Để rừng mãi xanh
Yên Lập là địa phương có diện tích đất rừng và quy hoạch lâm nghiệp lớn của tỉnh với trên 30.000ha, chiếm hơn 70% diện tích tự nhiên của huyện, trong đó rừng đặc dụng 330ha, rừng phòng hộ gần 9.000ha, rừng sản xuất trên 18.000ha. Công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn luôn được huyện Yên Lập chú trọng, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu.
Công ty Lâm nghiệp Yên Lập kiểm tra giống cây keo cho vụ trồng rừng mới năm 2023.
Những ngày qua, trời có mưa, độ ẩm cao rất thuận lợi để người dân các địa phương, Công ty Lâm nghiệp trên địa bàn huyện Yên Lập nhanh chóng xuống giống, bắt tay trồng rừng vụ Xuân. Công ty Lâm nghiệp Yên Lập hiện đang quản lý 2.003ha rừng trên địa bàn huyện Yên Lập, trong đó trên 1.500ha là rừng sản xuất. Đại diện Công ty cho biết, vụ trồng rừng năm 2023, Công ty trồng mới 210ha rừng, chủ yếu là keo, bạch đàn. Chuẩn bị trồng rừng, Công ty chỉ đạo, hướng dẫn công nhân dọn thực bì, cuốc hố, chuẩn bị hiện trường, giống cây để xuống giống. Đến nay, công tác chuẩn bị giống, phân bón phục vụ trồng rừng mới của Công ty đã hoàn tất; các công nhân cuốc được 80.000 hố (40ha), khoảng đầu tháng Hai âm lịch sẽ tiến hành trồng rừng.
Năm 2023, theo kế hoạch Yên Lập trồng mới 1.200ha rừng tập trung, 320.0000 cây phân tán. Để đảm bảo tiến độ theo kế hoạch trồng rừng vụ Xuân, cuối tháng 11 âm lịch, Hạt Kiểm lâm, các địa phương đã đôn đốc, hướng dẫn người dân khai thác rừng trồng, xử lý thực bì, cuốc hố, chuẩn bị cây giống, sẵn sàng xuống giống khi thời tiết thuận lợi.
Đồng chí Nguyễn Hải Âu- Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Yên Lập thông tin: Đơn vị chỉ đạo cán bộ kiểm lâm địa bàn phối hợp với chính quyền các địa phương theo dõi diễn biến, khai thác rừng trồng, trên cơ sở đó thực hiện khảo sát, thiết kế rừng trồng để người dân cuốc hố, chuẩn bị hiện trường cho vụ trồng rừng mới; đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các vườn ươm, sản xuất giống lâm nghiệp trên địa bàn chủ động chuẩn bị cây giống, đáp ứng nhu cầu trồng rừng vụ Xuân của người dân. Đồng thời, ngành Kiểm lâm cũng báo cáo phương án, tham mưu cho UBND huyện ban hành kế hoạch thực hiện “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Quý Mão năm 2023. Chủ động chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng cho vụ trồng rừng mới nên sau buổi phát động thực hiện Tết trồng cây, toàn huyện trồng mới 264ha rừng tập trung, 236.000 cây phân tán.
Để công tác phát triển rừng đạt hiệu quả cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, Yên Lập chú trọng thông tin, tuyên truyền, khuyến khích người dân trồng rừng theo các chương trình, dự án, đề án của tỉnh, huyện để nhận hỗ trợ giống cây, phân bón như: Dự án trồng, chuyển hóa cây gỗ lớn, trồng quế theo chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết số 22/2021/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh. Năm 2022, toàn huyện có 45ha rừng gỗ lớn chuyển hóa, 230ha quế được nghiệm thu, hỗ trợ theo chương trình, dự án của tỉnh. Năm 2023, Yên Lập tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn, các ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân triển khai thực hiện các dự án trồng rừng gỗ lớn, mở rộng diện tích trồng quế; khuyến khích các doanh nghiệp, gia đình liên kết đầu tư trồng rừng gỗ lớn để phát triển diện tích rừng gỗ lớn, rừng quế trên địa bàn, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm nghèo ở địa phương.
Song song với đó, để vụ trồng rừng mới đạt hiệu quả, cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, cán bộ kiểm lâm địa bàn tích cực thông tin, khuyến cáo người dân lựa chọn cơ sở, đơn vị cung cấp giống cây, phân bón uy tín đã được cấp phép để đảm bảo chất lượng giống cây lâm nghiệp cho trồng rừng vụ mới.
Đi đôi với phát triển rừng, công tác quản lý, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng huyện Yên Lập thực hiện đồng bộ, quyết liệt. Với trò là lực lượng nòng cốt cùng nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ rừng, Hạt Kiểm lâm huyện đã chỉ đạo Kiểm lâm phụ trách địa bàn cùng với các tổ bảo vệ rừng tăng cường tuần tra, bảo vệ rừng, tuyên truyền cho người dân thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, đặc biệt là công tác phòng cháy chữa cháy rừng tại các khu vực có nguy cơ cao, mùa nắng nóng, hanh khô. Hiện nay đang trong giai đoạn cao điểm người dân xử lý thực bì, cải tạo đất cho vụ trồng rừng mới, lực lượng kiểm lâm tích cực đề nghị, thông tin, hướng dẫn các hộ chấp hành nghiêm túc các biện pháp phòng cháy chữa cháy, không để xảy ra hiện tượng cháy lan vào rừng khi xử lý thực bì bằng phương pháp đốt...
Khánh Duy
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//nong-lam-nghiep/de-rung-mai-xanh/190731.htm