Đến với bài thơ hay: Những ám ảnh nghệ thuật về người nông dân

Tuổi thơ, tấm áo mỏng phong phanh gió bấc, tôi được sưởi ấm từ hơi lửa âm ỉ cháy của nùn rơm bện chặt...

Ảnh minh họa: INT

Ảnh minh họa: INT

Nguyễn Sĩ Đại

Cây lúa

Mảnh mai cây lúa quê nhà

Nghìn năm bão lũ xoáy qua đất này

Mẹ cha nghiêng xuống rãnh cày

Lật hai phía đất mà xây mùa màng

Phất cờ trụ với thời gian

Qua trăm bồi lở vượt ngàn bom rơi

Lá xanh vút thẳng lên trời

Bông vàng trĩu xuống cho người cầm tay

Rễ bền hút chặt đất đai

Mà nên cổ thụ với đời, lúa ơi

Nợ nần nước mắt, mồ hôi

Thủy chung tỏa xuống vai người ấm no

Rưng rưng cây lúa quê nhà

Tôi từ bóng lúa lớn ra cuộc đời

(In trong Nguyễn Sĩ Đại – Trái tim người lính (thơ), NXB Thanh niên, 1988)

Nhắc đến Nguyễn Sĩ Đại, tôi nghĩ ngay đến bài thơ “Nông dân” khá nổi tiếng của ông. Thơ viết về người nông dân một nắng hai sương trong thơ Việt không phải là ít, nhưng hiếm bài thơ nào giàu tính triết luận, thể hiện thái độ đối thoại mạnh mẽ, quyết liệt và cái nhìn thấu suốt nhiều khía cạnh trong đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân như tác phẩm nói trên.

Cùng chủ đề ấy, nhưng với bài thơ “Cây lúa” tác giả lại chọn lối biểu hiện kín đáo hơn, thông qua những hình ảnh thơ giàu tính biểu tượng:

Hiện diện trong tập “Trái tim người lính”, xuất bản năm 1988, nhưng bài thơ được sáng tác từ 5 năm trước đó (1983). “Cây lúa” – tiêu đề của tác phẩm mộc mạc – đề cập một đối tượng quá quen thuộc trong đời sống người dân có truyền thống nông nghiệp trồng lúa nước, tự nó chưa gợi ấn tượng gì đáng kể ở người đọc. Giá trị bài thơ hoàn toàn phụ thuộc vào bảy cặp lục bát tạo nên chỉnh thể của tác phẩm.

Những câu thơ chân mộc, giản dị như hé dần từng lớp hình tượng trung tâm của toàn bài – cây lúa – để người đọc thơ ngỡ ngàng vì nhận ra đối tượng rất đỗi quen thuộc lại được “hóa thân” trong một thế giới cảm xúc rất riêng của chủ thể trữ tình. Có thể nói, thể lục bát được nhà thơ dùng để biểu đạt những suy cảm của mình là một sự lựa chọn đắc địa.

“Mảnh mai cây lúa quê nhà/Nghìn năm bão lũ xoáy qua đất này” – hai câu lục bát mở đầu đã gây được ấn tượng cho người đọc. Ấn tượng đó được tạo nên bởi sự đối lập giữa hai hình ảnh.

Cái dáng vẻ mảnh mai của cây lúa (gợi liên tưởng đến sự yếu ớt) lại được đặt trong cái bất tận của “nghìn năm bão lũ” khiến ta không khỏi nghĩ đến sức sống tiềm ẩn diệu kì của nó. “Quê nhà” và “đất này” là không gian, “ngàn năm” là thời gian sinh tồn của cây lúa. Đối tượng – thời gian – không gian, cả ba yếu tố đó đủ để tạo cảm giác về một sự hiện hữu trong hiện tại và sự bất biến qua vĩnh hằng.

Đó không chỉ là cây lúa trên cánh đồng mùa này hay mùa khác, mà còn là biểu tượng cho sức sống bất diệt, cho sự vững vàng qua muôn vàn thử thách. Sự phi thường lớn lao được biểu đạt trong một hình thức giản dị đến không ngờ, có sức lay động mạnh cảm xúc người đọc – đó chính là nét phong cách của thơ Nguyễn Sĩ Đại, nhất quán qua nhiều bài thơ của ông.

Nguyễn Sĩ Đại từng tâm sự: “Tôi thấy mình còn nợ ca dao, cổ tích nhiều lắm, khi chưa hiểu hết được sự lấp lánh và những thông điệp sâu xa mà người xưa gửi lại”. Hẳn vì lẽ đó mà ở những câu thơ đầu của bài “Cây lúa”, ta đã thấy chất ca dao được thể hiện tự nhiên như hơi thở, như dòng cảm nghĩ vụt ra từ sâu thẳm hồn cốt của “một người nông dân kiêu hãnh”.

