Để thay đổi những con số không mong muốn
Năm 2020 lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng và buôn lậu Công an tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 350 vụ liên quan đến 418 trường hợp vi phạm, phạm tội về kinh tế, tham nhũng, tăng 42 vụ, 85 đối tượng so với năm 2019; khởi tố 47 vụ, 79 bị can về kinh tế, tham nhũng, thu giữ tang vật, tài sản trị giá nhiều tỷ đồng.
3 cán bộ xã Hà Vinh (Hà Trung) lợi dụng chức vụ, quyền hạn lập khống hồ sơ đất đai đã phải nhận những bản án thích đáng trong năm 2020.
Đây là con số thể hiện sự quyết liệt trong đấu tranh của lực lượng chức năng đối với một tệ nạn nguy hiểm trong xã hội, thế nhưng đằng sau con số ấy là nỗi buồn không nhỏ. Đó là nỗi buồn về việc mất mát cán bộ; về tình trạng còn có sự buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát ở một số cơ quan, đơn vị dẫn đến không ngăn chặn được từ sớm các hành vi vi phạm.
Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng là cuộc chiến dài hơi và cam go, cần phải có sự nhận thức đầy đủ, vào cuộc đồng bộ, đấu tranh quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó bên cạnh trách nhiệm điều tra, xử lý của các cơ quan bảo vệ pháp luật, còn cần đến sự giám sát hiệu quả của các tổ chức đoàn thể, hệ thống thanh tra Nhân dân, để tạo nên một sức mạnh tổng hợp nhằm ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm. Thế nhưng rõ ràng là với những gì xảy ra, cho thấy nhiệm vụ này vẫn còn có những tồn tại nhất định.
Thực hiện các quy định về phòng, chống tham nhũng, thời gian qua công tác bồi dưỡng chính trị, nâng cao ý thức xây dựng đơn vị, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được đưa vào quy chế của từng cơ quan, tổ chức, gắn với từng vị trí việc làm, cán bộ thực hiện kiểm điểm và kê khai tài sản hàng năm... Một “hàng rào” phòng vệ được dựng lên, nhưng bởi còn có những cán bộ chưa thực hiện nghiêm dẫn đến “lỗ thủng” vẫn xuất hiện.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020 vừa diễn ra, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã yêu cầu phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”, một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám tham nhũng”, một cơ chế để “không cần tham nhũng”.
Để thực hiện yêu cầu này, mọi cơ quan, đơn vị phải xây dựng và thực hiện tốt hơn văn hóa công vụ nhằm bảo đảm tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch, hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ. Cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên phải coi công tác phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Phải kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu các hành vi sai phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.
Cùng với việc tạo ra một cơ chế giám sát ngay từ cơ sở, trong từng cơ quan, đòi hỏi các cơ quan thanh tra và bảo vệ pháp luật kiên quyết hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ. Có như thế mới hy vọng ngăn chặn được tình trạng tham nhũng, góp phần làm thay đổi con số thống kê sau mỗi năm.