'Đem chuông đi đánh xứ người'

Tại khuôn khổ Liên hoan phim Cannes năm 2024, 7 bộ phim Việt thuộc dòng phim giật gân, kinh dị được các nhà phát hành đem tới Hội chợ Marche du Film. Cùng với doanh thu khả quan tại phòng chiếu trong nước ở một số bộ phim trước đó, đã mang đến dấu ấn về dòng phim kinh dị mang bản sắc Việt.

Liên hoan phim (LHP) Cannes 2024 diễn ra từ ngày 14/5 đến ngày 23/5/2024. Có khoảng 14.000 đến 15.000 người từ khắp nơi trên thế giới đến tham dự. Được biết, Hội chợ Marche du Film (Chợ phim - TG) của LHP Cannes ra đời từ năm 1959, khoảng 13 năm sau khi LHP này được thành lập. Đây là hội chợ phim thuộc top đầu thế giới, thường thu hút hàng ngàn đến chục ngàn người có chuyên môn trong ngành điện ảnh góp mặt thường niên.

Chợ phim được tổ chức kéo dài, song song với quá trình diễn ra LHP cho thấy tầm quan trọng của hoạt động này. Đây là cơ hội quảng bá lý tưởng, giúp các nhà sản xuất, phát hành và phân phối tìm kiếm thị trường phù hợp để mua - bán phim. Với một LHP lớn và uy tín như Cannes thì chợ phim có quy mô khủng với hàng trăm gian hàng cùng hơn 1.000 đại diện phát hành phim từ khắp các quốc gia trên thế giới. Ở những lần LHP trước, một số bộ phim của điện ảnh Việt cũng tham gia Chợ phim như “Tro tàn rực rỡ”, “Đêm tối rực rỡ”, “Chị chị em em 2”, “Mười”…

Một cảnh trong phim “Quỷ cẩu”.

Một cảnh trong phim “Quỷ cẩu”.

Các tác phẩm điện ảnh Việt tham gia tại Chợ phim của LHP Cannes năm nay gồm “Linh miêu” (đạo diễn Lưu Thành Luân), “Cô dâu hào môn” (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng), “Nhà gia tiên” (đạo diễn Huỳnh Lập), “Đèn âm hồn” (đạo diễn Hoàng Nam), “Án mạng lầu 4” (đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn), “Con Cám” và “Kẻ ăn hồn” (đạo diễn Trần Hữu Tấn). Những bộ phim này được công ty Skyline Media (Việt Nam) mang đến quảng bá, giới thiệu tại Chợ phim. Hầu hết những bộ phim này trước khi được “mang chuông đi đánh xứ người” đều có được hiệu ứng khán giả và doanh thu tốt tại thị trường trong nước. Nhìn vào 7 bộ phim được mang đi quảng bá có thể thấy dòng phim kinh dị Việt đang có một bước tiến đáng kể. Những bộ phim này mang đến một bức tranh phim khá đa dạng trên tinh thần khai thác tối đa yếu tố kinh dị dân gian.

Bộ phim “Kẻ ăn hồn” được coi là bản tiền truyện của “Tết ở làng địa ngục” – series ăn khách trên Netflix. Ngoài chuyện phim với không khí kinh dị pha màu sắc điều tra, trinh thám thì phim còn ghi điểm ở khâu tạo hình, thiết kế mỹ thuật với không gian u ám ma quái của làng địa ngục với những hình ảnh sởn da gà như hình ảnh con đò chở vong, cách nhân vật luyện tà ma… Bộ phim được gọi như một “hiện tượng” phim kinh dị tại Việt Nam với doanh thu khoảng 80 tỷ đồng.

