Đề xuất thêm tiêu chí thay thế 'hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ' khi xét thăng hạng
Hiệu trưởng đề xuất có thể sử dụng thêm 1 số danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cao để thay thế tiêu chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi xét thăng hạng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 13/2024/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập và giáo viên dự bị đại học thay thế Thông tư số 34/2021/TT-BGDĐT. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/2024.
Theo đó, quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tại Thông tư số 13 có yêu cầu cao hơn so với Thông tư số 34. Những điểm mới này được đưa ra với mong muốn nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, nâng cao năng lực cống hiến của nhà giáo, góp phần phát triển tốt hơn cho ngành giáo dục Việt Nam.
Đại diện giáo viên và cán bộ quản lý tại một số trường dự bị đại học đã có những chia sẻ xung quanh sự thay đổi này.
Nâng cao trình độ chuyên môn giúp chọn được giáo viên xứng đáng, song còn khó khăn
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Lê Văn Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường Dự bị đại học dân tộc Sầm Sơn cho rằng: “Tiêu chuẩn về xếp loại chất lượng tại Thông tư số 13 phù hợp với yêu cầu về cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ, bảo đảm lựa chọn được những giáo viên xứng đáng, có đóng góp được ghi nhận và sự nỗ lực phát triển nghề nghiệp trong thời gian giữ hạng.
Quy định cụ thể việc xác định thời gian giữ hạng chức danh nghề nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường trong việc tính thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề khi giáo viên đăng ký dự thăng hạng chức danh nghề nghiệp”.
Thầy Sơn cũng nhấn mạnh: “Các tiêu chuẩn trong xét hạng I và II của giáo viên dự bị đại học sẽ tạo cơ sở, mục tiêu, động lực để giáo viên phấn đấu. Việc này góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của nhà trường.
Về phía nhà trường, chúng tôi sẽ khuyến khích, tạo điều kiện cho giáo viên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giảng dạy thi đua, phấn đấu đạt được điều kiện tiêu chuẩn để xét thăng hạng”.
Cùng chia sẻ quan điểm về vấn đề trên, thầy Nguyễn Văn Toàn - Giáo viên môn Địa lý kiêm Bí thư Đoàn Trường Dự bị đại học Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá: “Thông tư số 13/2024/TT-BGDĐT là một bước tiến mới cho quản lý và phát triển đội ngũ giáo viên. Việc nâng cao tiêu chuẩn xét thăng hạng I và II cho giáo viên dự bị đại học sẽ mang lại cả cơ hội và thách thức mới cho đội ngũ giáo viên.
Các tiêu chuẩn rõ ràng, minh bạch sẽ tạo động lực giúp giáo viên phấn đấu, đặt ra yêu cầu cao hơn, như từ “hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên” thành “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” (ít nhất 2 năm).
Tiêu chuẩn xếp loại chất lượng để lên hạng I sẽ thúc đẩy giáo viên không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Điều này trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và hiệu quả đào tạo. Từ đó, sẽ tạo được một đội ngũ giáo viên có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của xã hội, cũng như nâng cao vị thế xã hội của nghề giáo”.
Mục tiêu của Thông tư số 13 hướng đến việc phát triển đội ngũ giáo viên có năng lực, đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của ngành giáo dục hiện đại. Tuy nhiên, theo đánh giá của các thầy cô, trên thực tế, yêu cầu này cũng gây ra một số khó khăn cho giáo viên.
Thầy Nguyễn Văn Toàn cho biết: “Việc nâng cao tiêu chuẩn sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh lớn hơn giữa các giáo viên. Giáo viên cần dành nhiều thời gian cho việc học tập, nghiên cứu và nâng cao trình độ.
Đặc biệt, có thể gây khó khăn cho những giáo viên đã có gia đình hoặc phải kiêm nhiệm, đảm nhận nhiều công việc khác. Chưa kể đến, có thể gây ra căng thẳng và ảnh hưởng đến tâm lý làm việc của một số người. Không phải tất cả các giáo viên đều có điều kiện như nhau để tiếp cận các nguồn lực học tập và nâng cao trình độ”.
Về phía Trường Dự bị đại học dân tộc Trung ương (Phú Thọ), thầy Nguyễn Tuấn Anh - Hiệu trưởng nhà trường cũng chia sẻ: “Một trong những tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hạng I có quy định: “Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hạng II và tương đương, có 5 năm công tác liền kề trước năm dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong đó có ít nhất 2 năm được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là một nội dung sẽ gặp nhiều khó khăn.
Lý do là ở tỉ lệ cán bộ, công chức, viên chức xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức tại cùng cơ quan, tổ chức đơn vị và đối với từng nhóm đối tượng có nhiệm vụ tương đồng không quá tỉ lệ đảng viên được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ theo quy định (không vượt quá 20%).
Thực tế diễn ra, sẽ có nhiều người trong 6 hoặc 7 năm liền kề trước năm dự xét thăng hạng, mới có thể đạt được 2 năm xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bên cạnh đó, đối với đội ngũ viên chức quản lý là cấp trưởng đơn vị, việc xếp loại chất lượng viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong 5 năm cũng rất khó khăn. Nguyên nhân chính là do xếp loại chất lượng của trưởng đơn vị không được vượt quá chất lượng xếp loại của đơn vị. Việc xếp loại chất lượng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của đơn vị cũng theo tỉ lệ không vượt quá 20% trong tổng số các đơn vị”.
