Đề xuất cấm xuất cảnh với nợ thuế 10 triệu: Việt Nam thấp hơn các quốc gia khác?

Chuyên gia nhận định, đề xuất của Bộ Tài chính về việc hoãn xuất cảnh đối với cá nhân có nợ thuế từ 10 triệu đồng trở lên là ngưỡng khá thấp tại Việt Nam khi so với các quốc gia khác. Điều này có thể dẫn đến số lượng lớn người bị hạn chế xuất cảnh...

Đề xuất cấm xuất cảnh với nợ thuế từ 10 triệu với cá nhân và hộ kinh doanh - Ảnh minh họa

Đề xuất cấm xuất cảnh với nợ thuế từ 10 triệu với cá nhân và hộ kinh doanh - Ảnh minh họa

Bộ Tài chính hiện đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định chi tiết Điều 6, Khoản 9 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật. Theo dự thảo, từ ngày 1/1/2025, các cá nhân, hộ kinh doanh có nợ thuế quá hạn từ 120 ngày trở lên và với mức nợ từ 10 triệu đồng sẽ bị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc hợp tác xã, ngưỡng nợ thuế áp dụng là 100 triệu đồng.

Biện pháp này cũng được áp dụng đối với những cá nhân, hộ kinh doanh không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký nhưng vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế. Mục tiêu của dự thảo là tăng cường thu hồi nợ thuế và giảm tình trạng nợ đọng kéo dài, đặc biệt đối với các trường hợp người nợ không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký.

PHÙ HỢP TẠI VIỆT NAM NHƯNG VẪN Ở MỨC THẤP

Bà Nguyễn Thị Mai Dung, Giảng viên khoa Luật tại Học viện Ngân hàng, nhận định mức nợ thuế 10 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với doanh nghiệp là phù hợp với thực tế tại Việt Nam.

Cụ thể, ngưỡng 10 triệu đồng nợ thuế quá hạn tương xứng với mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân hiện nay là 11 triệu đồng. Đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mức nợ 100 triệu đồng không quá thấp để gây khó khăn trong kinh doanh nhưng cũng đủ tạo áp lực giúp doanh nghiệp tuân thủ nghĩa vụ thuế.

“Tuy nhiên khi so sánh với các quốc gia khác, ngưỡng nợ thuế này là khá thấp, dẫn đến nguy cơ số người bị ngăn xuất cảnh sẽ rất cao”, bà Nguyễn Thị Mai Dung, Giảng viên khoa Luật, Học viện Ngân hàng, lưu ý.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Dung, thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam hiện nay là 91.200.000 đồng/năm (theo Tổng cục Thống kê), trong khi ngưỡng nợ thuế cấm xuất cảnh đối với cá nhân là 10.000.000, chỉ chiếm gần 11% so với thu nhập.

Trong khi đó tại Mỹ, người nợ thuế trên 51.000 USD (khoảng 1,27 tỷ đồng) có thể bị Bộ Ngoại giao từ chối cấp hoặc thu hồi hộ chiếu.Tại Pháp, cá nhân rời khỏi nước này có thể phải chịu thuế xuất cảnh lên tới 30% trên thu nhập từ vốn và lãi suất. Còn tại Đài Loan, doanh nghiệp có nợ thuế quá 2 triệu Đài tệ (tương đương khoảng 1,57 tỷ đồng) sẽ khiến người đại diện pháp lý của doanh nghiệp bị hạn chế xuất cảnh.

CẦN LÀM RÕ VỀ THỜI GIAN NỢ THUẾ QUÁ HẠN

Một vấn đề đáng lưu ý là về thời gian xác định nợ thuế quá hạn. Dự thảo Nghị định quy định biện pháp tạm hoãn xuất cảnh sẽ áp dụng với các trường hợp nợ thuế quá hạn trên 120 ngày.

Cá nhân, chủ doanh nghiệp có thể tra cứu nợ thuế trên ứng dụng eTax hoặc Trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Cá nhân, chủ doanh nghiệp có thể tra cứu nợ thuế trên ứng dụng eTax hoặc Trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Dung, thời gian này là hợp lý để doanh nghiệp có thể kịp thu xếp tài chính và hoàn thành nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên, cần phải làm rõ việc tính thời gian này từ khi phát sinh giao dịch nợ thuế hay là sau khi đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế.

"So sánh với các quốc gia khác, ngưỡng nợ thuế từ 10 triệu là khá thấp, dẫn đến nguy cơ số người bị ngăn xuất cảnh sẽ rất cao” - Bà Nguyễn Thị Mai Dung.

Việc thông báo nợ thuế đến tay người nộp thuế cũng không kém quan trọng. Trong nhiều trường hợp, các thông báo về nợ thuế qua bưu điện hoặc tin nhắn có thể không đến được người nộp thuế đúng thời gian, gây khó khăn cho việc nhận diện và xử lý nợ thuế kịp thời.

Bộ Tài chính kỳ vọng việc hạ ngưỡng nợ thuế xuống 10 triệu đồng sẽ giúp nâng cao hiệu quả thu hồi nợ thuế, đồng thời không ảnh hưởng lớn đến môi trường kinh doanh. Bộ cũng thông báo rằng các biện pháp cưỡng chế, bao gồm tạm hoãn xuất cảnh, sẽ được áp dụng đối với các trường hợp có nợ thuế quá hạn trên 90 ngày. Hiện tại, các quyết định tạm hoãn xuất cảnh sẽ được công khai trên các nền tảng điện tử của ngành thuế và các ứng dụng etax, etaxmobile, giúp người nộp thuế tra cứu và xử lý kịp thời.

Theo thông tin từ Tổng cục Thuế, từ đầu năm đến nay, đã có hơn 6.500 trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế, gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái. Cơ quan thuế đã thu hồi được 1.341 tỷ đồng từ 2.116 người nộp thuế. Bộ Tài chính cho rằng việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh sẽ tạo động lực cho các cá nhân và tổ chức hoàn thành nghĩa vụ thuế, đồng thời hỗ trợ duy trì nguồn thu ngân sách quốc gia.

Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia, hãng hàng không và cơ quan xuất nhập cảnh cần phối hợp kiểm tra thông tin hành khách với danh sách tạm hoãn xuất cảnh. Khi phát hiện hành khách thuộc diện này, cơ quan chức năng cần thông báo ngay để họ có thời gian xử lý nợ thuế trước khi thực hiện chuyến bay, tránh gây lãng phí về chi phí và thời gian.

Nếu Dự thảo Nghị định được thông qua với ngưỡng nợ thuế tạm hoãn xuất cảnh quá thấp (so với thu nhập cá nhân và doanh thu doanh nghiệp) trong thời gian quá ngắn, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội.

Vì vậy, cần có sự tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo các quy định phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam và hài hòa với các quy định pháp luật khác. Điều này sẽ giúp các cá nhân, tổ chức dễ dàng thực hiện nghĩa vụ thuế, đồng thời giảm bớt chi phí quản lý thuế và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.

Như Quỳnh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/de-xuat-cam-xuat-canh-voi-no-thue-10-trieu-viet-nam-thap-hon-cac-quoc-gia-khac.htm