Đến bao giờ các tuyến đường trọng điểm ở Quảng Bình được đấu nối vào đường BOT?
Vướng mắc về đấu nối vào tuyến đường BOT trên địa bàn tỉnh Quảng Bình được cho là ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cần sớm tháo gỡ.
Tuyến đường từ cầu Nhật Lệ 2 đến đường tránh thành phố Đồng Hới thuộc Dự án môi trường bền vững các thành phố duyên hải - tiểu dự án thành phố Đồng Hới.
Theo thiết kế, đường có bề rộng nền đường 36m và có chiều dài hơn 1,4km, tổng mức đầu tư hơn 165 tỷ đồng do Ngân hàng Thế giới tài trợ.
Dự án này được giao cho Ban Quản lý dự án môi trường và biến đổi khí hậu Đồng Hới làm chủ đầu tư, thời gian hoàn thành ngày 30/6/2023.
Đây là tuyến đường chính tạo kết nối Đông - Tây thành phố Đồng Hới, có vai trò quan trọng trong việc phát triển các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ du lịch của tỉnh Quảng Bình.
Ngoài ra, khi tuyến đường được lưu thông sẽ giúp phòng, chống lũ lụt và ứng phó biến đổi khí hậu cho khu vực bán đảo Bảo Ninh và trung tâm thành phố Đồng Hới.
Đến nay, tuyến đường, các công trình phụ trợ của đường và cầu trên tuyến đường cơ bản thi công hoàn thành. Tuy nhiên, tại đoạn đấu nối vào đường tránh thành phố Đồng Hới chưa thể thực hiện do phía nhà đầu tư đường tránh (đầu tư theo hình thức BOT) là Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh không chấp thuận.
Ngoài dự án trên, tuyến đường nối từ đường tránh lũ Quốc lộ 1A đến quảng trường biển xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy cũng bị vướng mắc đấu nối. Con đường này dài 5,5 km, thiết kế 4 làn xe, có tổng mức đầu tư 210 tỷ đồng. Đây là một trong các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm khu vực phía Nam của tỉnh Quảng Bình, từ nguồn ngân sách đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021 - 2025. Qua hơn 2 năm triển khai, dự án này thi công vượt tiến độ nhưng lại gặp vướng mắc trong đấu nối vào đường BOT.
Nhà đầu tư BOT Trường Thịnh nhận định, hiện tình trạng đấu nối vào các dự án BOT Quốc lộ 1 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nhiều hơn hiện trạng ban đầu, tiềm ẩn gây mất an toàn giao thông và phân lưu giảm lưu lượng qua trạm thu phí, phá vỡ phương án tài chính của hợp đồng.
Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình, vướng mắc về đấu nối vào tuyến đường BOT trên địa bàn tỉnh ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Do đó, cần sớm tháo gỡ để tạo thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Liên quan đến vấn đề này, Sở Giao thông vận tải đã tổ chức nhiều cuộc họp với nhà đầu tư BOT và các bên liên quan, đề xuất các giải pháp. Thời gian qua đã giải quyết được một số trường hợp đấu nối vào tuyến đường BOT (chỉ kết nối vào dự án, không kết nối liên vùng).
Riêng điểm đấu nối còn vướng mắc, Sở tham mưu nhiều văn bản của UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, giải quyết.
Cuối tháng 11/2023, sau buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, đoàn công tác các thành viên Chính phủ thống nhất báo cáo Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải chủ trì làm việc với nhà đầu tư BOT để thống nhất phương án xử lý, sớm giải quyết các vướng mắc.
Ông Phạm Văn Năm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Quảng Bình nhận định đây là vấn đề phức tạp. Việc đấu nối trên các tuyến đường BOT ngoài tuân thủ các quy định, yếu tố kỹ thuật,... còn liên quan đến quyền lợi của nhà đầu tư BOT (về thất thoát lưu lượng, ảnh hưởng đến thu phí...) và các quy định tại hợp đồng kinh tế giữa nhà đầu tư với cơ quan có thẩm quyền.
Để giải quyết, cần phải có sự thống nhất của địa phương là UBND tỉnh Quảng Bình, cơ quan có thẩm quyền là Bộ Giao thông vận tải và nhà đầu tư BOT. Chính phủ cần xem xét, sửa đổi các quy định về đấu nối đường nhánh vào Quốc lộ 1A để tạo thuận lợi cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.