Cây lúa thân thuộc – qua phát biểu của nhà thơ – cũng như “quê hương Nghệ Tĩnh, trụ với bão dông, nắng lửa và đạn bom mà không sờn, không chết. Nghìn năm trước lúa đã chịu nắng, chịu bão chi chút, ôm ấp, sinh ra những hạt sống nuôi người. Nghìn năm sau, lúa vẫn vậy, không chỉ nuôi người, còn nuôi dưỡng một nền văn hóa lúa nước mà cốt lõi là sự cố kết, đỡ đần, nguồn gốc sâu xa của sự đoàn kết”. Những dòng suy nghĩ đó của tác giả cho ta thấy rõ hơn tất yếu sự ra đời của bài thơ “Cây lúa”.

Nói đến cây lúa, nhà thơ nghĩ về cha mẹ, bởi hai đối tượng ấy có nét tương đồng: Đều làm nên sự sống.

“Mẹ cha nghiêng xuống rãnh cày

Lật hai phía đất mà xây mùa màng”

Cặp lục bát với những động từ: “nghiêng, lật, xây” chỉ việc làm lụng lam lũ để tạo nên thành quả. Mẹ cha một nắng hai sương gieo trồng cây lúa để có hạt gạo nuôi sống con người. Như vậy, mẹ cha là nơi khởi nguồn của mọi khởi nguồn. Lúa trở thành tiền đề để chúng ta nhận ra sự vĩ đại của đấng sinh thành. Có công sức của cha mẹ mới có lúa gạo, mới có “mùa màng”. Nguồn sống là từ cây lúa, cây lúa lại được cấy trồng chăm bón bởi bàn tay của cha mẹ – ý thơ vấn vít nhau, tạo nên song trùng ý nghĩa.

Khổ thơ thứ hai vẫn trực tiếp khắc họa đối tượng trữ tình, nối tiếp mạch cảm xúc của khổ đầu, nhưng nâng lên một tầm mới, vừa cụ thể, vừa khái quát:

“Phất cờ trụ với thời gian

Qua trăm bồi lở vượt ngàn bom rơi

Lá xanh vút thẳng lên trời

Bông vàng trĩu xuống cho người cầm tay”

Câu đầu của khổ thơ gợi nhớ câu tục ngữ quen thuộc: “Lúa chiêm lấp ló đầu bờ/ Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên”. Cũng cụm từ “phất cờ”, nhưng nếu câu tục ngữ của dân gian nêu kinh nghiệm trong nghề trồng lúa thì câu thơ của Nguyễn Sĩ Đại gợi tư thế của cây lúa: Một tư thế vươn thẳng, đầy sức sống. Động từ “trụ” cho ta thấy sự kiên định mạnh mẽ.

“Lá xanh vút thẳng lên trời/ Bông vàng trĩu xuống cho người cầm tay” là hai câu thơ rất giàu tính tạo hình nhờ chuyển động nghịch hướng giữa “lá xanh vút thẳng” và “bông vàng trĩu xuống”, thể hiện sự quan sát tỉ mỉ và sự liên tưởng bất ngờ của chủ thể trữ tình. Rõ ràng, đó không chỉ khắc họa đặc điểm của cây lúa, mà quan trọng hơn, biểu đạt phẩm tính của con người. Ấy là tư thế hiên ngang, bền bỉ của người nông dân nói riêng, của con người Việt Nam nói chung, không chỉ khi ứng phó với thiên nhiên khắc nghiệt mà cả khi đối mặt với địch họa (Qua trăm bồi lở vượt ngàn bom rơi).

 Ảnh minh họa: INT.

Ảnh minh họa: INT.

Khổ thơ thứ ba, hình ảnh cây lúa mang đậm tính tượng trưng: “Rễ bền hút chặt đất đai/Mà nên cổ thụ với đời, lúa ơi/Nợ nần nước mắt, mồ hôi/Thủy chung tỏa xuống vai người ấm no”. Dùng phép tu từ nhân hóa nhằm đặc tả cây lúa, nhà thơ huy động một loạt những từ ngữ nói về con người: hút chặt, nên cổ thụ với đời, nợ nần, nước mắt, mồ hôi, thủy chung, ấm no…, một loạt từ ngữ cùng trường nghĩa chỉ các trạng huống nhân sinh khiến ta nghĩ ngay đến những con người hai sương một nắng gắn bó với ruộng đồng. Điều này khiến cho khổ thơ toát lên ý nghĩa: Người nông dân sống với đất đai, vất vả khó khăn, khổ đau nhưng vẫn chung thủy, nghĩa tình, hạt lúa do họ làm ra đem no ấm đến cho mọi người.

