Đề xuất tạm dừng thi công Hồ chứa nước Đồng Thanh vì xuất hiện sụt lún
Loạt cơ quan, đơn vị vừa đề xuất tỉnh Lâm Đồng cho tạm dừng thi công Hồ chứa nước Đông Thanh vì gần khu vực thi công xuất hiện sự cố sụt lún, sạt trượt đất.
Sự việc bắt đầu vào rạng sáng ngày 1/7/2023. Lúc này, tại khu vực sườn đồi vai phải đập, nằm ngoài và sát với khu vực thi công xây dựng Gói thầu số 13, Hồ chứa nước Đông Thanh xuất hiện một số vết nứt có chiều rộng từ 20 cm đến 30 cm ngang qua khu vực sản xuất và sinh sống của 3 hộ gia đình. Theo kết quả quan trắc, các vết nứt phát triển nứt rộng theo từng ngày và xảy ra tình trạng sạt trượt, sụt lún đất.
Kết quả quan trắc đến ngày 28/7/2023, xuất hiện thêm nhiều vết nứt mới trong khu vực đất của 3 hộ gia đình nêu trên, chiều rộng của các vết nứt phát triển rộng đến 50 cm.
Vết nứt đã lan ra đến phạm vi thiết kế đường tránh ngập của Dự án. Theo chiều dọc, các vết nứt trên đã xảy ra tình trạng sụt lún đất, vị trí sụt lún đất lớn nhất là 1,5 m. Tình trạng sụt lún đất đã gây nứt và xô nghiêng nhà của hộ gia đình ông Đỗ Văn Tái, gây nứt tường và hè nhà của hộ ông Đỗ Văn Đam.
Ngày 20/7/2023, nơi này phát sinh các vết nứt về phía thượng lưu công trình, các vết nứt có chiều rộng từ 0,5 cm đến 10 cm ngang qua khu vực sản xuất và sinh sống của 2 hộ gia đình (1 hộ không có nhà ở và 1 hộ có nhà ở).
Kết quả quan trắc đến ngày 28/7/2023, xuất hiện thêm nhiều vết nứt mới trong khu vực đất của 2 hộ gia đình nêu trên, chiều rộng của các vết nứt phát triển rộng đến 30 cm và vết nứt đã lan ra đến phạm vi thiết kế đường tránh ngập của Dự án.
Theo chiều dọc, các vết nứt trên đã xảy ra tình trạng sụt lún đất, vị trí sụt lún đất lớn nhất là 0,5 m. Tình trạng sụt lún đất đã gây nứt tường nhà, sạt lở mái taluy và sụt lún toàn bộ phần sân bê tông nhà của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Thắng.
Từ ngày 28/7/2023 đến nay, tình hình diễn biến sạt, trượt tiếp tục có những biến động. Cụ thể: Cung trượt thứ nhất (từ nhà ông Đương đến giáp ranh đất nhà ông Đam) dài khoảng 60 m (gồm 3 vết nứt lớn, mỗi vết nứt cách nhau khoảng 8 m, chiều rộng vết nứt khoảng 5 m, chiều sâu đất sụt lún khoảng 4 m; Cung trượt thứ 2 (từ ranh đất nhà ông Đam đến ranh đất nhà ông Phương) dài khoảng 58 m (gồm 22 vết nứt, vết nứt trên đỉnh đồi rộng 2 m phát triển chậm, vết nứt giáp đường quản lý vận hành nứt rộng 5 m làm sạt mái taluy phần đất của nhà ông Đam); Cung trượt thứ 3 (từ ranh đất nhà ông Phương đến ranh đất nhà ông Thắng) dài khoảng 42 (gồm 1 vết nứt trên đỉnh đồi rộng 0,6 m, vết nứt phát triển chậm); Cung trượt thứ 4 (trong phạm vi đất nhà ông Thắng) dài khoảng 50 m (gồm 2 vết nứt, vết nứt trên đỉnh đồi rộng 0,4 m)…
Những ngày vừa qua, thời tiết mưa nhiều nên tình hình sạt trượt vẫn đang diễn biến rất phức tạp, khó lường. Theo thống kê, tổng số hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng là 9 hộ/ 53.800 m2 diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó có 5 hộ đã bị ảnh hưởng (4 hộ có nhà ở, 1 hộ không có nhà) trên diện tích 25.492 m2 đất sản xuất nông nghiệp; 4 hộ có nguy cơ bị ảnh hưởng do các vết nứt lan rộng (2 hộ có nhà ở) trên diện tích 28.308 m2 đất sản xuất nông nghiệp).
