Để tổng đài bảo vệ trẻ em 111 phát huy hiệu quả

Mặc dù Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) có Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111, nhưng thực tế còn nhiều người không hiểu về cơ chế hoạt động của tổng đài nên chưa phát huy được hiệu quả của việc bảo vệ trẻ em bằng công nghệ số.

Nhiều người chưa biết tổng đài 111

Tổng đài 111 là Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (người dưới 16 tuổi) trực thuộc Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH). Sau hơn hai năm hoạt động (thường trực 24/7, miễn phí đối với người gọi), số cuộc gọi của người dân và trẻ em đến tổng đài 111 ngày càng nhiều hơn.

Theo báo cáo của Cục Trẻ em, 6 tháng đầu năm 2020, tổng đài tiếp nhận 394.458 cuộc gọi, trong đó có hơn 14.000 ca tư vấn và 407 trường hợp cần hỗ trợ, can thiệp. Độ tuổi của trẻ được người gọi quan tâm nhiều nhất là nhóm 11-14 tuổi (chiếm 30%). Trong số 407 ca hỗ trợ, can thiệp cho trẻ có tới 195 ca bạo lực trẻ em, trong đó bị bạo lực bởi người thân trong gia đình chiếm tỷ lệ cao nhất. Báo cáo cũng chỉ ra số cuộc gọi liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tăng lên so với cùng kỳ năm trước. Phụ huynh và trẻ em mong muốn được tổng đài hướng dẫn cách bảo vệ an toàn cho trẻ khi tham gia môi trường mạng, cách giải quyết khi trẻ bị xâm hại, bị bắt nạt, nói xấu, bị xúc phạm trên mạng.

Các nhân viên tổng đài 111 trực 24/7 để tư vấn cho người dân về bảo vệ trẻ em. Ảnh: KIỀU TRANG

Tuy nhiên, theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, thời gian qua, còn một số vụ việc xâm hại trẻ em nghiêm trọng nhưng chưa được kịp thời ngăn chặn, can thiệp do người dân và trẻ em không biết số điện thoại 111 để thông báo, tố giác. Nhắc lại câu chuyện cháu bé 3 tuổi ở Hà Nội bị chính mẹ đẻ, bố dượng bạo hành dẫn đến cái chết thương tâm đầu tháng 4-2020, ông Đặng Hoa Nam chia sẻ: “Giá như bà ngoại cháu bé, hàng xóm biết đến số tổng đài 111 thì chắc chắn các lực lượng chức năng sẽ vào cuộc hỗ trợ cháu bé kịp thời. Bởi sau này khi báo chí đến phỏng vấn, bà ngoại nói đến thăm nhưng không gặp được cháu, người dân xung quanh cũng nói có nghe tiếng kêu khóc nhưng cứ nghĩ trẻ con khóc là bình thường. Kết quả, sau những tiếng khóc đó là cái chết của bé...”.

Rõ ràng, nếu người dân, người chăm sóc trẻ và bản thân trẻ hiểu rõ về tổng đài 111, gọi đến ngay khi có những nghi vấn hoặc phát giác vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em thì sẽ có hành động khẩn cấp được triển khai, lúc đó chính quyền sẽ nhanh chóng vào cuộc, vụ việc được xác minh và có sự can thiệp tích cực...

Từ thực tế một số vụ việc xâm hại trẻ em nghiêm trọng chưa được kịp thời ngăn chặn, can thiệp do người dân và trẻ em không biết số điện thoại 111 để thông báo, tố giác đã cho thấy cần phải tăng cường truyền thông về tổng đài 111 nhiều hơn nữa.

Nâng cao năng lực, trách nhiệm của người làm công tác bảo vệ trẻ em

Trẻ em là đối tượng dễ bị lạm dụng và bị tổn thương. Trong độ tuổi này, hầu hết các em đều chưa hiểu biết về pháp lý và cũng không có nhiều mối quan hệ để giúp mình giải quyết vấn đề. Trẻ nhỏ dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng và hoàn toàn không có các kỹ năng phòng vệ hoặc giải quyết vấn đề. Khi đối mặt với những tình huống này, hầu hết các em đều âm thầm chịu đựng do không biết tìm sự trợ giúp từ đâu, sợ xấu hổ, sợ bị trách mắng, không có tiền... Hậu quả là các em bị kẻ xấu thao túng, lạm dụng trong thời gian dài và bị ảnh hưởng nghiêm trọng cả về thể chất lẫn tinh thần. Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân An Việt, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, bộ đang triển khai nhiều biện pháp để phòng, chống bạo lực học đường; đồng thời có nhiều định hướng giáo dục trẻ những biện pháp, cách thức để tự bảo vệ.

Theo ông Nguyễn Hoa Nam, hiện vẫn còn khá nhiều khó khăn trong quá trình hỗ trợ, can thiệp bảo vệ trẻ em, chẳng hạn như dịch Covid-19 kéo dài dẫn đến một số vụ việc kết nối, can thiệp cho trẻ em liên quan tới trường học bị chậm trễ; việc xác minh, tiếp xúc với trẻ em và gia đình gặp khó khăn, đưa trẻ đi thăm khám bị trì hoãn... Nhóm trẻ em ăn xin thường xuyên di chuyển trên nhiều địa bàn nên tổng đài phải kết nối với nhiều xã, phường khác nhau, cán bộ trẻ em xã, phường đi xác minh thì các em đã di chuyển sang địa bàn khác dẫn đến thời gian kết nối bị kéo dài. Trong khi đó, việc cập nhật thông tin hỗ trợ, can thiệp cho trẻ từ địa phương còn chậm. Cán bộ địa phương thiếu hợp tác với tổng đài vẫn diễn ra, thường trả lời là bận, phải kiêm nhiệm nhiều việc. Ví dụ cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em xã Phước Thái, huyện Long Thành (Đồng Nai) sau 3 tuần không sắp xếp đến thăm trẻ em bị bạo hành phải nằm viện điều trị. Hoặc trường hợp tại xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú (An Giang), khi tổng đài chuyển thông tin trẻ em bị dâm ô tại xã thì người làm công tác trẻ em cấp xã khẳng định không có vụ việc này trên địa bàn. Nhân viên tư vấn trao đổi, cán bộ mới tiếp nhận một cách miễn cưỡng, không hợp tác. Sau 13 ngày tiếp nhận thông tin mới đến gia đình xác minh, không tiến hành đánh giá nguy cơ, lập kế hoạch hỗ trợ trẻ em... Hoặc cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em xã Xuân Khang (Như Thanh, Thanh Hóa) từ chối tiếp nhận trường hợp trẻ bị xâm hại tình dục đến mang thai, cùng trường hợp này, cán bộ Phòng LĐ-TB&XH huyện Như Thanh yêu cầu có công văn mới tiếp nhận. Còn cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em xã Tân Hương (Tân Kỳ, Nghệ An) từ chối tiếp nhận trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục với lý do không biết đến tổng đài 111...

Điều này cho thấy, bên cạnh việc tăng cường các hệ thống, mạng lưới bảo vệ trẻ em của nhiều cơ quan, bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp, cần tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của người làm công tác bảo vệ trẻ em về quy trình hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em; nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em địa phương... Cần có quy định về tiêu chuẩn cán bộ bảo vệ trẻ em, thời gian tối thiểu để bảo đảm hiệu quả đào tạo và làm việc.

DIỆP CHÂU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/de-tong-dai-bao-ve-tre-em-111-phat-huy-hieu-qua-636410