Đề xuất cơ chế miễn trừ trách nhiệm cho cán bộ tham gia xử lý ngân hàng yếu kém
Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua có không ít cán bộ xin nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác khi được giao nhiệm vụ liên quan đến xử lý tổ chức tín dụng yếu kém do pháp luật không có cơ chế miễn trừ trách nhiệm trước các rủi ro pháp lý.
Bổ sung cơ chế can thiệp sớm tổ chức tín dụng yếu kém
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân đối với Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng (TCTD).
Liên quan đến xử lý các ngân hàng yếu kém, NHNN nêu nhiều vướng mắc, đồng thời đưa ra các định hướng sửa đổi, bổ sung.
Trong đó, NHNN cho biết, Luật các TCTD sửa đổi năm 2017 đã bổ sung quy định về việc áp dụng can thiệp sớm đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong một số trường hợp nhưng chưa được đặt vào kiểm soát đặc biệt.
Theo đó, trong trường hợp này, kể từ ngày nhận được văn bản áp dụng can thiệp sớm của NHNN, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải báo cáo NHNN thực trạng, nguyên nhân, phương án khắc phục tình trạng và tổ chức triển khai thực hiện phương án khắc phục tối đa là 01 năm.
Trường hợp TCTD được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, Luật các TCTD đã quy định về từng khâu, bước để thực hiện, bao gồm việc đánh giá thực trạng và quyết định chủ trương cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, xây dựng và phê duyệt phương án phục hồi; phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp; phương án giải thể; phương án chuyển giao bắt buộc; phương án phá sản…
Trên thực tế, thời gian qua đã có một số trường hợp ngân hàng TMCP yếu kém có thể xem xét, đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Tuy nhiên, sau khi đánh giá mức độ tác động, nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn, an ninh hệ thống ngân hàng, NHNN đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chưa kiểm soát đặc biệt các ngân hàng này. Thay vào đó, NHNN thực hiện giám sát các TCTD theo Quy chế giám sát tăng cường với các nội dung giám sát tương tự như giám sát đặc biệt.
Tuy nhiên, việc áp dụng quy chế giám sát tăng cường đối với các trường hợp này hiện nay chỉ là đặc thù, riêng lẻ, cần được quy định cụ thể hơn trong Luật các TCTD để áp dụng chung cho tất cả các trường hợp phát sinh ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống ngân hàng, an toàn, an ninh tiền tệ.
Do đó, NHNN cho rằng, để thực hiện được cơ chế can thiệp sớm phải xem xét bổ sung biện pháp hỗ trợ TCTD khắc phục các tồn tại, yếu kém dẫn đến việc áp dụng can thiệp sớm.
Đề xuất cơ chế miễn trừ trách nhiệm khi tham gia xử lý ngân hàng yếu kém
Liên quan đến vấn đề nhân sự khi tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, NHNN cũng chỉ ra một số bất cập.
Trong đó, Luật các TCTD hiện hành quy định: Cán bộ, công chức, người quản lý từ cấp phòng trở lên trong các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm từ 50% vốn điều lệ trở lên, trừ người được cử làm đại diện quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại tổ chức tín dụng không được là Kế toán trưởng, Giám đốc chi nhánh, Giám đốc công ty con của TCTD.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu các TCTD yếu kém, NHNN đã cử/chỉ định một số trường hợp là công chức hoặc các nhân sự lãnh đạo cấp phòng trở lên tại các NHTM do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (VietinBank, Vietcombank) tham gia tái cơ cấu và giữ các chức vụ trong HĐTV/HĐQT, Ban Điều hành, Ban kiểm soát tại một số TCTD bị kiểm soát đặc biệt (Ngân hàng Đông Á) và các ngân hàng mua bắt buộc (GPBank, OceanBank, CB).
Do đó, NHNN cho rằng để tạo hành lang pháp lý cho việc cử/chỉ định và tiếp nhận trở lại đơn vị cũ khi đã hoàn thành công tác, đồng thời không trái với các quy định tại Điều 33 Luật các TCTD thì cần có quy định ngoại lệ đối với nhóm đối tượng nêu trên.
Ngoài ra, NHNN cũng đề xuất cơ chế miễn trừ trách nhiệm cho các cán bộ thanh tra, giám sát trước các rủi ro pháp lý trong quá trình xử lý TCTD yếu kém.
Bởi vì theo cơ quan quản lý, việc xử lý TCTD yếu kém là vấn đề khó khăn, phức tạp và gây ra rủi ro pháp lý cho NHNN nói chung cũng như các cán bộ tham gia trực tiếp vào quá trình tái cơ cấu các TCTD được kiểm soát đặc biệt.
Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý cán bộ (trên thực tế có không ít cán bộ xin nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác khi được giao thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến xử lý TCTD yếu kém, bao gồm các việc tham gia BKS đặc biệt) do pháp luật không có cơ chế miễn trừ trách nhiệm cho các cán bộ này trước các rủi ro pháp lý. Điều này đã tác động và ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn nhân lực xử lý TCTD yếu kém, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả xử lý TCTD yếu kém.