Đề xuất nhiều giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn trong tình hình mới
Tiếp tục chương trình ngày làm việc thứ hai của Hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ chín khóa XII, sáng nay (16/7), các đại biểu tập trung thảo luận tại 5 tổ về những nội dung, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng của tổ chức Công đoàn Việt Nam sẽ triển khai thực hiện trong nửa cuối năm 2021 và nửa nhiệm kỳ còn lại thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2018-2023...
Chủ trì thảo luận tại tổ 1 có đồng chí Vũ Anh Đức - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Tổ chức Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Nguyễn Phi Thường - Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội; Nguyễn Thị Thủy Lệ - Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Việt Nam.
Phát biểu định hướng thảo luận, đồng chí Vũ Anh Đức đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận vào Dự thảo Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam và Dự thảo Báo cáo kết quả hoạt động công đoàn 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021; trong đó tập trung đánh giá những bất cập, vướng mắc, đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong năm 2021 và nửa nhiệm kỳ còn lại để đảm bảo thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam đã đề ra cho sát với thực tế, bối cảnh mới.
Bên cạnh đó, từ kinh nghiệm thực tiễn tại cơ sở, đề nghị các đại biểu góp ý, làm sâu sắc thêm Chương trình hành động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.
Về Tờ trình miễn đóng đoàn phí công đoàn, đề nghị các đại biểu cho ý kiến đóng góp để quy định đưa ra thực hiện tốt được chủ trương san sẻ khó khăn với đoàn viên, người lao động, nhưng đảm bảo sự chặt chẽ, tránh lạm dụng chính sách…
Thảo luận tại tổ, đồng chí Đỗ Thị Ninh Hường - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh đề nghị, trong đánh giá về Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, Tổng Liên đoàn cần nhấn mạnh và làm rõ thêm vai trò của tổ chức Công đoàn, đã chủ động, linh hoạt trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; tích cực chăm lo cho đoàn viên, người lao động trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường.
Đồng tình với ý kiến này, đồng chí Võ Mạnh Sơn - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa cho rằng: 6 tháng đầu năm, các cấp Công đoàn đã có các biện pháp tham gia phòng, chống dịch linh hoạt, hiệu quả; triển khai chăm lo cho đoàn viên, người lao động trong Tháng Công nhân thiết thực, hiệu quả. Đặc biệt, Tổng Liên đoàn cần bổ sung đánh giá và làm rõ thêm các hoạt động thi đua thiết thực, hiệu quả, có sức lan tỏa rộng đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động và các cấp Công đoàn triển khai hiệu quả, như: Chương tình “75 ngàn sáng kiến vượt khó, phát triển”, "Công nhân, viên chức, lao động với ngày hội toàn dân"…
Bày tỏ sự phấn khởi của cán bộ công đoàn khi Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 02-NQ/TW về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thị Ninh Hường cho rằng: Tổng Liên đoàn cần xem xét đưa vào Chương trình hành động của tổ chức Công đoàn một số điểm mới như: Thành lập tổ chức Công đoàn cơ sở để làm căn cứ thành lập tổ chức cơ sở Đảng; nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn cơ sở cơ sở... Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn cần xây dựng cơ chế, chính sách về thu hút, tuyển dụng cán bộ công đoàn trưởng thành từ cơ sở; quan tâm hơn công tác phát triển đảng viên trong doanh nghiệp, nhất là phát triển đảng trong những doanh nghiệp FDI...
Đồng tình với những đóng góp của Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh, đồng chí Nguyễn Phi Thường - Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội cho rằng: Việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam gộp Chương trình hành động thực hiện 2 Nghị quyết (Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị) là sự sáng tạo, kịp thời của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Phi Thường cho rằng, trong Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị có đề cập đến 2 mục tiêu, nhiệm vụ lớn đó là: Phát triển giai cấp công nhân lớn mạnh, hiện đại và phát triển tổ chức Công đoàn vững mạnh, toàn diện. Thế nhưng, trong Chương trình hành động, chúng ta mới tập trung vào nội dung đổi mới tổ chức, hoạt động của tổ chức Công đoàn, mà nội dung liên quan đến phát triển giai cấp công nhân lớn mạnh, hiện đại chưa rõ. Do đó, cần xây dựng Chương trình hành động đảm bảo 2 mục tiêu lớn với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cho phù hợp.
Nhấn mạnh nhiệm vụ đổi mới mạnh mẽ và thực chất tổ chức bộ máy và hoạt động Công đoàn là nhiệm vụ cốt lõi trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Phi Thường cho rằng, trong Chương trình hành động, các nhiệm vụ, giải pháp cho nhiệm vụ này còn phân tán, chưa rõ trọng điểm. Bên cạnh đó, trong Chương trình hành động cần làm rõ hơn vị thế, vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam - là cơ sở chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước, là cầu nối giữa giai cấp công nhân với Đảng, và quan trọng hơn là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường cũng nhấn mạnh tới nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Công đoàn trong thời gian tới là tập trung hướng về cơ sở, nhất là công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Theo đó, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội đề nghị, Tổng Liên đoàn cần quan tâm, sớm ban hành được cơ chế tuyển dụng cán bộ Công đoàn trưởng thành từ công nhân ưu tú, có kinh nghiệm tại cơ sở. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến cơ chế, chính sách, tạo động lực cho cán bộ công đoàn; ban hành hướng dẫn để cơ sở có thể chi ngân sách cho việc đại diện, bảo vệ người lao động...
Trong chương trình thảo luận tại các tổ sáng nay, các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn đã cho ý kiến, đề xuất bổ sung một số giải pháp về công tác tổ chức, đó là: Tổng Liên đoàn làm việc với Ban Tổ chức Trung ương về giao biên chế cán bộ công đoàn để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; tăng cường tập huấn cho cán bộ công đoàn cơ sở để đủ kiến thức, kỹ năng, đặc biệt về kiến thức về pháp luật, kỹ năng thương lượng tập thể để bảo vệ người lao động; có biện pháp quản lý đoàn viên đảm bảo hiệu quả...
Về công tác tài chính công đoàn, đề nghị Tổng Liên đoàn nghiên cứu ban hành chế độ mới để quản lý tài chính tại cơ sở được thuận lợi, dễ dàng, có cơ chế hỗ trợ cho người lao động nghỉ việc ở nhà để đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch nhưng không có quyết định cách ly…