Trong ngày 1/7/2023, địa phương đã di dời 4 hộ dân có nhà bị ảnh hưởng đến nơi ở an toàn (hộ ông Đỗ Văn Tái và hộ ông Đỗ Văn Đam ở tại nhà quản lý vận hành công trình; hộ ông Nguyễn Mạnh Đương ở tại nhà của ông Nguyễn Văn Tuấn (em họ của ông Đương); hộ ông Nguyễn Văn Thắng ở tại nhà ông Nguyễn Văn Huyến (hàng xóm của ông Nguyễn Văn Thắng).
Tuy nhiên, xét thấy nhà quản lý vận hành của công trình cũng nằm trong khu vực nguy hiểm, có nguy cơ bị ảnh hưởng nếu tình trạt sạt lở đất xảy ra trên diện rộng, ngày 12/8/2023, UBND huyện Lâm Hà đã chỉ đạo Ban quản lý Dự án chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan bố trí, sắp xếp nơi ở mới cho 2 hộ gia đình này. Địa phương đang hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục có liên quan để bố trí đất tái định cư cho các hộ bị thu hồi đất theo quy định.
Về tác động đến cụm công trình đầu mối của Dự án Hồ chứa nước Đông Thanh đang triển khai thi công, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì hạng mục tràn xả lũ đang có sự biến động.
Cụ thể: Dốc nước số 1 xuất hiện khe nối giữa dốc nước số 1 và dốc nước số 2 phía vai phải bị tách rời phần đáy là 11 cm, phần tường là 6 cm; Dốc nước số 2 bị đẩy nổi 15 cm, đáy dốc nước xuất hiện 3 vết rạn nứt; Dốc nước số 3 bị đẩy nổi 43 cm, đáy dốc nước xuất hiện 3 vết rạn nứt; Dốc nước số 4 bị đẩy nổi 83 cm, đẩy nghiêng từ phải sang trái 1,03m;
Tại Khe nối giữa Dốc nước số 4 và đoạn nước rơi: Phía vai phải tường bị tách rời 2 cm, bê tông tường và đáy bị phá vỡ khoảng 6m2; Phía vai trái tường bị tách rời 14cm, đáy bị tách rời 12cm, tường dốc nước số 4 bị đẩy nổi 83 cm.
Đồng thời, Bể tiêu năng bị đẩy nổi 81cm, đẩy nghiêng từ phải sang trái 1,1 m, khe nối giữa tường bể tiêu năng và bậc nước số 1 bị tách rời 2 cm phía vai phải. Tấm mái số 2 của kênh xả hạ lưu cũng bị đẩy trồi khoảng 1 m.
Còn tại Hạng mục cống lấy nước thì kênh dẫn sau cống có 1 đốt 6m dài bị tách rời phần trước đó; mái bê tông gia cố thượng lưu bên phải Cửa lấy nước thì 3 tấm số 35, 34, 33 có dấu hiệu bị đất đẩy lưng.
UBND huyện Lâm Hà đã tổ chức triển khai thực hiện làm cơ sở đề xuất các giải pháp và biện pháp xử lý phù hợp đối với sự cố sụt lún, sạt trượt đất tại thôn Đông Anh, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà (gần khu vực thi công Hồ chứa nước Đông Thanh) huyện Lâm Hà.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho rằng, theo đánh giá sơ bộ thì sự cố sụt lún, sạt trượt đất tại thôn Đông Anh, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà (gần khu vực thi công Hồ chứa nước Đông Thanh) là do yếu tố thiên tai gây ra. Sự cố gây ảnh hưởng đến an toàn về tính mạng, tài sản, đất đai của người dân và đã tác động gây mất an toàn đến cụm công trình đầu mối Hồ chứa nước Đông Thanh đang thi công, nếu không được xử lý triệt để sẽ gây mất an toàn đến hồ chứa nước Đông Thanh trong giai đoạn thi công cũng như giai đoạn tích nước đi vào vận hành; tính mạng, tài sản của người dân và các lực lượng có liên quan khác.
