Dịch giả Nguyễn Quốc Vương: Khuyến đọc là con đường gian nan vạn dặm

Dịch giả Nguyễn Quốc Vương.

Ngoài 100 đầu sách đã xuất bản trong 2 vai trò dịch giả và tác giả, Nguyễn Quốc Vương còn được biết đến trong vai trò là diễn giả với các hoạt động khuyến đọc tại nhiều địa phương trên cả nước.

Theo dịch giả Nguyễn Quốc Vương, đọc sách và khuyến đọc là con đường rất gian nan. Muốn có những công dân có thói quen đọc sách cần rất nhiều yếu tố, cần bắt đầu từ gia đình rồi tới việc cải cách giáo dục để nâng cao năng lực đọc của người Việt.

Người Việt đang rất… ngại đọc sách

Anh thường chia sẻ sách là cứu cánh cuộc đời, điều này cụ thể như thế nào đối với bản thân anh và những người đọc sách?

- Đối với tôi sách là tất cả: sở thích, thói quen, công việc, nghề nghiệp, lý tưởng. Sách gắn bó với tôi từ nhỏ cho tới hiện tại. Trong nhà tôi, tài sản đáng giá nhất là sách. Tôi cũng kiếm sống bằng sách (dịch, viết, diễn thuyết).

Lúc nào nhàn rỗi, buồn chán, tôi cũng tìm đến sách vì tôi là người không biết nhậu, không uống rượu bia, không hút thuốc, không có nhiều bạn bè để tụ tập. Tôi nghĩ những người yêu sách khác cũng vậy, sách chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc sống hàng ngày và cuộc đời của họ.

Anh tự nhận mình là người bán sách rong, phải chăng tự thân nó đã nói lên một sự lựa chọn gian nan. Anh có thể chia sẻ thêm về điều này?

- Tôi đang sống bằng nghề viết và bán các cuốn sách của mình. Tôi gọi là bán sách rong là đúng bản chất của nó vì tôi bán cho ai muốn mua khi họ gặp tôi trên xe buýt, ngoài đường, ngoài phố hoặc trên mạng. Tôi cũng mang cả sách về chợ quê bán và đây là một điều vô cùng lạ lẫm với tất cả mọi người.

Nguyễn Quốc Vương dịch và sách viết về nhiều lĩnh vực như lịch sử, văn hóa đọc, giáo dục trường học... Anh tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Hà Nội, chuyên ngành Lịch sử, từng có 8 năm du học và làm nghiên cứu sinh tại Nhật Bản. Tự nhận mình là “Người bán sách rong”, Nguyễn Quốc Vương rong ruổi khắp đất nước với vai trò là diễn giả sôi nổi ở lĩnh vực khuyến đọc trong nhiều năm qua.

Tôi đã trải lòng khi đặt tên cho một cuốn sách là Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm. Nội dung cuốn sách đã thể hiện rõ những khó khăn, gian khổ của người làm khuyến đọc, của người sống chuyên nghiệp bằng chữ nghĩa. Sự gian nan đó nằm ở việc họ có lan truyền được tình yêu, lý tưởng của họ tới người khác không, có giúp được nhiều người đến với sách không.

Và tôi cho rằng ở Việt Nam, khuyến đọc là một con đường gian nan vạn dặm. Không chỉ người ít học sợ sách, ngại đọc sách, mà nhiều người có học cũng không đọc sách. Đấy là một thực tế gian nan.

Như anh nói, nhiều người Việt rất lười đọc sách. Vậy những yếu tố nào ảnh hưởng đến sự lười đọc ấy?

- Có rất nhiều yếu tố. Ví dụ bối cảnh lịch sử, xã hội: Việt Nam có quá nhiều cuộc chiến tranh kéo dài, khốc liệt. Khi chiến tranh kéo dài thì người ta ưu tiên cho sự sinh tồn và sách vở chỉ là thứ yếu. Nghèo đói triền miên làm cho người ta coi trọng việc sinh tồn hơn bao giờ hết. Tư duy ngắn hạn “làm cái gì cũng phải ra tiền” đã ngăn cản người ta nhìn nhận vai trò của văn hóa đọc trong cuộc thường ngày. Giáo dục lại tập trung chủ yếu vào thi cử làm cho học sinh không có thói quen đọc sách ngay từ khi cắp sách tới trường. Sự thiếu vắng sách trong gia đình và thói quen sinh hoạt từ nhỏ cũng góp phần tạo nên tình trạng không đọc sách…

Nói tóm lại, ta có thể dễ dàng kể ra hàng trăm lý do nhưng cái đáng kể nhất là chúng liên kết, tương tác với nhau tạo ra một môi trường không thân thiện với văn hóa đọc, khiến cho nhiều người Việt đâm quen, coi việc không đọc sách là bình thường.

