Đi Giữa Trời Rực Rỡ: Làn gió mới thú vị nhưng ngập tranh cãi
Bên cạnh những đánh giá tích cực về bối cảnh, diễn xuất của dàn cast, Đi Giữa Trời Rực Rỡ cũng gây không ít tranh cãi kể từ khi lên sóng.
Đi Giữa Trời Rực Rỡ đang là phim truyền hình Việt được quan tâm, bàn luận nhiều nhất hiện nay. Phim đạt rating cao, hơn 4.0, nhỉnh hơn các tựa phim giờ vàng lên sóng cùng thời điểm.
Từ những tập đầu lên sóng, đứa con tinh thần của đạo diễn Đỗ Thanh Sơn được khen hết lời. Nội dung phim mới lạ, dàn cast trẻ tiềm năng, phim được ví như làn gió mới thổi vào màn ảnh nhỏ.
Tuy nhiên, càng về sau, Đi Giữa Trời Rực Rỡ càng nảy sinh nhiều vấn đề, nhận phản ứng nhiều chiều của khán giả xem đài.
Ồn ào trang phục dân tộc
Đi Giữa Trời Rực Rỡ lấy bối cảnh ở vùng núi Cao Bằng, những tập đầu xoay quanh cuộc sống của người dân tộc Dao đỏ. Phim ghi điểm bởi cảnh quay đẹp, thể hiện sự hùng vĩ của núi rừng, phản ánh nét đẹp văn hóa của người Việt.
Sau khi lên sóng, trang phục dân tộc của các nhân vật, đặc biệt là nữ chính gây tranh cãi. Hình ảnh cô mặc lễ phục người Dao đỏ đi chăn trâu được đánh giá là không phù hợp, khiến cộng đồng người dân tộc phải bức xúc lên tiếng.
Khán giả cho rằng, người Dao đỏ chỉ mặc lễ phục đính chùm lông đỏ trước ngực vào những dịp đặc biệt như lễ, Tết, cưới hỏi. Thậm chí, có người còn bức xúc tố ê-kíp không tôn trọng văn hóa người Dao đỏ.
Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng chia sẻ với báo Dân Trí, rằng anh nhận thấy Đi Giữa Trời Rực Rỡ có nhiều sạn, chưa phản ánh đúng lối sống, sinh hoạt của người Dao đỏ. Theo ông, người Dao đỏ cũng không xưng hô mày - tao như trên phim, mà chỉ gọi nhau bình thường như người Kinh. Ngoài ra, chi tiết Chải mang yếm của phụ nữ là không phù hợp.
Trao đổi với báo Giao Thông, tiến sĩ Bàn Tuấn Năng cũng cho biết, đạo diễn đã nhận sai. Tuy nhiên, ông nhận thấy ê-kíp chưa đủ khả năng nhập tâm vào đời sống văn hóa người Dao. Có thể nói, Đi Giữa Trời Rực Rỡ mở ra nhiều bài học trong việc làm phim về đề tài dân tộc. Điều này đòi hỏi ê-kíp cần nghiên cứu kỹ càng văn hóa, lối sống, trang phục... để tránh bị phản ứng khi đưa lên màn ảnh.
Tranh cãi về nội dung
Nội dung phim theo chân Pu (Thu Hà Ceri) - cô gái 18 tuổi có ước mơ đi tìm con chữ. Pu trở thành niềm tự hào của cả bản khi trúng tuyển đại học danh tiếng ở Hà Nội. Chải (Long Vũ) - thiếu gia giàu nhất bản, đem lòng yêu Pu tha thiết, sẵn sàng làm mọi thứ vì người mình yêu.
Những tập đầu, khán giả phát cuồng vì độ dễ thương của cặp "gà bông" Pu - Chải. Thậm chí, sự ga - lăng của Chải còn khiến nhiều người giục Pu nhanh chóng lấy anh làm chồng. “Nếu tôi là Pu, phim sẽ hết sau mấy tập đầu tiên, vì tôi đồng ý gả cho Chải”, nhiều khán giả cho hay.
Tuy nhiên, đến tập 14, nhân vật Pu bị người xem “ném đá” vì vô ơn, lợi dụng tình yêu của Chải. Sau thời gian Chải ở rể, Pu đồng ý cưới Chải để đuổi anh về nhà. Sau đó Pu hoãn cưới, bày tỏ với Chải về ước mơ được xuống thành phố học. Chải cũng thấu hiểu cho Pu, đồng ý cho cô đi học với điều kiện mình phải được đi theo.
