Đề xuất phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3-5 tuổi

Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, thể hiện rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc chăm lo cho tương lai thế hệ trẻ.

Sáng 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi. Các đại biểu thống nhất cho rằng, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, không chỉ là chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non mà còn là bước tiến quan trọng trong hiện thực hóa công bằng giáo dục, thể hiện rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc chăm lo cho tương lai thế hệ trẻ.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, Chính phủ đề xuất quy định thực hiện phổ cập giáo dục mầm non đối với trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, trong đó có chính sách hỗ trợ chi phí học tập và hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ khi đến trường. Chính phủ dự kiến tổng dự toán kinh phí cho đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giai đoạn 2026 - 2030 là trên 116.000 tỷ đồng.

Tán thành với đề xuất của Chính phủ, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần “mạnh dạn” đề xuất thêm các chính sách để huy động nguồn lực cho giáo dục mầm non.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài Chính cho hay: "Chúng ta nên mạnh dạn thì mới huy động được nguồn lực xã hội để phát triển cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non. Tôi nghĩ chúng ta không nên băn khoăn về chuyện tốn bao nhiêu trăm ngàn tỷ cho việc này mà chúng ta thấy đây là việc cần làm thì mấy trăm ngàn tỷ, một triệu tỷ chúng ta cũng nên làm".

Đồng tình với quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng muốn thu hút được các nguồn lực xã hội hóa cũng cần có nguồn lực đầu tư của Nhà nước ban đầu.

"Chúng tôi cũng nhất trí là cần phải tăng cường huy động các nguồn lực xã hội hóa. Nếu xã hội hóa được đẩy mạnh thì chúng ta cũng tính đến phương án Nhà nước đầu tư ban đầu đất đai và xây dựng, sau đó hướng đến một chính sách về hợp tác công tư, giao đầu tư công và khai thác tư. Tuy nhiên, nếu điều này thực hiện được trong các chính sách đột phá sắp tới thì việc cần có nguồn ngân sách để đầu tư ban đầu cũng hết sức quan trọng, cho nên trong tính toán về nguồn lực để đảm bảo cơ sở vật chất cũng đã tính đến cơ sở vật chất đa dạng từ nhiều nguồn", Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nêu quan điểm.

Thông tin thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, sau khi Bộ Chính trị quyết định miễn học phí cho học sinh công lập cả nước từ năm học 2025 - 2026, thì Thường trực Ban Bí thư cũng đã có văn bản chỉ đạo Đảng ủy Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét mở rộng với học sinh trường dân lập, tư thục.

Thùy Linh

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/de-xuat-pho-cap-giao-duc-mam-non-cho-tre-tu-3-5-tuoi-323140.htm