“Con Cám” là dự án tiếp theo từ bộ đôi nhà sản xuất – đạo diễn của “Kẻ ăn hồn” là đạo diễn Trần Hữu Tấn và nhà sản xuất Hoàng Quân, mượn những nhân vật cổ tích nổi tiếng ở Việt Nam như Tấm, Cám, Hoàng tử… nhưng được nhìn ở góc độ mới mẻ. Giống các phim trên, “Nhà gia tiên” và “Đèn âm hồn” cũng khai thác yếu tố tâm linh, quỷ dị trong đời sống dân gian người Việt xưa và nay. Riêng bộ phim “Cô dâu hào môn” thì được đạo diễn Vũ Ngọc Đãng phản ánh câu chuyện về thân phận người phụ nữ trong xã hội.

Bộ phim “Án mạng lầu 4” mượn kịch bản của Israel - Melbourne - với sự góp mặt của nữ ca sĩ Lương Bích Hữu. Say mê với dòng phim giật gân, kinh dị, “Linh miêu” là bộ phim thứ 2 của đạo diễn Lưu Thành Luân sau bộ phim đầu tiên “Quỷ cẩu”, ra mắt cuối năm 2023 với doanh thu 108 tỷ đồng. Có thông tin, hai bộ phim “Con Cám” và “Linh miêu” đã được bán cho thị trường Lào và Campuchia, riêng “Con Cám” sẽ xuất hiện thêm ở Đài Loan (Trung Quốc).

Việc 7 bộ phim Việt có mặt tại Chợ phim thuộc LHP Cannes đều thuộc dòng phim kinh dị là một điều đặc biệt nhưng không khó hiểu. Nguyên nhân đầu tiên là vì một loạt phim thuộc thể loại này được sản xuất và ra mắt trong khoảng thời gian cuối năm 2023, đầu năm 2024. Trong lịch sử điện ảnh thế giới và Việt Nam, dòng phim kinh dị vốn tồn tại bền vững và có một sức hút nhất định với đông đảo khán giả yêu nghệ thuật thứ 7. Dù không mới nhưng ở dòng phim này, cốt truyện cùng cách làm phim với những ý tưởng vượt ra khỏi những khuôn khổ thông thường luôn khơi gợi sự tò mò và mang lại niềm thích thú cho khán giả.

Nhiều đạo diễn cũng chia sẻ, họ luôn hứng thú với thể loại phim kinh dị bởi có thể thử thách, phát huy khả năng sáng tạo, mang đến những câu chuyện khác thường, đầy yếu tố bất ngờ. Trước đây, điện ảnh Việt đã có không ít bộ phim kinh dị ra mắt nhưng thành công không nhiều. Phần lớn những bộ phim này đều mắc lỗi yếu tố kinh dị chưa tới, chưa thuyết phục, không tạo được bất ngờ, gây ấn tượng với khán giả. Chưa nói tới việc, nội dung phim thiếu hấp dẫn, không có điểm nhấn nên “thua” những bộ phim kinh dị của quốc tế ngay tại sân nhà.

Hầu hết những bộ phim kinh dị Việt đều bị đánh giá là thiếu sáng tạo, chủ yếu dựa vào những yếu tố như ma, quỷ, bùa ngải, sát nhân… Rơi vào tình trạng doanh thu thấp, sớm phải ra khỏi rạp như “Bến phà xác sống”, “Người mặt trời”… đều là những bộ phim mắc phải những lỗi này. Đạo diễn Lưu Thành Luân từng chia sẻ áp lực nhất khi làm phim kinh dị là phải khiến người xem cảm thấy sợ từ hình ảnh đến lời thoại.

Thời gian gần đây, nhiều đạo diễn đã mang đến những tìm tòi, cách khai thác mới mẻ đối với đề tài này. Trong đó điểm nổi bật là theo đuổi hướng làm phim kinh dị chứa đựng yếu tố dân gian. Thay vì đi vào những đề tài, nhân vật na ná điện ảnh khu vực hay thế giới, một xu hướng của dòng phim kinh dị Việt Nam là dựa vào hoặc lấy ý tưởng từ những câu chuyện dân gian, truyền thuyết… đã làm nên nét đặc trưng riêng, vừa lạ, vừa gần gũi với người xem. Những bộ phim như “Bắc Kim Thang”, “Kẻ ăn hồn”, “Linh miêu”, “Đèn âm hồn”… đều theo phong cách này.

