Đề xuất 3 phương án hoàn thiện khung pháp lý với phương tiện giao thông đường bộ

Bộ Giao thông vận tải đang đề nghị xây dựng Dự án Luật Đường bộ và một trong những đề xuất của Bộ là hoàn thiện khung pháp lý đối với phương tiện giao thông đường bộ.

Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) cho biết Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chỉ mới quy định xe cơ giới (chỉ bao gồm: xe ô tô, máy kéo, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc ..., chưa điều tiết đến phương tiện giao thông công nghệ mới, phương tiện giao thông đa tính năng) tham gia giao thông phải đảm bảo các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Đồng thời, giao Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới được phép tham gia giao thông; quy định trách nhiệm của chủ phương tiện, người lái xe ô tô đối với việc đảm bảo tình trạng an toàn kỹ thuật của phương tiện giữa hai kỳ kiểm định còn chung chung và chưa có chế tài rõ ràng.

Một trong những nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ là phải bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016 và Báo cáo chất lượng không khí năm 2017 của GreenID thì phát thải khí thải từ xe cơ giới được nhận định là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường trong không khí đô thị, trong đó xe mô tô, xe gắn máy là nguồn phát thải chất ô nhiễm lớn nhất.

Lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nhằm tổ chức quản lý, kiểm soát nguồn khí thải do hoạt động của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gây ra, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm không khí chỉ mới được áp dụng đối với xe ô tô, xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới, xe ô tô tham gia giao thông và xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu, chưa áp dụng đối với xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông.

Chính sách ưu tiên phát triển vận tải công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân ở các thành phố chưa phát huy được vai trò trong thực tế.

Phương tiện giao thông đường bộ

Phương tiện giao thông đường bộ

Từ những vấn đề nêu trên, Bộ GTVT tải đưa ra hai phương án để giải quyết.

- Phương án 1: giữ nguyên các quy định về xe cơ giới tham gia giao thông phải đảm bảo các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, kiểm tra, thử nghiệm, đánh giá linh kiện, phụ tùng trong sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu phương tiện giao thông, tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới, phát triển vận tải công cộng và sử dụng phương tiện giao thông cá nhân như quy định hiện hành.

- Phương án 2: quy định khung pháp lý về quản lý chất lượng, an toàn kỹ thuật của phương tiện giao thông cơ giới, trong đó có phương tiện giao thông công nghệ mới, phương tiện giao thông đa tính năng; khung pháp lý về kiểm tra thử nghiệm đánh giá linh kiện, phụ tùng trong sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu phương tiện giao thông, trách nhiệm của chủ phương tiện và người lái phương tiện cơ giới trong việc bảo dưỡng kỹ thuật, sửa chữa phương tiện để đảm duy trì tình trạng an toàn kỹ thuật của phương tiện và bảo vệ môi trường khi tham gia giao thông đường bộ.

- Phương án 3: quy định về tiêu chuẩn khí thải.

Sau khi đánh giá các tác động của ba phương án nêu trên, Bộ cho biết cả hai phương án 2 và 3 đều phù hợp để tăng cường sự kiểm tra, giám sát các tiêu chuẩn về kỹ thuật an toàn và bảo vệ môi trường, tạo cơ sở pháp lý cho việc sản xuất, sử dụng các phương tiện giao thông cơ giới phù hợp với sự phát triển và tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực phương tiện giao thông vận tải.

QUỲNH LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/de-xuat-3-phuong-an-hoan-thien-khung-phap-ly-voi-phuong-tien-giao-thong-duong-bo-post677023.html