, nếu phát hiện có sự khác nhau giữa thông tin in trên thẻ căn cước hoặc thông tin lưu trữ trong bộ phận lưu trữ được mã hóa của thẻ căn cước với thông tin trong căn cước điện tử thì cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin trong căn cước điện tử.

Các trường hợp khóa, mở khóa căn cước điện tử

Trường hợp khóa căn cước điện tử

Căn cước điện tử bị khóa trong các trường hợp sau đây:

Trường hợp (1): Khi người được cấp căn cước điện tử yêu cầu khóa;

Trường hợp (2): Khi người được cấp căn cước điện tử vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia;

Trường hợp (3): Khi người được cấp căn cước điện tử bị thu hồi, bị giữ thẻ căn cước; d) Khi người được cấp căn cước điện tử chết;

Trường hợp (4): Khi có yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan khác có thẩm quyền.

Khi khóa căn cước điện tử, cơ quan quản lý căn cước phải thông báo ngay cho người bị khóa căn cước điện tử.

Trường hợp mở khóa căn cước điện tử

Căn cước điện tử được mở khóa trong các trường hợp sau đây:

- Khi người được cấp căn cước điện tử tại trường hợp (1) yêu cầu mở khóa;

- Khi người được cấp căn cước điện tử tại trường hợp (2) đã khắc phục những vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia;

- Khi người được cấp căn cước điện tử tại trường hợp (3) được trả lại thẻ căn cước;

- Khi cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan khác có thẩm quyền tại trường hợp (4) yêu cầu mở khóa.

Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an có thẩm quyền khóa, mở khóa căn cước điện tử.

Chính phủ quy định trình tự, thủ tục khóa, mở khóa căn cước điện tử.

(Điều 34 Luật Căn cước 2023)

Để làm căn cước điện tử, người dân sẽ chỉ cần đến công an cấp xã, phường để đăng ký. Ảnh minh họa: TL

Để làm căn cước điện tử, người dân sẽ chỉ cần đến công an cấp xã, phường để đăng ký. Ảnh minh họa: TL

Đăng ký căn cước điện tử người dân cần làm gì?

Theo dự thảo Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử, người dân sẽ chỉ cần đến công an cấp xã, phường để đăng ký căn cước điện tử.

Đăng ký căn cước điện tử đối với công dân đã được cấp thẻ căn cước

- Công dân đến công an xã, phường, thị trấn hoặc nơi làm thủ tục cấp thẻ căn cước để làm thủ tục cấp căn cước điện tử. Công dân xuất trình thẻ căn cước, cung cấp thông tin về số thuê bao di động đã đăng ký thông tin thuê bao hoặc địa chỉ thư điện tử (nếu có) và đề nghị bổ sung thông tin được tích hợp vào căn cước điện tử;

- Cán bộ tiếp nhận nhập thông tin công dân cung cấp vào hệ thống định danh và xác thực điện tử; chụp ảnh khuôn mặt, thu nhận vân tay của công dân đến làm thủ tục (áp dụng đối với công dân từ đủ 6 tuổi trở lên) để xác thực với Cơ sở dữ liệu căn cước. Công dân ký, xác nhận việc đăng ký tạo lập căn cước điện tử;

- Cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử tiến hành kiểm tra, xác thực thông tin công dân đề nghị cấp căn cước điện tử và thông báo kết quả đăng ký cấp căn cước điện tử qua ứng dụng định danh quốc gia hoặc tin nhắn SMS hoặc địa chỉ thư điện tử;

- Người đại diện, người giám hộ đã có căn cước điện tử đưa công dân Việt Nam là người chưa đủ 14 tuổi, người được giám hộ, người được đại diện đến cơ quan Công an và sử dụng số điện thoại di động đã đăng ký thông tin thuê bao của mình để thực hiện đăng ký cấp căn cước điện tử cho công dân Việt Nam là người chưa đủ 14 tuổi, người được giám hộ, người được đại diện.

Đăng ký căn cước điện tử đối với công dân chưa được cấp thẻ căn cước

- Công dân đến cơ quan Công an nơi làm thủ tục cấp thẻ căn cước để làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại căn cước; cung cấp thông tin về số thuê bao di động đã đăng ký thông tin thuê bao, địa chỉ thư điện tử (nếu có) và đề nghị bổ sung thông tin được tích hợp vào căn cước điện tử;

- Cán bộ tiếp nhận nhập thông tin công dân cung cấp vào hệ thống định danh và xác thực điện tử. Công dân ký, xác nhận việc đăng ký tạo lập tài khoản định danh điện tử;

- Cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử tiến hành kiểm tra, xác thực thông tin công dân đề nghị cấp căn cước điện tử và thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua ứng dụng định danh quốc gia hoặc tin nhắn SMS hoặc địa chỉ thư điện tử;

- Người đại diện, người giám hộ đã có căn cước điện tử đưa công dân Việt Nam là người chưa đủ 14 tuổi, người được giám hộ, người được đại diện đến cơ quan Công an nơi làm thủ tục cấp thẻ căn cước và sử dụng số điện thoại di động đã đăng ký thông tin thuê bao của mình để thực hiện đăng ký cấp căn cước điện tử cho công dân Việt Nam là người chưa đủ 14 tuổi, người được giám hộ, người được đại diện.

Những hành vi nghiêm cấm khi sử dụng căn cước điện tử

Theo Điều 7 Luật Căn cước 2023, nghiêm cấm một số điều sau:

Nghiêm cấm hành vi làm giả, sửa chữa, cố ý làm sai lệch nội dung thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước;

Chiếm đoạt, sử dụng trái phép thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước của người khác;

Thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước; sử dụng thẻ căn cước giả, căn cước điện tử giả, giấy chứng nhận căn cước giả.

L.Vũ (th)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/tu-1-7-them-quy-dinh-moi-ve-can-cuoc-dien-tu-chinh-thuc-co-hieu-luc-172240614160342676.htm