Hình ảnh đám cưới chuột trong phim “Kẻ ăn hồn”.

Hình ảnh đám cưới chuột trong phim “Kẻ ăn hồn”.

Không thể phủ nhận, nỗ lực của các nhà sản xuất đã khiến dòng phim kinh dị Việt đã tạo được những dấu ấn mới. Một số bộ phim khi ra rạp đã có được hiệu ứng phòng vé khá tốt, có doanh thu cao như “Quỷ cẩu”, tác phẩm đầu tay của đạo diễn Lưu Thành Luân đã có doanh thu hơn 100 tỷ đồng. Một số bộ phim kinh dị Việt được khán giả yêu thích cũng như tạo được sự khác biệt so với những bộ phim cùng thể loại của nước khác chính vì nhà sản xuất đã dùng câu chuyện dân gian quen thuộc đưa vào phim.

Cùng với đó, cốt truyện, nhân vật, bối cảnh mang đậm màu sắc văn hóa Việt Nam vừa mới lạ vừa gần gũi tạo nên bản sắc cho dòng phim này. Điều đó thể hiện ở những chi tiết như cảnh đám cưới chuột đậm màu sắc dân gian trong phim “Kẻ ăn hồn”, nhân vật quen thuộc trong phim “Con Cám”, bản sắc văn hóa miền Tây trong “Bắc Kim Thang”… Trên báo chí cũng như các trang mạng xã hội, nhiều khán giả cho rằng, họ thích những bộ phim kinh dị Việt thời gian gần đây vì nội dung gần gũi, thân thuộc, có thông điệp rõ ràng, đặc biệt là mang đậm yếu tố văn hóa Việt Nam.

Phim kinh dị luôn có một sức hút bền vững với khán giả. Đó là lý do khiến những nền điện ảnh trong khu vực như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… chú trọng sản xuất phim thể loại này. Thực tế, các nhà phát hành phim Việt Nam, các rạp chiếu trong nước cũng thường xuyên mua các bộ phim thuộc dòng phim này về chiếu. Mới đây nhất, sức hút phòng vé của bộ phim “Quật mộ trùng ma” (Hàn Quốc) cho thấy dòng phim này chưa khi nào hết “hot”.

Ở Việt Nam, từ những thành công bước đầu, một số đạo diễn Việt cũng tiếp tục theo đuổi dòng phim này. Ví dụ như đạo diễn Trần Hữu Tấn chuẩn bị cho dự án phim tiếp theo có tên gọi “Dưới đáy hồ” lấy ý tưởng từ “truyền thuyết đô thị” về hồ đá... Theo ý kiến của nhiều chuyên gia điện ảnh thì để thu hút khán giả trong và ngoài nước, các bộ phim phải được làm với xu hướng và khẩu vị của khán giả quốc tế nhưng vẫn đảm bảo bản sắc văn hóa riêng.

Việc phim kinh dị Việt có mặt tại LHP Cannes cho thấy sự mạnh dạn của các nhà làm phim cũng như đơn vị quảng bá nhằm giới thiệu tới quốc tế một dòng phim kinh dị thuần Việt. Trước đó, dự án phim “Kẻ ăn hồn”, “Con Cám” cũng được chào bán tại Chợ phim và nội dung châu Á thuộc LHP Busan (Hàn Quốc 2023). Có thể các tác phẩm dự thi chưa thực sự xuất sắc so với nhiều tác phẩm của điện ảnh thế giới cùng thể loại nhưng ít nhiều góp phần đưa câu chuyện của văn hóa Việt ra với bạn bè quốc tế.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/dem-chuong-di-danh-xu-nguoi-i732185/