Để vấn đề môi trường thành tiêu chí bền vững trong chế biến lâm sản tại Quan Hóa
Với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, sự giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương, tình trạng ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất, chế biến lâm sản trên địa bàn huyện Quan Hóa đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã tập trung đầu tư hệ thống xử lý môi trường một cách đồng bộ, đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động phát triển ổn định, bền vững.
Theo thống kê trên địa bàn huyện Quan Hóa có khoảng 20 cơ sở chế biến lâm sản, trong đó có 8 cơ sở liên quan đến hoạt động ngâm ủ bột giấy, vàng mã. Thời gian qua, với sự quyết liệt từ các cấp, ngành chức năng trong phát hiện, xử lý vi phạm về môi trường, nhiều đơn vị đã đầu tư hệ thống xử lý một cách đồng bộ, đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động phát triển ổn định, bền vững. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, có vị trí nằm sát với khu dân cư, thậm chí xen kẽ trong khu dân cư không chỉ gây tiếng ồn, mà ô nhiễm từ khói và bụi bặm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, cần sớm có giải pháp.
Đơn cử, tại xã Phú Thanh các cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản chủ yếu có quy mô hộ gia đình, hoạt động gần khu dân cư. Do quy mô nhỏ, quỹ đất chật hẹp, lao động chủ yếu sản xuất theo hình thức thủ công nên việc đầu tư hệ thống xử lý môi trường còn nhiều hạn chế. Anh T. - một người dân sống gần các xưởng sản xuất ở xã Phú Thanh cho biết: Nếu như trước kia các đơn vị này sử dụng phương pháp ngâm ủ, nguồn nước thải không được xử lý đổ ra môi trường gây ô nhiễm, thì ngày nay các đơn vị chủ yếu sản xuất bằng hình thức ủ, sấy... Quá trình này có sử dụng lưu huỳnh để ủ, tẩy trắng nguyên liệu. Khi đưa vào hệ thống sấy, phần khói thải không được lọc xử lý trước khi ra môi trường nên có mùi khét, phát tán vào khu dân cư, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Anh T. kiến nghị, để đảm bảo hoạt động chế biến lâm sản không làm ảnh hưởng đến khu dân cư một cách bền vững, các cấp, ngành chức năng cần sớm có phương án bố trí đưa các cơ sở này vào các khu sản xuất tập trung.
Trước đó, năm 2021 do không đảm bảo tốt về công tác bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động ngâm ủ bột giấy, vàng mã, 8 cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn huyện Quan Hóa đã bị buộc phải dừng hoạt động từ ngày 30-4-2021. Ngay sau khi buộc dừng hoạt động, UBND huyện Quan Hóa đã thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chấp hành tạm dừng hoạt động của các cơ sở chế biến lâm sản vi phạm này. Đồng thời phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở tập trung xây dựng các công trình xử lý nước thải ra môi trường đúng quy chuẩn, hoàn thiện đầy đủ hồ sơ, thủ tục.
Xác định để có thể hoạt động trở lại, một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải, phá hủy toàn bộ hệ thống xử lý nước thải cũ, lạc hậu nằm cạnh bờ sông Mã. Đến nay, đã có 5 doanh nghiệp được hoạt động trở lại. Còn một doanh nghiệp do khó khăn về nguồn kinh phí đầu tư, chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường nên chưa được cấp phép hoạt động trở lại.
Ông Tống Văn Hoan, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại vận tải Hoàng Vân cho biết: Công ty bị đình chỉ vào tháng 4-2021, đến tháng 4-2022 được hoạt động trở lại. Việc dừng hoạt động đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc làm của hàng chục lao động; đồng thời làm chậm quá trình tiêu thụ cây luồng cho bà con Nhân dân. Vẫn biết đầu tư về môi trường mặc dù rất tốn kém nhưng đơn vị xác định đây là việc đầu tư lâu dài, giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất, nâng cao hiệu quả, đảm bảo sản xuất ổn định, bền vững.
Cũng theo ông Hoan, công ty đã đầu tư các hạng mục như máy ép bùn, sân phơi, hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn khép kín; hệ thống bể lắng lọc trước khi đưa vào xử lý... với tổng chi phí hơn 3 tỷ đồng.
Được biết, để chủ động phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm trên lĩnh vực môi trường tại các cơ sở chế biến lâm sản, thời gian qua lực lượng cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Thanh Hóa đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường một cách tích cực. Đồng thời, chủ động phối hợp với các ngành chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức, trách nhiệm của cán bộ, Nhân dân đối với công tác bảo vệ môi trường trong chế biến lâm sản.
Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quan Hóa Trương Công Tuấn cho biết: Hiện nay ý thức chấp hành quy định bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, cơ sở đã được nâng lên so với những năm trước đây, tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài tại một số cơ sở sản xuất lớn đã được xử lý dứt điểm. Huyện cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn xây dựng phương án bảo vệ môi trường phù hợp với tình hình ở mỗi địa phương. Đồng thời, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các doanh nghiệp, chủ các cơ sở trong công tác bảo vệ môi trường.
Trong năm 2023, UBND huyện Quan Hóa cũng đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch chấn chỉnh. Cụ thể như, Kế hoạch số 13/KH-UBND, ngày 31-1-2023 kiểm tra, xử lý việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân, trên địa bàn huyện; ngày 10-3-2023 UBND huyện Quan Hóa tiếp tục ban hành Quyết định số 282/QĐ-UBND về việc thành lập tổ kiểm tra, xử lý việc chấp hành công tác bảo vệ môi trường và xây dựng công trình đối với các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn huyện năm 2023.
“Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật không đảm bảo điều kiện hoạt động như giấy phép môi trường; cam kết bảo vệ môi trường; đề án bảo vệ môi trường; kế hoạch bảo vệ môi trường; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, báo cáo giám sát môi trường định kỳ... tổ sẽ tổng hợp, đề xuất phương án báo cáo Chủ tịch UBND huyện giải quyết theo quy định pháp luật”, ông Tuấn khẳng định.