Đề kiểm tra Ngữ văn yêu cầu học sinh thuyết minh về hiện tượng phân biệt vùng miền

Đề kiểm tra Ngữ văn một trường trung học phổ thông ở Nghệ An yêu cầu học sinh thuyết minh về hiện tượng phân biệt vùng miền của một bộ phận giới trẻ trên các trang mạng xã hội hiện nay.

Thái độ kì thị, phân biệt vùng miền ngày càng gia tăng trên các nền tảng mạng xã hội được đưa vào đề kiểm tra Ngữ văn tại Nghệ An.

Có nên yêu cầu học sinh thuyết minh về hiện tượng phân biệt vùng miền?

Đề khảo sát giữa kỳ 2 môn Ngữ văn lớp 11 ở Nghệ An được chia sẻ và nhận nhiều ý kiến trái chiều từ giáo viên dạy môn học này. Cụ thể trong phần Viết, đề bài yêu cầu học sinh quan sát hình ảnh trong tranh và viết bài văn thuyết minh về hiện tượng phân biệt vùng miền của một bộ phận giới trẻ trên các trang mạng xã hội hiện nay.

Một số giáo viên cho biết, đề Ngữ văn này phù hợp với kiểu bài (thuyết minh về một sự vật, hiện tượng trong đời sống xã hội) trong sách giáo khoa Ngữ văn 11 – bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.

Một giáo viên ở Gia Lai nói rằng, thật ra không cần hình minh họa thì học sinh vẫn làm được, vì hiện tượng phân biệt vùng miền thường thấy trong cuộc sống. Nhưng hình ảnh vẫn làm cho tất cả mọi người từ ngoài đời đến cõi mạng phải bất ngờ, bật ngửa bởi giờ mới biết đến cái sự phân biệt vùng miền kiểu mới này. Nó làm rối rắm thêm tư duy người viết.

Theo giáo viên này, đúng ra nên dùng tấm hình này cho hiện tượng làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Và nên chú thích “parky” - ý chỉ Bắc kì, “namkiki” - ý chỉ Nam kì chứ không thì nhiều người cũng không biết 2 từ lóng này của cư dân mạng bóng gió chỉ điều gì”.

Một giáo viên khác cho biết, trong sách giáo khoa mới mới gọi văn nghị luận là văn thuyết minh nên các thầy cô giáo cũng khó hiểu. Nếu ra nghị luận thì lại không đúng với dạng sách mới. Ý đồ của người ra đề chắc cũng ổn thôi nhưng rõ ràng bây giờ học sinh hoang mang giữa hai khái niệm thuyết minh và nghị luận.

Tuy nhiên, không ít giáo viên cho rằng, đây là kiểu bài lạ so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006 (lớp 8, lớp 10).

Nên có đề Ngữ văn thuyết minh hay nghị luận về phân biệt vùng miền?

“Thuyết minh là giới thiệu những điều hay, có giá trị để mọi người hướng đến chứ sao thuyết minh phân biệt vùng miền? Sao lại ép học sinh vào thể văn thuyết minh? Cho nghị luận phải hơn không, học sinh làm văn thì nên tìm cái gì tích cực mà làm, học sinh nhỏ tuổi tập nhìn đời đen tối làm gì”, một giáo viên băn khoăn.

“Theo tôi thì với nội dung này nên cho kiểu văn nghị luận, học sinh sẽ viết tốt hơn là văn thuyết minh”, một giáo viên nêu quan điểm.

Một giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Văn bản thuyết minh chủ yếu trình bày tri thức một cách khách quan, giúp con người hiểu biết đặc trưng, tính chất của sự vật, hiện tượng và biết cách sử dụng chúng vào mục đích có lợi cho con người.

Văn bản thuyết minh gắn liền với tư duy khoa học. Nó đòi hỏi chính xác, rạch ròi. Muốn làm được văn bản thuyết minh phải tiến hành điều tra, nghiên cứu học hỏi để có những thông tin, tư liệu, tri thức cần thiết.

Như vậy, yêu cầu học sinh thuyết minh về phân biệt vùng miền (Bắc kì, Nam kì) thì các em phải hiểu một số phạm vi kiến thức như: nguồn gốc tên gọi (Bắc kì, Nam kì); lịch sử di dân; phong tục tập quán; giọng nói;... và một số văn bản quy phạm pháp luật chế tài có liên quan.

Và quan trọng nhất, thầy cô giáo cần dạy cho học sinh hiểu được rằng, phân biệt vùng miền là có dấu hiệu của hành vi vi phạm pháp luật. Dù là vô tình hay cố ý thì lời nói mỉa mai, châm chọc, phân biệt vùng miền có thể xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của một cá nhân hay tập thể sẽ bị phạt hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Nhiều giáo viên mong rằng, các tác giả sách giáo khoa nên có bài viết trên các phương tiện truyền thông nói rõ hơn về kiểu bài văn thuyết minh và văn nghị luận để thầy cô giáo có thêm một kênh tài liệu tham khảo chính thống.

Hành vi phân biệt, miệt thị vùng miền có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Dù là vô tình hay cố ý thì lời nói mỉa mai, châm chọc, phân biệt vùng miền có thể xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của một cá nhân hay tập thể.

Người có hành vi này tùy theo mức độ mà hành vi phân biệt, miệt thị vùng miền có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017).

Cụ thể, hình phạt đối với tội làm nhục người khác có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc có thể bị phạt tù từ 01 đến 05 năm.

Hơn nữa, người có hành vi phân biệt, miệt thị vùng miền còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội phá hoại chính sách đoàn kết theo Điều 116 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017), tùy theo mức độ mà mức hình phạt thấp nhất có thể bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm hoặc cao nhất từ 07 đến 15 năm nếu:

- Gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân, với các tổ chức chính trị - xã hội;

- Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam;

- Phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế.

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/de-kiem-tra-ngu-van-yeu-cau-hoc-sinh-thuyet-minh-ve-hien-tuong-phan-biet-vung-mien-179240328131030485.htm