Đem niềm vui đến cho người khó khăn
Từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi ngày, tại Đồng Nai có 1 căn nhà tình thương được bàn giao cho gia đình nghèo, cận nghèo cùng các đối tượng khó khăn về nhà ở khác vào sinh sống.
Tính chung 7 tháng qua, toàn tỉnh có 206 căn nhà tình thương được xây dựng, sửa chữa và bàn giao cho người khó khăn về nhà ở thông qua vai trò vận động, kết nối và điều phối nguồn lực của MTTQ cùng các tổ chức thành viên.
Niềm vui bên căn nhà mới
Ngay trước thời điểm cả nước kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, ông Nguyễn Văn Thanh, hộ nghèo tại xã Phú Thịnh (huyện Tân Phú) đón nhận niềm vui khi được bàn giao căn nhà kiên cố.
Ông Thanh cho hay, trước đây, ông sống một mình trong căn nhà tạm trên phần đất do cha cho. Vì nhà đông anh em nên mỗi người chỉ có được một nền nhà từ 60 -70m2. Ông cũng cố gắng đi làm nhiều nghề với mong mỏi tích góp để dựng nhà nhưng do bị tai nạn phải nằm điều trị thời gian dài, bao nhiêu tích góp trong mấy năm lao động của ông đều tiêu tan, sức khỏe giảm sút nhiều.
Thực hiện chương trình Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc do Đoàn Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam phát động, Đồng Nai đã ủng hộ xây dựng 20 căn nhà Đại đoàn kết, tặng 200 phần quà cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Điện Biên với trị giá 1,1 tỷ đồng.
Đầu năm 2024, ông được tin mình nằm trong số những gia đình của huyện được xét hỗ trợ xây nhà tình thương. “Phải nói là tôi rất mừng. Có được căn nhà kiên cố thì còn gì vui bằng, bởi số tiền xây dựng nhà ở với một người gần 70 tuổi không nghề nghiệp, không đất canh tác, sức khỏe yếu là điều vượt quá khả năng của bản thân” - ông Thanh chia sẻ.
Còn với bà Nguyễn Thị Thu Ba (70 tuổi, ngụ thị trấn Long Thành, huyện Long Thành), việc được hỗ trợ 80 triệu đồng để xây dựng nhà trên nền nhà cũ trước đây có ý nghĩa rất lớn. Bà Thu Ba bộc bạch: “Căn nhà kiên cố tuy nhỏ nhưng khang trang, sạch đẹp thay thế cho căn nhà lụp sụp trước đây là niềm vui tuổi già đối với tôi”.
Tương tự, tháng 7 vừa qua, gia đình ông Nguyễn Quốc Hùng (xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc) đã dọn vào căn nhà mới để sinh sống. Sau khi hoàn thành, căn nhà của gia đình ông có giá trị trên 100 triệu đồng, đồng thời còn có nhiều món quà khác là đồ dùng gia dụng, thực phẩm được các nhà tài trợ, hội đoàn thể ở ấp, chính quyền địa phương trao tặng.
Cùng với niềm vui vào sống trong căn nhà mới, những trường hợp này còn đón nhận sự quan tâm, chia vui từ cộng đồng cũng như chính quyền các cấp. Trong mỗi đợt bàn giao nhà tình thương, ngoài gạo, gia vị, Hội Chữ thập đỏ đều cố gắng vận động thêm tivi, máy quạt để tặng bà con. Gia đình nào có trẻ em, Hội Chữ thập đỏ các cấp còn tặng thêm sữa, dụng cụ học tập, quần áo…
Hay tùy theo khả năng vận động mà mỗi ấp, khu phố đều hỗ trợ thêm một khoản tiền nhất định, bởi thực tế trong quá trình xây dựng không thể tránh khỏi việc chủ nhà mua thiếu một số thiết bị gia dụng và nếu có số tiền này có thể giúp họ khỏi thiếu nợ.
Không có điểm dừng…
Năm 2019, Đồng Nai được Trung ương công nhận là địa phương hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát. Trong khi đó, mục tiêu được Chính phủ đặt ra trong phạm vi toàn quốc là đến năm 2025 cả nước hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà đột nát. Như vậy, Đồng Nai về đích sớm hơn 6 năm so với mặt bằng chung của cả nước.
Tuy nhiên, có một thực tế là hộ nghèo, hộ cận nghèo luôn phát sinh theo thời gian và những trường hợp này rất cần hỗ trợ về nhà ở. Hay những căn nhà được xây dựng từ nhiều năm trước sau thời gian sử dụng đã và sẽ hư hỏng mà gia chủ không có khả năng sửa hoặc xây mới... Vì vậy, tại Đồng Nai việc giúp dân xây dựng nhà ở kiên cố luôn là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục được cấp ủy, chính quyền quan tâm.