Ông Chiểu (bố Chải) tức điên khi nghe ý định của con trai, nhốt anh lại. Chải không thể tiễn người yêu đi học nên rất đau khổ. Khi Pu ngồi trên xe khách lên Hà Nội, Chải gọi nhưng Pu từ chối trả lời. Điều này khiến Chải khóc vì bất lực.
Đỉnh điểm, Chải đến Hà Nội tìm mọi cách để gặp Pu. Mỗi lần Chải gọi, Pu đều trả lời với thái độ khó chịu, rồi cúp máy. Trên các diễn đàn, khán giả thương cho nhân vật Chải, khi sự chân thành của anh không được đáp lại xứng đáng.
Ngoài ra, một số người nhận thấy, phim đang dần kém nhiệt, kịch bản trở nên dông dài dù chỉ mới lên sóng 16 tập. Theo tiết lộ của ê-kíp, phim dài khoảng 110 tập, khán giả lo ngại, phim sẽ đi vào lối mòn “đầu voi đuôi chuột” - lỗi thường gặp ở các dự án truyền hình Việt những năm gần đây.
Tính cách nhân vật độc hại, thiếu thực tế?
Bên cạnh kịch bản ngày một hụt hơi, cách xây dựng hình tượng nhân vật cũng nhận nhiều “gạch đá”. Nhiều khán giả cho rằng, Pu đại diện cho cô gái dân tộc có học thức, nhưng nét tính cách lại khôn lỏi, khó để người xem đồng cảm. Pu nhiều lần lớn tiếng với người lớn, kể cả bố mẹ ruột và ông Chiểu mỗi khi gặp chuyện không vừa ý.
Pu khước từ tình cảm của Chải, nhưng lại vô tư dẫn anh đi chợ mua đồ cho mình. Cô cũng nhận vòng bạc giá trị từ Chải. Khi được Chải cứu khỏi tay kẻ xấu, Pu cũng không thể hiện sự biết ơn với anh. Khi Mẩy rơi vào tình huống “thập tử nhất sinh”, Pu la hét bảo Chải đưa tiền cho mình. Dù trước đó, Chải đã giải thích đó là số tiền mà bố đưa cho anh.
Việc Pu phũ phàng, không nghe điện thoại của Chải nhiều lần sau đó cũng bị tố vô ơn. Từ những chi tiết trên, khán giả cho rằng Pu không xứng đáng với tình yêu của Chải.
Mặt khác, vẫn có nhiều ý kiến thông cảm cho Pu. Số khác khán giả nghĩ, Pu còn quá trẻ nên có những hành động, cách ứng xử chưa phù hợp. Pu cần phải va vấp nhiều hơn để tích lũy kinh nghiệm sống, từ đó trưởng thành lên mỗi ngày.
Về phía Chải, anh chàng còn thiếu nhiều yếu tố để trở thành một hình mẫu bạn trai hoàn hảo, lý tưởng để chị em gửi gắm. Chải có nhiều tiền, giàu tình cảm, sống chết vì người yêu. Anh sẵn sàng lén bố đốt giấy nợ của gia đình Pu, xem nó là tín vật định tình của cả hai.
Tuy nhiên, anh chàng lại không nghề ngỗng, không ham học, tiền của mà anh tiêu xài đều là của bố đưa cho. Anh chàng lại có tính chiếm hữu cao, thời gian đầu không cho Pu đi học mà làm mọi cách để ép cưới cô. Đến lúc Pu được đi học, anh lại đòi theo cùng.
Nhìn chung, Chải tốt tính, có điều kiện, nhưng ước mơ lại không rõ ràng. Ở tập 17, gia đình Chải xảy ra chuyện không hay, khán giả kỳ vọng, đây là chìa khóa giúp anh suy nghĩ thông suốt, trưởng thành hơn.
Dựa trên thời lượng dự kiến, Đi Giữa Trời Rực Rỡ vẫn còn một chặng đường dài lên sóng. Hiện, còn quá sớm để suy đoán về kết cục câu chuyện, cũng như dụng ý mà ê-kíp muốn truyền tải. Cốt truyện, tính cách nhân vật được kỳ vọng sẽ thay đổi theo hướng tích cực, hợp tình hợp lý hơn.