Để không còn nỗi đau đuối nước

Trong những tai nạn thương tích ở trẻ em, đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Dù những hồi chuông cảnh báo đã gióng lên từ lâu nhưng tai nạn đuối nước vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều gia đình. Nguyên nhân của tình trạng này là do các em đang ở lứa tuổi hiếu động, tò mò, nghịch ngợm và khả năng bảo vệ bản thân chưa được hình thành. Trong khi không ít các bậc cha mẹ, người thân, người chăm sóc trẻ còn lơ là, chủ quan, để trẻ tự do tìm đến sông, suối, ao hồ đùa nghịch, bơi lội, rất dễ dẫn đến tai nạn đuối nước thương tâm.

Nỗi đau muộn màng

Vụ tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra tại hồ Bàu Lách cuối tháng 8-2020 đã cướp đi sinh mạng 2 đứa con nhỏ của anh N.V.Q (SN1991) và chị M.N.B (SN1994) ở thôn Tân Bình, xã Bù Nho, huyện Phú Riềng. Gần 2 tháng đã trôi qua nhưng nỗi đau vẫn còn đó. “Trưa 22-8, con gái N.T.Đ sang chơi nhà bà con cùng thôn, còn tôi và con trai N.H.L ở nhà ngủ trưa. Do phải dậy đi làm từ sáng sớm nên buổi trưa tôi thường cho con trai chơi điện thoại để tranh thủ chợp mắt. Tỉnh dậy, không thấy con nằm bên cạnh, tôi sang nhà hàng xóm tìm nhưng cũng không thấy. Nghi ngờ có chuyện chẳng lành, tôi chạy ra bờ hồ Bàu Lách bên hông nhà thấy có đôi dép của mình nên nhảy xuống tìm con. Men theo cống nước, tôi thấy chiếc áo nổi lên, lại gần thì thấy xác 2 con mình” - chị B đau xót kể lại.

“Gia đình tôi sinh sống bên hồ gần 6 năm rồi, nhiều lúc cha mẹ rửa chân tay, giặt giũ ngoài hồ, các cháu cũng theo ra chơi. Có lần các cháu trượt chân rơi xuống hồ nhưng chụp lại được. Tôi thường xuyên dặn các con không được ra bờ hồ chơi và nghịch nước khi không có cha mẹ, nhưng chỉ một chút sơ sẩy, chủ quan, chúng tôi đã phải lìa xa các con. Trước sự việc đau lòng này, tôi mong các gia đình sinh sống gần ao, hồ, sông, suối có con nhỏ nên làm hàng rào che chắn và trông nom các cháu cẩn thận”- anh Q ngậm ngùi nói.

Cần rèn luyện kỹ năng bơi lội cho trẻ

Bàu Lách là hồ tự nhiên trên địa bàn thôn Tân Bình, xã Bù Nho có diện tích hơn 40 ha và là hồ chứa nước phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu của người dân trong khu vực. Từ năm 1986 đến nay, tại hồ đã xảy ra 5 vụ đuối nước thương tâm, khiến 6 người tử vong. Mặc dù những năm qua, công tác phòng chống tai nạn đuối nước luôn được địa phương quan tâm, cảnh báo, cắm biển báo nguy hiểm… nhưng vẫn xảy ra những vụ tai nạn đuối nước đáng tiếc. Ông Đinh Văn Trọng, Trưởng thôn Tân Bình cho biết: Thôn có 410 hộ với 1.780 người, trong đó hơn 100 hộ sinh sống quanh hồ Bàu Lách. Hồ này mực nước không sâu nên xảy ra đuối nước chủ yếu là do sự chủ quan, lơ là của con người. Trước đây, thôn được xã Bù Nho trang bị áo phao để người dân sử dụng, nhưng qua thời gian đã hư hao, mong được trang bị thêm để chủ động và đảm bảo an toàn.

Tại hồ bơi Đại Dương Phát (thành phố Đồng Xoài), cộng tác viên dạy bơi Nguyễn Duy Hậu hướng dẫn các em tập một số động tác cơ bản khi bơi

Thực tế, nhân tố quan trọng để hạn chế tai nạn đuối nước ở trẻ chính là sự quan tâm, giám sát của gia đình. Do các em còn nhỏ, chưa biết cách tự bảo vệ mình nên cha mẹ phải là người đầu tiên tạo môi trường an toàn cho trẻ. Ngoài thường xuyên giám sát, cha mẹ cần chủ động nhắc nhở, dạy bảo, răn đe con em mình về hành vi tắm, bơi lội tại các sông, suối, ao, hồ khi không có người lớn. Quan trọng hơn nữa là việc trang bị cho trẻ những kỹ năng sống tự bảo vệ bản thân trước những tình huống nguy hiểm có thể gặp phải khi tiếp xúc với nước…

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2016-2020, tai nạn thương tích trẻ em có chiều hướng tăng với diễn biến phức tạp và để lại hậu quả nghiêm trọng cho gia đình, xã hội. 9 tháng năm 2020, toàn tỉnh ghi nhận 4 trường hợp trẻ tử vong do bị đuối nước.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Vũ Thị Như Hà, Phó chủ tịch UBND xã Bù Nho cho biết: Hằng năm, địa phương đều chủ động tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em trên địa bàn. Năm 2020, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, không tập trung đông người nên không tổ chức được các lớp học bơi miễn phí cho trẻ. Tuy nhiên, chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể vẫn giới thiệu cho nhân dân trong xã đưa con nhỏ đến các hồ bơi dạy miễn phí. Trong dự án quy hoạch trung tâm hành chính huyện Phú Riềng, khu vực hồ Bàu Lách được đầu tư xây dựng bờ kè nhằm tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp cũng sẽ góp phần phòng tránh tai nạn đuối nước ở trẻ.

Để ngăn chặn hiệu quả tình trạng đuối nước và mang lại môi trường sống an toàn, lành mạnh cho các em, bên cạnh vai trò, trách nhiệm của các bậc cha mẹ, rất cần sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương và sự chung tay của toàn xã hội. Trong đó, các cấp, ngành, nhà trường cần quan tâm điều tra, rà soát các khu vực, địa điểm nguy cơ cao dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em để có các biện pháp nhắc nhở, cảnh báo kịp thời. Tăng cường hơn nữa giáo dục kỹ năng sống và kỹ năng ứng phó trong những tình huống nguy cấp cho học sinh, đặc biệt là kỹ năng phòng tránh đuối nước (dạy bơi) cho trẻ. Giúp các em thấy, học bơi không chỉ phòng chống đuối nước mà còn rèn luyện sức khỏe bổ ích.

Ngọc Quế

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/de-khong-con-noi-dau-duoi-nuoc-61921