Giáo dục nên hướng tới nâng cao năng lực đọc sách

Để thu hút độc giả, nhất là những người trẻ, nắm vận mệnh tương lai của dân tộc thì sách cần có sự hấp dẫn; không chỉ vậy, việc khuếch trương văn hóa đọc cũng phải được quan tâm trong xã hội. Quan điểm của anh về vấn đề này như thế nào?

- Việt Nam đang nhập siêu văn hóa. Các sách được ưa chuộng đa số là sách của nước ngoài. Tính tổng thể có lẽ 70-75% sách được xuất bản là sách dịch. Muốn thu hút được đông đảo người Việt đọc sách thì phải có tác giả Việt, viết về các vấn đề mà độc giả Việt Nam quan tâm. Đó là điều tất yếu. Tất nhiên, việc dịch các sách hay cũng quan trọng và cần tiếp tục duy trì.

Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa rằng người Việt, nhất là giới trẻ lười đọc là do thiếu sách hay. Ở Việt Nam mỗi năm xuất bản hơn 3 vạn tựa sách cho nên nói thiếu sách hay không có gì để đọc thì không đúng lắm. Chỉ là người ta cảm thấy “vô duyên” với sách do thiếu trải nghiệm và suy ngẫm sâu sắc mà thôi. Vì vậy, những người làm khuyến đọc và các cơ quan giáo dục, truyền thông, văn hóa phải làm cho họ suy ngẫm về điều đó.

“Trong thời đại tri thức toàn cầu, trước những vấn đề nóng bỏng của nhân loại, Việt Nam sẽ sử dụng nền tảng văn hóa nào để vượt qua các khúc cua, nếu chúng ta vẫn không chịu đọc sách?” - Sự đau đáu này không phải chỉ của riêng anh mà là của nhiều người. Ở cấp độ vĩ mô, chúng ta phải làm gì để cải thiện vấn đề này, thưa anh?

Dịch giả Nguyễn Quốc Vương ký tặng sách cho độc giả. Ảnh: NVCC

- Theo tôi, thứ nhất là cần có luật khuyến đọc.

Thứ hai, cần hệ thống thư viện công và thư viện trường học, thư viện trẻ em hiện đại, đẹp, phục vụ tốt.

Thứ ba, cần khuyến khích, nâng đỡ các tổ chức xã hội, công ty tư nhân, người dân tham gia vào khuyến đọc như: tạo điều kiện cho người dân lập thư viện tư nhân, các giải thưởng khuyến đọc, các đoàn thể khuyến đọc.

Cuối cùng, cần cải cách giáo dục thật sự để đọc trở thành năng lực bắt buộc và quan trọng số một trong “chuẩn đầu ra” của học sinh. Giáo viên phải trở thành một người đọc sách chuyên nghiệp để đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục.

Có thâm niên làm việc ở Nhật Bản, qua trải nghiệm của bản thân, anh có so sánh ra sao về văn hóa đọc của người Nhật và những gì Việt Nam có thể học tập?

- Ở vĩ mô, chúng ta cần phải học Nhật Bản. So với Việt Nam, Nhật Bản có nền tảng văn hóa đọc tốt hơn nhiều cả về xuất phát điểm, bề dày truyền thống, hệ thống chính sách - pháp luật, cơ sở vật chất lẫn thành tựu.

Việt Nam có thể học tập Nhật Bản ở cả phương diện vi mô. Từng gia đình, từng người dân cần ý thức sâu sắc về văn hóa đọc để có tủ sách gia đình và giúp cho con mình đọc sách. Bản thân người lớn cũng phải là người đọc sách thường xuyên mọi lúc mọi nơi có thể.

Có thể học theo Nhật Bản khi thực hiện việc tặng một cuốn sách đầu đời cho mọi trẻ em khi ra đời trên lãnh thổ Việt Nam. Ở Nhật, người ta gọi là chương trình Book Start. Khi con tôi sinh ra ở Nhật cũng được nhận quà tặng này từ thành phố nơi tôi sống.

Không chỉ bán sách, anh cũng là dịch giả và tác giả của hàng chục cuốn sách. Mảng chủ đề chính mà anh theo đuổi là gì?

- Tính đến nay, tôi dịch và viết khoảng 100 cuốn sách. Những chủ đề tôi theo đuổi là văn hóa đọc, lịch sử, giáo dục lịch sử và văn chương. Tôi viết cả hư cấu và phi hư cấu (văn, thơ). Trải nghiệm tuổi thơ của tôi ở làng quê Bắc Giang và trải nghiệm của tôi ở Nhật là những điều tôi thường đưa vào các tác phẩm của mình.

Xin cảm ơn anh!

Vương Thế (thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202404/dich-gia-nguyen-quoc-vuong-khuyen-doc-la-con-duong-gian-nan-van-dam-5a96052/