Điểm báo 5/10: Luật hóa việc bảo vệ dữ liệu cá nhân

Luật hóa việc bảo vệ dữ liệu cá nhân; Cân nhắc đầu tư thêm cầu vượt cho người đi bộ; Có nên quy định 'cứng' các kỳ nghỉ lễ, tết?; Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá... là những nội dung có trong điểm báo ngày 5/10.

LUẬT HÓA VIỆC BẢO VỆ DỮ LIỆU CÁ NHÂN

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam chỉ có 1 văn bản là Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân đưa ra định nghĩa về dữ liệu cá nhân và bảo vệ dữ liệu cá nhân, chưa có văn bản luật nào quy định về vấn đề này. Hiện có nhiều tổ chức, doanh nghiệp thu thập thừa dữ liệu cá nhân so với ngành nghề, sản phẩm, dịch vụ kinh doanh, thiếu cơ sở pháp lý khi thu thập dữ liệu cá nhân theo quy định của pháp luật, không xác định được các luồng xử lý dữ liệu. Nhiều hoạt động chưa lấy sự đồng ý của chủ thể dữ liệu, không thể lấy ý kiến về sự đồng ý đối với những dữ liệu cá nhân đã thu thập, thậm chí khi liên hệ lại chủ thể dữ liệu để lấy sự đồng ý thì chủ thể dữ liệu từ chối vì không biết tại sao các công ty này lại có dữ liệu của mình. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng trên là pháp luật chưa ghi nhận các quyền của công dân đối với dữ liệu cá nhân, nhận thức của chủ thể dữ liệu còn hạn chế, cơ chế thực thi bảo vệ các quyền công dân chưa được hoàn thiện.

CÂN NHẮC ĐẦU TƯ THÊM CẦU VƯỢT CHO NGƯỜI ĐI BỘ

Trong khi nhiều cây cầu vượt dành cho người đi bộ ở Hà Nội hiện “ế khách”, chưa phát huy hiệu quả, mới đây Ban duy tu các công trình hạ tầng giao thông lại tiếp tục đề xuất chi 300 tỷ đồng đầu tư thêm 29 cây cầu mới. Theo các chuyên gia, việc này cần cân nhắc và tính toán kỹ để tránh lãng phí. Nguyên nhân chủ yếu khiến một số cầu đi bộ chưa thu hút được người dân là do ý thức tham gia giao thông của nhiều người còn chưa cao, thói quen tiện đâu đi đấy còn phổ biến, mức xử phạt cao nhất cho hành vi này mới chỉ là 100.000 đồng chưa đủ tính răn đe. Trên thực tế, lực lượng chức năng thường chỉ nhắc nhở chứ chưa xử phạt và cơ quan chức năng cũng không đủ lực lượng để thực hiện giám sát 24/24h để xử phạt. Trước kiến nghị đề xuất Hà Nội chi 300 tỷ đồng đầu tư thêm 29 cây cầu mới, theo các chuyên gia, chi phí xây dựng mỗi cầu từ 3 - 5 tỷ đồng, có cầu kinh phí xây dựng thậm chí còn cao hơn. Vì vậy, các công trình cầu dành cho người đi bộ cần được rà soát, đánh giá tổng thể trước khi đầu tư để tăng tính hiệu quả.

CÓ NÊN QUY ĐỊNH “CỨNG” CÁC KỲ NGHỈ LỄ, TẾT?

Phương án nghỉ Tết Ất Tỵ 2025 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề xuất đã nhận được sự đồng tình của các bộ, ngành. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nên quy định “cứng” các kỳ nghỉ lễ, Tết để các doanh nghiệp, người lao động có phương án chủ động hơn. Theo bài viết, các ngày nghỉ Tết âm lịch, Quốc khánh 2/9, và các dịp 30/4, 1/5 đều được quy định rõ trong Bộ luật Lao động 2019. Tuy nhiên, lịch nghỉ Tết Âm lịch cụ thể hàng năm cần được sắp xếp một cách linh hoạt để đảm bảo tính thuận tiện cho người lao động và phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của từng năm. Thực tế, quy định ngày nghỉ Tết đối với công chức, viên chức là tương đối cố định. Còn đối với doanh nghiệp, tùy theo yêu cầu của dây chuyền sản xuất, có trường hợp cần đi làm vào ngày lễ, Tết, thì người lao động cần được hưởng các chính sách về tiền lương cao hơn và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật, sau đó có thể bố trí nghỉ bù. Tuy nhiên, Bộ LĐTBXH khuyến khích các doanh nghiệp cho người lao động nghỉ Tết theo quy định của Chính phủ.

ĐỀ XUẤT TĂNG THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT VỚI THUỐC LÁ

Việt Nam hiện đang đứng trong danh sách những quốc gia có tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá cao nhất thế giới, đứng thứ ba trong khu vực ASEAN. Theo thống kê, mặc dù tỷ lệ hút thuốc có giảm, nhưng số người sử dụng thuốc lá vẫn gia tăng. Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng hút thuốc lá gia tăng là do thuế và giá thuốc lá ở Việt Nam hiện nay vẫn còn thấp. Giá thuốc lá ở Việt Nam được đánh giá rất thấp so với các nước trong khu vực, với thứ hạng 157/161 quốc gia. Nhiều nhãn hàng thuốc lá sản xuất trong nước vẫn có giá dưới 10.000 đồng. Từ năm 2008 - 2019, Việt Nam đã 3 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, nhưng mức tăng mỗi lần vẫn chưa đủ lớn. Việc này dẫn đến khoảng cách dài giữa các lần tăng thuế, không tạo ra tác động mạnh mẽ đến hành vi tiêu dùng thuốc lá. Bên cạnh việc tăng thuế, Bộ Y tế cũng kiến nghị bổ sung thuế tuyệt đối kết hợp với thuế theo tỷ lệ để chuyển sang phương pháp tính thuế hỗn hợp. Tổng mức thuế cần đủ lớn để tạo ra ảnh hưởng đến mức tiêu dùng, và lộ trình tăng thuế cần đồng đều.

Ngô Trang

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/diem-bao-5-10-luat-hoa-viec-bao-ve-du-lieu-ca-nhan-238468.htm