Đề xuất miễn thuế cho startup 5 năm đầu từ lúc có lãi
Đại biểu Quốc hội đề xuất miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 5 năm từ khi có lãi, để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp (startup) vượt qua giai đoạn đầu khó khăn.

Đại biểu Trần Thị Vân, Đoàn tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Trang tin Quốc hội
Tại phiên thảo luận sáng 16/5 về dự thảo nghị quyết của Quốc về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) kêu gọi điều chỉnh chính sách thuế theo hướng dài hơi, phù hợp với chu kỳ phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Bà Vân khẳng định chính sách miễn, giảm thuế cần được thiết kế đúng lúc, đúng đối tượng để thực sự nuôi dưỡng hệ sinh thái khởi nghiệp, thay vì mang tính hình thức hoặc đến sai thời điểm.
Theo bà, điều này đặc biệt cần thiết trong bối cảnh dự thảo nghị quyết đang từng bước thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng về phát triển khu vực kinh tế tư nhân, như đã nêu trong Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành đầu tháng 5/2025.
Bà Vân đánh giá cao nỗ lực của ban soạn thảo trong việc đề xuất các nhóm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có ưu đãi thuế cho bốn nhóm đối tượng theo Điều 10 của dự thảo.
So với các biện pháp hỗ trợ khác như tín dụng, đất đai hay đào tạo, miễn giảm thuế có hiệu ứng nhanh, ít thủ tục, phù hợp với doanh nghiệp nhỏ, vừa và các startup vốn đang phải gồng mình vượt qua giai đoạn đầu đầy rủi ro.
Tuy vậy, bà cho rằng khung thời gian trong dự thảo - miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 2 năm và giảm 50% trong 4 năm tiếp theo - là quá ngắn và chưa đủ mạnh để khuyến khích doanh nghiệp.
Với đặc thù đầu tư dài hạn để nghiên cứu, phát triển sản phẩm, thử nghiệm mô hình kinh doanh, xây dựng công nghệ, tuyển dụng và giữ chân nhân sự chất lượng, kèm theo rủi ro cao khi thị trường biến động, nhiều startup không có lãi trong 5-7 năm đầu.
Do đó, bà đề xuất kéo dài thời gian miễn thuế lên 5 năm, tiếp đó giảm 50% trong 5 năm kế tiếp. “Chính sách thuế phải đồng hành cùng doanh nghiệp trong giai đoạn hình thành và tích lũy ban đầu”, bà nhấn mạnh.
Cùng hướng tiếp cận này, bà Vân kiến nghị nâng thời hạn miễn thuế thu nhập cá nhân lên 5 năm đối với chuyên gia, nhà khoa học làm việc tại doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Đây là nhóm nhân sự nòng cốt, trực tiếp tạo ra công nghệ và sản phẩm mới.
Theo bà, Việt Nam đang phải cạnh tranh với nhiều quốc gia trong việc thu hút chất xám, trong khi Thái Lan đã miễn thuế cá nhân đến 10 năm cho các chuyên gia trong 10 lĩnh vực công nghệ - sáng tạo chiến lược.
“Nếu không đủ hấp dẫn về chính sách, chúng ta sẽ đánh mất cơ hội thu hút nhân tài và khó tạo đột phá công nghệ”, bà nhấn mạnh.
Về cách tính thời điểm miễn thuế, bà Vân chỉ rõ hiện dự thảo đang đề xuất tính từ lúc cấp giấy đăng ký kinh doanh, trong khi thực tế doanh nghiệp thường chưa có lãi ở giai đoạn này.
Bà cho rằng cần miễn thuế từ thời điểm phát sinh lợi nhuận để tránh trường hợp doanh nghiệp chưa kịp có lãi thì thời hạn ưu đãi đã kết thúc. “Nếu không điều chỉnh, chính sách miễn thuế sẽ trở nên hình thức và không có hiệu quả”, bà cảnh báo.
Ngoài các ưu đãi thuế, đại biểu Bắc Ninh cũng nhấn mạnh vai trò của quyền sở hữu trí tuệ đối với doanh nghiệp khởi nghiệp. Theo bà, trong nền kinh tế tri thức, tài sản vô hình là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, nhiều startup tại Việt Nam chưa đủ năng lực để bảo vệ tài sản trí tuệ của mình, dẫn đến bị mất nhãn hiệu, tên miền hoặc không thể gọi vốn.
Vì vậy, bà đề xuất bổ sung vào dự thảo điều khoản hỗ trợ chi phí đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Đây không chỉ là biện pháp phòng ngừa rủi ro mà còn là chiến lược phát triển bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam trong sân chơi toàn cầu.
Dự thảo nghị quyết đang được tiếp tục hoàn thiện và dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp lần này.