Nhà trường tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên
Hiệu trưởng Trường Dự bị đại học dân tộc Trung ương cũng chia sẻ thêm: “Nhà trường xác định công tác nâng cao chất lượng đội ngũ là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong chiến lược phát triển. Bởi vậy, làm tốt công tác thăng hạng chức danh nghề nghiệp, sẽ tạo động lực cho giáo viên phát triển bản thân tốt hơn và hoàn thành tốt công việc được giao.
Hằng năm, nhà trường đều xây dựng kế hoạch, tổ chức chương trình tự đào tạo, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ nhà giáo. Cụ thể, nhà trường đã sáng tạo, triển khai chương trình “Thầy cô thay đổi”, “Giáo viên tâm huyết, sáng tạo” trong nhiều năm gần đây. Toàn bộ tiêu chí bám sát vào tiêu chuẩn xét thăng hạng nhằm mục đích tích lũy các tiêu chuẩn, tiêu chí cho đội ngũ giáo viên. Tránh tình trạng khi nhà trường có nhu cầu các vị trí việc làm giáo viên hạng II, hạng I nhưng giáo viên lại không đủ tiêu chuẩn điều kiện dự xét.
Ngoài ra, Trường Dự bị đại học dân tộc Trung ương cũng đã tiến hành xây dựng đề án vị trí việc làm và đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Việc này giúp xác định rõ cơ cấu, tỉ lệ, nhu cầu của nhà trường. Đồng thời, thông tin công khai với toàn thể giáo viên, để thầy cô cùng nhau phấn đấu và có lộ trình, kế hoạch phát triển trình độ chuyên môn của bản thân, đảm bảo đủ tiêu chuẩn điều kiện dự xét thăng hạng”.
Đồng quan điểm với thầy Tuấn Anh, thầy Lê Văn Sơn cũng cho rằng: “Chất lượng đội ngũ, chất lượng giáo dục - đào tạo sẽ được nâng lên khi tiêu chuẩn xét thăng hạng I và II với giáo viên ngày càng được nâng lên. Về phía Trường Dự bị đại học dân tộc Sầm Sơn, nhà trường sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên bằng những hành động cụ thể:
Thứ nhất, triển khai đầy đủ nội dung, quy định, điều kiện tiêu chuẩn của Thông tư số 13 cho đội ngũ giáo viên. Từ đó, giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch cá nhân, phấn đấu đạt được chức danh nghề nghiệp.
Thứ hai, nhà trường có lộ trình, số lượng cụ thể đối với giáo viên hạng II và hạng I theo quy định của Bộ Nội vụ. Việc này tạo điều kiện tối đa để giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy.
Thứ ba, tạo môi trường để giáo viên phát huy khả năng, năng lực cá nhân, phấn đấu đạt các danh hiệu thi đua, đảm bảo các tiêu chuẩn xét thăng hạng”.
Bên cạnh đó, ở góc độ các thầy cô muốn xét thăng hạng, thầy Nguyễn Văn Toàn cũng có một số chia sẻ: “Để đáp ứng được những yêu cầu, tiêu chuẩn mới về xét thăng hạng theo Thông tư số 13, giáo viên cần chuẩn bị kỹ lưỡng và có kế hoạch rõ ràng. Cụ thể: Trong quá trình chuẩn bị xét thăng hạng, phải xác định rõ các mục tiêu cần đạt và lập kế hoạch chi tiết với các mốc thời gian cụ thể, để thực hiện các mục tiêu đã đề ra.
Đồng thời, nâng cao trình độ chuyên môn, thường xuyên tham gia các khóa đào tạo, hội thảo, hội nghị chuyên đề để cập nhật kiến thức mới về phương pháp giảng dạy, công nghệ giáo dục, đổi mới chương trình... Tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo để nâng cao năng lực chuyên môn và đóng góp vào sự phát triển của ngành giáo dục.
Ngoài ra, mỗi giáo viên phải chuẩn bị đầy đủ các tài liệu liên quan đến quá trình công tác như: giáo án, bài giảng, sản phẩm dạy học, kết quả nghiên cứu... Hoàn thiện và cập nhật hồ sơ theo đúng mẫu quy định, đảm bảo tính chính xác và đầy đủ thông tin.
Cuối cùng, tích cực tham gia các hoạt động đổi mới, sáng kiến của nhà trường để nâng cao hiệu quả công việc. Xây dựng mối quan hệ tốt, hài hòa với đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh để tạo môi trường làm việc hiệu quả”.
Đề xuất sử dụng một số danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cao để thay thế
Hiệu trưởng Trường Dự bị đại học dân tộc Trung ương cũng bày tỏ: “Mục đích đưa ra điều kiện 2 năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là mong muốn chất lượng đội ngũ được tham gia dự xét phải tốt và rất tốt. Tuy nhiên, để đánh giá, có thể sử dụng thêm một số danh hiệu thi đua hoặc hình thức khen thưởng cao để thay thế cho phù hợp với thực tiễn, thực tế mà không làm ảnh hưởng tới chất lượng cũng như tiêu chuẩn điều kiện.
Để phù hợp hơn, có thể đề xuất trong 5 năm liền kề năm dự xét thăng hạng có ít nhất 2 năm xếp loại chất lượng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở trở lên hoặc được nhận bằng khen công trạng cấp Bộ trở lên”.