Để mùa bơ thực sự 'chín' (kỳ 2): Chưa hết bấp bênh

Dù có nhiều ưu điểm trong sản xuất, nhưng thực tế, cây bơ ở Đắk Nông vẫn còn bấp bênh nhiều mặt.

Sâu bệnh, mất mùa

Theo ông Lê Văn Hưng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ Bơ M’nông (Gia Nghĩa), dù đã có không ít kinh nghiệm trong việc trồng, chăm sóc, nhưng vườn bơ của ông vẫn bị sâu bệnh tấn công rất nhiều, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển, đậu quả.

Không ít cây bơ "chết đứng" sau khi thu hoạch của Công ty TNHH MTV DV Bơ M'nông (Tp.Gia Nghĩa)

Vườn bơ của ông Hưng dù cho quả sai, nhưng nhiều quả bị úng nước. Không ít cây đang phát triển bình thường thì chỉ trong thời gian ngắn bị chết. Tình trạng cây bơ bị sâu đục thân, nấm, rụng quả vào mùa mưa cũng xảy ra thường xuyên, gây thất thoát khá lớn về kinh tế.

Còn theo ông Vũ Văn Thủy, xã Thuận Hạnh (Đắk Song), giống bơ mà gia đình ông trồng chủ yếu mua từ các điểm cung cấp giống trôi nổi trên thị trường, nên chất lượng không cao, dễ chết, hay mắc bệnh thối thân.

Một trang trại trồng bơ booth tại xã Đắk Ha (Đắk Glong) không hiệu quả phải cưa ghép giống khác

Những năm gần đây, do ảnh hưởng của thời tiết, nên thời kỳ bơ ra hoa, đậu quả không được thuận lợi như trước. Cùng với nguyên nhân do các loại sâu bệnh tấn công, nên bơ đậu quả ngày càng ít hơn, những giống bơ khó tính như booth, hass tỷ lệ đậu quả giảm 20-50% so với trước.

Giá ngày càng đi xuống

Diện tích bơ tăng, sản lượng bơ cũng tăng mạnh, trong khi kênh tiêu thụ của nông dân hiện nay là chưa nhiều. Ngoài tiêu thụ nội địa, bơ chủ yếu được xuất khẩu qua 4 thị trường truyền thống là Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc. Do đó, chỉ cần có những biến động trên thị trường thì giá bơ lập tức rớt xuống, khiến cho người trồng bơ phải chịu cảnh thua lỗ.

Năm 2020, giá các loại bơ xuống thấp nhất trong vòng 10 năm qua

Điển hình nhất là vụ thu hoạch bơ năm 2020, giá bơ rớt xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Ông Huỳnh Văn Thanh, tổ dân phố 6, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa), trồng xen hơn 200 cây bơ trong rẫy cà phê. Những năm trước, khi vào vụ, vườn bơ của ông liên tục có thương lái đến mua. Mùa thu hoạch năm nay, bơ bán không được, nên ông phải đưa ra chợ để bán, nhưng cũng ế ẩm.

Anh Phạm Vĩnh San, chủ trang trại bơ booth quy mô 10 ha tại thôn Hòa Phong, xã Đắk Sắk (Đắk Mil) cho biết, năm 2019 khi thu hoạch, giá bơ ở mức cao, nên anh có thu nhập khoảng 1,2 tỷ đồng từ vườn bơ. Năm nay, giá bơ vào vụ xuống quá thấp, khoảng 10.000 - 12.000 đồng/kg, khiến anh chịu cảnh thua lỗ. "Dù bơ đã có chứng nhận VietGAP, có dán tem truy xuất nguồn gốc, nhưng việc tiêu thụ cũng khó khăn. Tôi nghĩ tình trạng này phần nhiều là do cung vượt cầu", anh San nhận định.

Ông Thanh cho biết, vườn bơ sáp địa phương của gia đình có nhiều ưu điểm như cơm vàng, dẻo, ngọt... nên những năm mới trồng bán rất được giá. Thế nhưng, khoảng 3 năm nay, giá bơ xuống dần và đến năm 2020 thì rớt thê thảm, bằng 1/3 so với trước. Giá bơ quá rẻ, nên ông đành bán tháo khoảng 5.000-8.000 đồng/kg để vớt vát được đồng nào hay đồng đó.

Năm 2020, giá bơ booth chỉ khoảng 5000-12.000 đồng/kg

Theo bà Trần Thị Lệ Thu, tư thương chuyên mua bán trái cây ở chợ Gia Nghĩa, những năm trước, giá bơ booth dao động ở mức 60.000 - 80.000 đồng/kg, thậm chí cuối mùa lên đến 120.000 đồng/1 kg. Nhưng 2 năm nay, giá bơ booth chỉ còn khoảng 20.000 - 30.000 đồng/kg loại đẹp nhất.

Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh những ảnh hưởng của dịch Covid-19, thì việc giá bơ những năm qua đi xuống một phần do cung vượt cầu.

Bài, ảnh: Hồng Thoan

>>Kỳ 3: Tiếp tục tìm hướng đi phù hợp

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/kinh-te/de-mua-bo-thuc-su-chin-ky-2-chua-het-bap-benh-83046.html