“Đối chiếu quy định thì sự cố sụt lún, sạt trượt đất tại thôn Đông Anh, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà (gần khu vực thi công Hồ chứa nước Đông Thanh) thuộc tình huống khẩn cấp về thiên tai. Do tính cấp thiết để kịp thời xử lý sự cố sụt lún, sạt trượt đất nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản, đất đai của người dân và đảm bảo an toàn đối với cụm công trình đầu mối Hồ chứa nước Đông Thanh, nếu không kịp thời xử lý thì cung trượt sẽ tác động rất lớn đến cụm công trình đầu mối Hồ chứa nước Đông Thanh và không thể xử lý được (hiện mới tác động đến dốc nước tràn, hiện diễn biến cung trượt rất phức tạp có thể tác động đến đập đất, cống dưới đập…)”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đánh giá.
Từ những phân tích nêu trên, các bên (Sở Nông nghiệp và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, UBND huyện Lâm Hà và các đơn vị có liên quan) tham dự cuộc họp vào ngày 4/10/2023 đã thống nhất kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai; cho phép UBND huyện Lâm Hà lập dự án khẩn cấp khắc phục sự cố sụt lún, sạt trượt đất tại Thôn Đông Anh, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà (gần khu vực thi công hồ chứa nước Đông Thanh) đồng thời chỉ định đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm để tổ chức xác định nguyên nhân và đề xuất biện pháp xử lý để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Trên cơ sở phân tích các nội dung nêu trên, để khẩn trương xử lý sự cố sụt lún, sạt trượt đất tại thôn Đông Anh, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà (gần khu vực thi công hồ chứa nước Đông Thanh) để đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản, đất đai của người dân và đảm bảo an toàn đối với cụm công trình đầu mối hồ chứa nước Đông Thanh, các bên tham dự họp thống nhất đề xuất UBND tỉnh công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với sự cố sụt lún, sạt trượt đất tại thôn Đông Anh, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà; xem xét chấp thuận cho UBND huyện Lâm Hà lập Dự án Khẩn cấp khắc phục sự cố sụt lún, sạt trượt đất tại thôn Đông Anh, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà (gần khu vực thi công Hồ chứa nước Đông Thanh), trước mắt được chỉ định đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm để tổ chức xác định nguyên nhân và đề xuất biện pháp xử lý sự cố sụt lún, sạt trượt đất tại thôn Đông Anh, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà (gần khu vực thi công Hồ chứa nước Đông Thanh).
Kinh phí thực hiện ứng trước từ nguồn ngân sách địa phương và sẽ được tính trong tổng mức đầu tư khi thành lập Dự án Khẩn cấp khắc phục sự cố sụt lún, sạt trượt đất tại thôn Đông Anh, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà (gần khu vực thi công Hồ chứa nước Đông Thanh).
Sau khi có kết quả xác định nguyên nhân và đề xuất biện pháp xử lý sự cố sụt lún, sạt trượt đất tại thôn Đông Anh, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà (gần khu vực thi công Hồ chứa nước Đông Thanh) và tình hình thực tế theo đề nghị của UBND huyện Lâm Hà, các bên đã đề nghị UBND tỉnh xem xét Ban hành Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp để khắc phục sự cố.
Các bên cũng đề xuất UBND tỉnh chấp thuận tạm dừng thi công, công trình Hồ chứa nước Đông Thanh cho đến khi UBND huyện Lâm Hà thực hiện xong việc xác định nguyên nhân và đề xuất biện pháp xử lý sự cố sụt lún, sạt trượt đất tại thôn Đông Anh, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà (gần khu vực thi công Hồ chứa nước Đông Thanh) đảm bảo tích nước an toàn, ổn định lâu dài trong giai đoạn thi công cũng như trong giai đoạn quản lý vận hành.
Dự án Hồ chứa nước Đông Thanh có tổng mức đầu tư hơn 494 tỷ đồng. Trong đó, tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 137 tỷ đồng, tương ứng với diện tích chi trả gần 361.000 m2 đối với 65 hộ dân và 1 tập thể. Công trình Hồ chứa nước Đông Thanh hoàn thành và đưa vào sử dụng với năng lực tưới tiêu cho 700 ha đất sản xuất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt cho 7.500 hộ dân; cải tạo môi trường, kết hợp nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch cảnh quan…