Điểm mặt 4 đại án liên quan đến lĩnh vực y tế sẽ đưa ra xét xử trong năm 2022

Tại phiên họp lần thứ 21 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu tập trung đẩy nhanh tiến độ, xử lý các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, năm 2022 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đất nước ta tiếp tục đứng trước những thời cơ thuận lợi và khó khăn, thách thức mới đan xen. Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và có thể còn kéo dài, tình hình tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn nghiêm trọng, có mặt còn phức tạp, tinh vi hơn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp 21.

Do đó, đòi hỏi chúng ta không được chủ quan, thỏa mãn, bằng lòng với những kết quả đã đạt được, mà phải tiếp tục kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trọng tâm là chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống liên quan đến tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực, suy thoái.

Trong năm 2022, Ban chỉ đạo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ tạp trung chỉ đạo kết thúc điều tra 16 vụ án, kết thúc xác minh , xử lý 40 vụ việc; truy tố 20 vụ án; xét xử sơ thẩm 22 vụ án; xét xử phúc thẩm 1 vụ án theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Đáng chú ý, trong số các vụ án nói trên thì có 4 vụ án phức tạp liên quan đến lĩnh vực y tế, nhất là vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á.

Cụ thể, vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á và một số cơ quan, địa phương. Tháng 12/2021, Bộ Công an cùng công an các địa phương đã phá chuyên án liên quan vụ án xảy ra tại công ty Việt Á do Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á) cầm đầu. Đến nay đã khởi tố 19 đối tượng ở Công ty Việt Á, Hải Dương, Bình Dương, Bộ Y tế, Bộ Khoa học – công nghệ, với các tội danh đưa và nhận hối lộ, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á) và các đối tượng trong vụ án đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố.

Trong vụ án này, theo lời khai của Phan Quốc Việt thì đối tượng này đã bắt tay với các đối tác nâng khống giá kít xét nghiệm Covid-19 lên khoảng 45%, số tiền mà Công ty Việt Á thu về từ vụ này là trên 500 tỷ đồng, số tiền “hoa hồng” mà Việt Á chi cho các đối tác là gần 800 tỷ đồng. Hiện vụ án đang được mở rộng điều tra.

Vụ án xảy ra tại Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế và các cơ quan, đơn vị có liên quan. Ngày 8/1, Viện KSND tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và 13 bị can trong vụ án trên. Trong đó, ông Cường và 2 bị can Nguyễn Việt Hùng (nguyên phó cục trưởng Cục Quản lý dược), Lê Đình Thanh (nguyên công chức Cục Hải quan TP.HCM) bị truy tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Nguyễn Minh Hùng (TGĐ Công ty VN Pharma), Võ Mạnh Cường (nguyên giám đốc TNHH thương mại Hàng hải quốc tế H&C) cùng nhiều người khác bị truy tố về tội “buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”.

Vụ án xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai và một số cơ quan. Theo cáo trạng, trong quá trình triển khai thực hiện đề án, ký hợp đồng liên doanh, liên kết tại Bệnh viện Bạch Mai, bị cáo Nguyễn Quốc Anh (nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) cùng các bị cáo khác đã lợi dụng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện không đúng các quy định của pháp luật.

Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Quốc Anh giữ vai trò chính, là người quyết định để Bệnh viện Bạch Mai và Công ty BMS ký hợp đồng liên doanh, liên kết. Bị cáo Phạm Đức Tuấn giữ vai trò giúp sức tích cực, tạo điều kiện để cho Bệnh viện Bạch Mai được ký hợp đồng. Các bị cáo còn lại giữ vai trò đồng phạm.

Theo kết luận giám định, tiền phẫu thuật bằng Robot Rosa là hơn 6,6 triệu đồng một ca, nhưng Bệnh viện Bạch Mai và Công ty BMS thu hơn 23 triệu đồng một ca, qua đó hưởng chênh lệch hơn 16,5 triệu đồng một ca, gây thiệt hại cho người bệnh hơn 10 tỷ đồng.

Vụ án xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội và các đơn vị có liên quan. Trước đó, ngày10/12/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an ra lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Quang Tuấn (nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội) về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Trước đó, nhiều thuộc cấp của ông Tuấn đã bị bắt tạm giam trước đó, gồm bà Hoàng Thị Ngọc Hưởng, nguyên phó giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội; Nguyễn Thị Dung Hạnh, nguyên kế toán trưởng; Đoàn Trọng Bình và Nghiêm Tuấn Linh, cùng là nguyên phó trưởng phòng phụ trách phòng vật tư thiết bị y tế.

Thành Nhân

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/diem-mat-4-dai-an-lien-quan-den-linh-vuc-y-te-se-dua-ra-xet-xu-trong-nam-2022-post180836.html