Nếu ở câu đầu bài thơ, tác giả gợi tả cây lúa với dáng hình mảnh mai thì ở đây cây lúa bỗng hóa thành cổ thụ - một hình ảnh thơ mang tính cường điệu. Sự cường điệu này chỉ hoàn toàn hợp lí khi người đọc không còn nghĩ đến cây lúa trên ruộng đồng, mà liên tưởng đến con người trong cuộc sống trường tồn. Từ cổ thụ trở nên rất đắc địa khi được dùng để biểu đạt tầm vóc lớn lao của người nông dân – điều đáng được xem là một điểm nhấn của bài thơ.

Thơ là tiếng nói tri âm, sự tri âm ấy ở đây dường như chỉ dành riêng cho những người có tâm hồn tinh tế và sự sâu sắc trong cảm nhận. Phải chăng nhà thơ muốn chuyển tải đến chúng ta một thông điệp: Cần thấu hiểu và trân trọng những người nông dân – những người lao động bình thường trong xã hội, thông điệp ấy được thể hiện một cách chân tình mộc mạc mà đầy chất thơ.

Nguyễn Sĩ Đại từng tâm sự:

“Che ấm quê tôi đời này sang đời khác là mái nhà lợp rạ.

Đường tôi đi bước trên rơm rạ.

Tuổi thơ, tấm áo mỏng phong phanh gió bấc, tôi được sưởi ấm từ hơi lửa âm ỉ cháy của nùn rơm bện chặt.

Từ sáng đến tối, ở đâu, mắt tôi, da thịt tôi lúc nào cũng ngập tràn, cũng tựa kề, cũng ra vào, lên xuống cùng lúa gạo.

Tôi đi qua một ngày, một năm, một phần đầu đời đáng nhớ nhất bằng cấy cày, gặt hái, phơi phong, xay giã giần sàng… Lúa bên tôi từ hạt thóc nẩy mầm, đến màu xanh lá mạ, trổ đòng con cúi…

Với tôi, màu xanh của lúa đang thì là rười rượi nhất, tươi mát nhất; màu vàng của lúa chín là màu vàng đẹp nhất”.

Sự gắn bó sâu nặng với quê hương, với ruộng đồng đã làm nhà thơ có những câu thơ tha thiết nhất, hay vào bậc nhất khi viết về cây lúa như thế.

Ở cặp câu cuối cùng của bài, nhân vật trữ tình mới trực tiếp xuất hiện: “Rưng rưng cây lúa quê nhà/Tôi từ bóng lúa lớn ra cuộc đời”. Đến đây, ta nhận ra một cách cụ thể cảm xúc xuyên suốt của bài thơ là của nhân vật tôi và kết đọng lại là nỗi niềm rưng rưng – một sắc thái trữ tình thật khó diễn tả rõ ràng bằng lời. Con người lớn lên, trưởng thành bắt đầu từ bóng lúa, ấy là sự tri ân sâu sắc được nói bằng những lời thơ giản dị mà thấm thía. “Tôi từ bóng lúa lớn ra cuộc đời” là một cách nói hàm ẩn, giàu ân nghĩa. Một cái kết khá đơn giản nhưng tạo nên dư ba, gợi những đợt sóng liên tưởng dâng trào trong lòng người đọc.

Cảm hứng chủ đạo xuyên suốt bài thơ là tình yêu thương, sự trân trọng đối với cây lúa quê hương cũng như người nông dân Việt Nam – những người lam lũ, cực nhọc nhưng ẩn chứa những nét đẹp đáng ngưỡng vọng. Ân nghĩa chân thành sâu đậm của nhà thơ in đậm trong từng câu chữ, từng hình ảnh của bài thơ.

Chưa một lần được diện kiến nhà thơ, yêu thơ ông từ thời còn đi học, say mê những vần thơ của ông từ lúc còn là sinh viên, thời ấy tôi không mặn mà với “Cây lúa” mà thiết tha với “Ta trả cho em mười sáu tuổi”, “Mực tím”, “Tiếng tình yêu”… Nhưng khi trưởng thành, cho đến bây giờ, tôi ngày càng yêu “Cây lúa”, bởi nhận ra rằng đây không chỉ là tâm sự của riêng tác giả, mà còn là tiếng lòng của rất nhiều người, trong đó có cả bản thân tôi. Bởi vậy, bài thơ được sáng tác từ hơn 40 năm trước (1983) nhưng đến nay vẫn tươi mới, lấp lánh nhiều ý nghĩa, như Nguyễn Sĩ Đại từng chân thành bộc bạch: “Câu thơ kết là một tự sự, một lời hứa trước cây lúa, trước quê hương, rằng phải cố gắng để “lớn hơn, dân quê cho đáng tình quê”, không làm xấu hổ cho cây lúa, biết dựa vào bóng lúa để sống một cách tích cực, tử tế”.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Quỳnh An (Giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Hà Huy Tập, TP Vinh, Nghệ An)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/den-voi-bai-tho-hay-nhung-am-anh-nghe-thuat-ve-nguoi-nong-dan-post708851.html