'Địa chỉ đỏ' tưởng nhớ, lưu giữ những kỷ vật của 64 chiến sĩ Gạc Ma

Cận kề ngày kỷ niệm 36 năm sự kiện Gạc Ma (14/3), Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (tỉnh Khánh Hòa) đón nhiều đoàn khách từ khắp nơi về dâng hương, hoa.

Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma nằm ở phía Đông Đại lộ Nguyễn Tất Thành, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, được xây dựng trên khu đất rộng hơn 25.000m2 từ tháng 3/2015 và hoàn thành vào 7/2017.

Công trình tưởng nhớ 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam đã anh dũng hy sinh vào ngày 14/3/1988 bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, được đoàn viên công đoàn và người lao động trong cả nước đóng góp xây dựng, với số tiền hơn 130 tỷ đồng.

Khu tưởng niệm gồm 5 khu vực: Quảng trường lối vào; Tượng đài chiến sĩ Gạc ma; Khu trung bày ngầm; Mộ gió và Quảng trường Hòa bình; Con đường hoài niệm.

Kỷ niệm 36 năm sự kiện Gạc Ma, nhiều đoàn khách từ trong cả nước đến Khu tưởng niệm để dâng hương tưởng niệm các chiến sĩ đã ngã xuống bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Từ khi hoàn thành năm 2017 cho đến nay, Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma đã trở thành một địa chỉ đỏ, một biểu tượng thiêng liêng của lòng yêu nước, yêu biển đảo quê hương.

Tượng đài Chiến sĩ Gạc Ma chủ đề “Những người nằm lại phía chân trời”, cao 15,15m được lấy cảm hứng từ hình ảnh 64 chiến sĩ nắm tay nhau quyết tâm bảo vệ lá cờ Tổ quốc khẳng định chủ quyền Việt Nam tại đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988.

Hồ nước "Vòng tròn bất tử" với 64 bông hoa muống biển bao quanh lá cờ Tổ quốc, tượng trưng cho 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vào ngày 14/3/1988

Mộ gió, là khu vực tâm linh của khu tưởng niệm, trước mộ đặt Bia ghi danh sách 64 liệt sĩ Gạc Ma với đầy đủ họ, tên, địa chỉ.

Nằm ở vị trí trung tâm, khu trưng bày ngầm dưới mặt đất gồm ba phần: Quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, biển đảo Việt Nam; Chiến sĩ Gạc Ma và sự kiện ngày 14/3/1988; Công đoàn Việt Nam với biển, đảo của Tổ quốc. Đây cũng là nơi bảo quản, lưu giữ những hiện vật liên quan đến cuộc đời và gia đình các liệt sĩ Gạc Ma.

Theo Ban Quản lý Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma, năm 2023 có hơn 440 đoàn với hơn 45.200 lượt khách đến thăm khu tưởng niệm, thắp hương, tưởng nhớ 64 chiến sĩ hải quân anh dũng.

Lá cờ Tổ quốc mà Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Phương và đồng đội đã anh dũng bảo vệ trong sự kiện ngày 14/3/1988.

Vật dụng của các chiến sĩ Gạc Ma tại khu trưng bày ngầm.

Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma được thiết kế thành một cụm công trình văn hóa đậm chất biển đảo, ghi nhớ công ơn những thế hệ người Việt đã anh dũng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Hiện địa phương đang tiếp tục xây dựng Bảo tàng Trường Sa (giai đoạn 2) - khớp nối toàn bộ Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma (giai đoạn 1), hướng đến lưu giữ, giới thiệu, tuyên truyền về chủ quyền, lịch sử văn hóa biển đảo.

Đức Thảo

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dia-chi-do-tuong-nho-luu-giu-nhung-ky-vat-cua-64-chien-si-gac-ma-307988.html