Để không bỏ sót đối tượng cần trợ giúp, các địa phương đã có sự rà soát, bổ sung số lượng gia đình cần hỗ trợ xây, sửa nhà ở. Danh sách này liên tục được địa phương cập nhật theo thời gian. Đồng thời, để đảm bảo tính công bằng trong việc gia đình nào được xây dựng trước - sau, việc bình xét được thực hiện qua nhiều bước do cộng đồng, ban điều hành ấp, khu phố và chính quyền các cấp cho ý kiến và quyết định.
Theo ông Nguyễn Văn Khang, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, hiện còn 646 hộ nghèo và có hơn 1,1 ngàn hộ cận nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua rà soát, có 520 gia đình dân tộc thiểu số cần hỗ trợ kinh phí để xây mới, sửa chữa nhà ở. Quá trình rà soát để đưa vào danh sách gia đình dân tộc thiểu số cần hỗ trợ về nhà ở được các địa phương thực hiện theo đúng quy định. Đồng thời, trong quá trình phân bổ nguồn lực, các đơn vị luôn có sự phối hợp trong lựa chọn đối tượng thụ hưởng sao cho người cần thiết nhất được ưu tiên.
Song song đó, việc vận động nguồn lực xã hội để thực hiện xây, sửa nhà ở cho người dân rất quan trọng. Mỗi năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh - Thường trực Ban vận động Quỹ Vì người nghèo tỉnh phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, tổ chức thành viên triển khai hoạt động phát triển Quỹ Vì người nghèo và thực hiện các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, trong đó có xây dựng nhà ở cho người khó khăn. 6 tháng đầu năm nay đã có 16 tỷ đồng được Quỹ Vì người nghèo các cấp tiếp nhận từ sự đóng góp của cộng đồng. Còn tính chung nhiệm kỳ 2019-2024, đã có hơn 121,6 tỷ đồng được tiếp nhận, tăng 6,9 tỷ đồng so với nhiệm kỳ trước. Qua nguồn lực này, đã có trên 1,5 ngàn căn nhà được xây dựng, sửa chữa.
Từ năm 2022, để hỗ trợ tốt hơn về nhà ở cho bà con, Thường trực Ban vận động Quỹ Vì người nghèo tỉnh đã thống nhất nâng mức hỗ trợ xây dựng nhà tình thương từ 40 - 50 triệu đồng/căn nhà.
Đặc biệt, tại Đồng Nai mỗi căn nhà tình thương xây dựng, sửa chữa được thực hiện theo mô hình 3 tại chỗ: nhà tài trợ đóng góp ban đầu, gia đình cùng dòng họ đóng góp và chính quyền địa phương, đoàn thể ở cơ sở vận động thêm từ cộng đồng. Nhờ vậy, giá trị sau khi căn nhà hoàn thành luôn cao hơn mức ban đầu, cá biệt có căn nhà nhiều hơn đến 50%.
Bà Đoàn Thị Thủy (thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú) cho hay, năm 2024 bà được hỗ trợ xây dựng nhà ở với kinh phí ban đầu là 80 triệu đồng. Gia đình nghĩ căn nhà là nơi ở lâu dài, cơ hội xây hay sửa nhà đối với một gia đình thuộc diện hộ nghèo là rất khó. Vì vậy, để căn nhà khang trang hơn, có đầy đủ các yêu cầu cơ bản, gia đình đã mượn thêm từ người thân để giá trị căn nhà sau khi hoàn thành lên đến 100 triệu đồng. Ngoài ra, các hội đoàn thể ở khu phố, chính quyền địa phương còn tặng gia đình nhiều vật dụng cần thiết trong sinh hoạt hàng ngày.
Ông Kim Young Whan, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Đồng Nai:
Tiếp tục đồng hành với địa phương
Thời gian qua, thông qua sự kêu gọi, vận động và kết nối của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, mỗi năm, Hiệp hội các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Đồng Nai đều hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhà ở, quà cho người nghèo, gia đình khó khăn tại địa phương. Trong thời gian tới, Hiệp hội các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Đồng Nai sẽ tiếp tục đồng hành cùng tỉnh trong thực hiện công tác an sinh xã hội.
Bà Ngô Thị Đời (thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú):
Vui mừng vì có căn nhà kiên cố
Gia đình tôi thuộc hộ nghèo. Cả nhà đều chăm chỉ làm việc nhưng tiền kiếm được đổ vào chữa bệnh, rồi những việc không may trong cuộc sống khiến gia đình không tích góp được tiền để dựng căn nhà kiên cố. Do vậy, cả nhà rất vui khi biết tin được nhà nước xem xét hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà. Để góp thêm cho căn nhà của mình nên dù khó khăn nhưng cả nhà vẫn chuẩn bị thêm 10 triệu đồng để căn nhà sau khi hoàn thành có giá trị xây dựng 90 triệu đồng. Ngoài ra, để giảm chi phí, cả nhà cùng phụ giúp việc vận chuyển vật liệu, san lấp nền…