Đề xuất mở 'Bệnh viện Chấn thương' quy mô 1.000 giường tại TPHCM

'Bệnh viện Chấn thương' được xây dựng với cơ sở mới thuộc cụm y tế chuyên sâu Tân Kiên, nơi đây tương lai sẽ có Trung tâm Cấp cứu 115 mới...

Bệnh viện Nhi đồng Thành phố là đơn vị đầu tiên thuộc Cụm Y tế Tân Kiên đưa vào vận hành vào năm 2018. (Ảnh: WestGate)

Lãnh đạo Sở Y tế cùng với lãnh đạo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP, đại diện lãnh đạo các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa đầu ngành của Thành phố (Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM, BV Bình Dân, BV Nhân Dân 115) đã thảo luận và thống nhất kiến nghị UBND TPHCM cho phép điều chỉnh lô đất có ký hiệu YT-5 (2,76 ha) thuộc khu 21 ha đất quy hoạch dành cho y tế dự kiến giao cho Bệnh viện Bình Dân xây dựng cơ sở 2 nay chuyển thành “Bệnh viện Chấn thương” với quy mô 1.000 giường.

Bên cạnh đó, các kiến nghị của Ngành Y tế Thành phố còn có các giải pháp cấp bách nhằm giúp giải quyết tình trạng quá tải kéo dài nhiều năm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng điều trị và sự hài lòng của cả người dân và nhân viên y tế đang công tác tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM.

Các chuyên gia y tế họp tại Sở Y tế đều thống nhất nhận định về sự cần thiết hình thành Bệnh viện Chấn thương tại cụm y tế chuyên sâu Tân Kiên.

Các ý kiến thảo luận của các chuyên gia tại buổi họp đều thống nhất cao với đề xuất này vì những lý do sau:

- Mô hình “Bệnh viện Chấn thương” sẽ đáp ứng nhu cầu chữa trị, chăm sóc cho người dân không may bị chấn thương do nhiều nguyên nhân khác nhau, cho dù bị chấn thương ở đầu, ở lồng ngực, bụng hay chấn thương ở chi, cột sống,… đều được tiếp nhận cấp cứu và điều trị tại bệnh viện này.
Bệnh viện sẽ được cấu trúc và đầu tư nguồn nhân lực, trang thiết bị, kỹ thuật theo nhiều chuyên khoa khác nhau (cấp cứu, gây mê, hồi sức, phẫu thuật theo nhiều chuyên khoa khác nhau,…)

- Về quy mô bệnh viện: cần đầu tư 1.000 giường, với quy mô này trong tương lai sẽ giúp giảm gánh nặng cấp cứu chấn thương cho các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thuộc cụm y tế trung tâm.

- Điều chỉnh này không ảnh hưởng đến phát triển cơ sở hạ tầng của Bệnh viện Bình Dân do Sở Y tế đã chính thức đề xuất Sở Kế hoạch Đầu tư bổ sung ưu tiên vốn cho Bệnh viện Bình Dân xây dựng mới thay cho những tòa nhà cũ đã xuống cấp ở ngay vị trí hiện hữu.

- Điều quan trọng hơn chính là các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa của Thành phố sẵn sàng chia sẽ nguồn nhân lực chuyên khoa cần có để “Bệnh viện Chấn thương” đi vào hoạt động hiệu quả nếu được Thành phố chấp thuận đầu tư cho bệnh viện này. Các chuyên khoa chủ lực không thể thiếu khi hình thành “Bệnh viện Chấn thương” bao gồm: Cấp cứu, Hồi sức, Gây mê, Ngoại Chấn thương Chỉnh hình, Ngoại thần kinh, Ngoại tổng quát, Ngoại lồng ngực, Ngoại niệu.

“Bệnh viện Chấn thương” được xây dựng với cơ sở mới tại khu YT-5 thuộc cụm y tế chuyên sâu Tân Kiên nằm cạnh các trục giao thông quan trọng của Thành phố đi các tỉnh miền Tây, trong tương lai gần sẽ có Trung tâm Cấp cứu 115 mới, Ngân hàng máu mới, Sân bay trực thăng đã được xây dựng đặt tại BV Nhi đồng Thành phố.

Nơi đây rất phù hợp cho hoạt động cấp cứu, can thiệp điều trị chấn thương. Khi tình trạng người bệnh ổn định, nếu cần tiếp tục điều trị chuyên khoa sâu sẽ được đưa về các bệnh viện chuyên khoa để tiếp tục chữa trị.

“Bệnh viện Chấn thương” ra đời, trong đó năng lực chủ lực là chấn thương chỉnh hình, sẽ giải quyết tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình hiện hữu đã gặp khó khăn trong thời gian rất dài vì chưa được đầu tư xây dựng lại, khi đó, toàn bộ bệnh viện hiện hữu sẽ di dời sang cơ sở mới của “Bệnh viện Chấn thương”.

Đối với vị trí hiện hữu của Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình hiện nay, Ngành Y tế kiến nghị Thành phố đầu tư xây dựng mới lại toàn bộ bệnh viện này để trở thành một Bệnh viện chuyên khoa Chỉnh hình đúng nghĩa, tập trung phát triển các kỹ thuật chuyên sâu ngang tầm các nước phát triển về chuyên khoa chỉnh hình, là trung tâm nghiên cứu, đào tạo nhân lực y tế chuyên sâu chỉnh hình cho cả khu vực.

Để đảm bảo hoạt động hiệu quả, một Trung tâm Chấn thương khi được thiết lập tối thiểu phải có: phòng cấp cứu chấn thương để đánh giá và hồi sức ban đầu, 2 phòng phẫu thuật cấp cứu, X quang can thiệp, 20 giường hồi sức tích (ICU) và 40 giường điều trị chấn thương, cùng với các trang thiết bị hồi sức cấp cứu chuyên biệt.

Các Trung tâm Chấn thương được bố trí các bác sĩ thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau được đào tạo về hồi sức chấn thương nâng cao (ATLS) và luôn ứng trực đảm bảo sẵn sàng 24/7 nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp cứu của bệnh nhân chấn thương nặng.

Trên thế giới, một số nước đã có mô hình bệnh viện chấn thương. Như tại Hàn quốc quy hoạch phát triển đến 17 Trung tâm chấn thương (tương đương BV Chấn thương) được phân bố trên 5 khu vực của cả nước, các Trung tâm Chấn thương được Chính phủ đầu tư đầy đủ các trang thiết bị và nhân sự phù hợp.

Cẩm Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/de-xuat-mo-benh-vien-chan-thuong-quy-mo-1000-giuong-tai-tphcm-post675135.html