Để không còn cán bộ, công chức 'sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về'

Dự luật Cán bộ, công chức sửa đổi hướng tới khắc phục được triệt để tình trạng cán bộ, công chức 'sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về', đồng thời có chế độ đãi ngộ với người tài...

Theo nghị trình, dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) sẽ được thảo luận tại hội trường vào ngày thứ 4 (14-5). Dự Luật sửa đổi gồm 7 Chương, 52 Điều (giảm 35 Điều so với Luật hiện hành), trong đó đáng chú ý là sửa đổi, bổ sung quy định về liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh, thống nhất một chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã, khắc phục tình trạng phân tán, cục bộ trong quản lý công chức của hệ thống chính trị.

Dự luật cũng quy định theo hướng siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; xóa bỏ tư duy biên chế suốt đời, trong đó cụ thể hóa yêu cầu tinh giản biên chế theo hướng thực chất; quy định về sàng lọc, loại bỏ công chức không hoàn thành nhiệm vụ.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, đây là bước thực hiện chủ trương nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy nhà nước, thúc đẩy đội ngũ công chức không ngừng rèn luyện, nâng cao năng lực và ý thức trách nhiệm.

Liên quan đến vấn đề này, nhiều đại biểu đã bày tỏ đồng tình việc sửa đổi Luật Cán bộ, công chức phải khắc phục được triệt để tình trạng cán bộ, công chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”.

 Đại biểu Quốc hội – GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội. Ảnh: NGUYỄN THẢO

Đại biểu Quốc hội – GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội. Ảnh: NGUYỄN THẢO

Xây dựng thang đo lường gắn với vị trí việc làm

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) nhìn nhận nếu quản lý và đánh giá được cán bộ theo vị trí việc làm, kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao theo vị trí đó thì bộ máy sẽ vận hành rất hiệu quả. Tuy nhiên, theo ông, vị trí việc làm phải được xây dựng trên cơ sở đo lường được hao phí công việc và mức độ phức tạp của công việc gắn với vị trí đó.

Bày tỏ đồng tình với quy định người trúng tuyển công chức được bổ nhiệm, xếp lương ở ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm trúng tuyển và không phải tập sự nhưng ông Cường cho rằng “phải có thời gian thử việc”.

“Họ là nhân tài nhưng chưa chắc đã phù hợp với vị trí tuyển dụng, có khi rất dở”– ông nói và đề xuất nên có khoảng thời gian 6 tháng để người được tuyển dụng thích nghi với công việc.

 Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM. Ảnh: QH

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM. Ảnh: QH

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TP.HCM) đánh giá cao cơ chế hợp đồng lao động đối với một số vị trí như chuyên gia, nhà khoa học, những người đáp ứng về điều kiện chuyên môn, nghiệp vụ cho công việc.

“Quy định này đáp ứng yêu cầu thực tiễn, trước đây chúng ta đã từng làm và đạt kết quả tốt” – bà Hạnh nói và đề nghị qua các khâu đánh giá, ghi nhận kết quả làm việc, có thể tính toán cơ chế để chuyển họ công chức.

Cùng nội dung này, đại biểu Lê Hoàng Hải (đoàn Đồng Nai) đánh giá đây là bước đi linh hoạt và phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh đổi mới công tác quản trị công. Cách làm này giúp Nhà nước tận dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chuyên môn phức tạp, đòi hỏi trình độ cao. Đồng thời, đây cũng là tín hiệu tích cực trong việc mở rộng cơ chế trọng dụng nhân tài, khuyến khích cống hiến trong khu vực công.

Tuy nhiên, theo đại biểu đoàn Đồng Nai, việc này cũng đòi hỏi phải quy định chặt chẽ về quyền, nghĩa vụ, cơ chế giám sát, đánh giá định kỳ để đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn lực. “Đặc biệt, cần quy định bảo đảm an toàn thông tin và xử lý hành vi vi phạm liên quan đến bí mật nhà nước như công chức chính thức” – ông Hải nói thêm.

 Đại biểu Trần Kim Yến (đoàn TP.HCM). Ảnh: QH

Đại biểu Trần Kim Yến (đoàn TP.HCM). Ảnh: QH

Khảo sát mức độ hài lòng với cán bộ là một tiêu chí bắt buộc

Đại biểu Trần Kim Yến (đoàn TP.HCM) cho rằng bỏ biên chế cũng cần gắn với công tác đánh giá thi đua, khen thưởng một cách rõ ràng, bởi đánh giá cán bộ đang là khâu yếu.

Dẫn chứng, bà Kim Yến nói để tổ chức, tập thể được xếp loại đơn vị xuất sắc thì 90% cán bộ, công chức phải đạt tốt trở lên và không có người bị kỷ luật. Trường hợp có một cán bộ, công chức bị kỷ luật, người đứng đầu đương nhiên không được xem xét, đánh giá xuất sắc.

Ngoài ra, đại biểu Trần Kim Yến đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét thêm quy định về hạ bậc lương và giáng chức đối với cán bộ, công chức trong một số trường hợp cụ thể.

 Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (đoàn Hải Dương). Ảnh: QH

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (đoàn Hải Dương). Ảnh: QH

Cũng liên quan câu chuyện đánh giá công chức, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (đoàn Hải Dương) đề nghị có quy định bắt buộc phải đánh giá thông qua mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính.

Nêu thực tế một số địa phương có thực hiện mô hình đánh giá công chức qua máy khảo sát điện tử tại bộ phận một cửa, bà Dung cho biết điều này đã tạo động lực cho cán bộ, công chức trong quá trình phục vụ người dân, doanh nghiệp. “Nếu chúng ta không có cơ chế đánh giá bắt buộc, việc khảo sát thường bị xem nhẹ và mang tính hình thức” – đại biểu Dung nêu.

Cạnh đó, nữ đại biểu đoàn Hải Dương đề nghị bổ sung tiêu chí đánh giá theo mức độ hoàn thành mục tiêu cá nhân gắn với kế hoạch công tác của cán bộ, công chức khi đánh giá kết quả thực hiện công việc. Bởi theo bà, nhiều nơi hiện đánh giá vẫn mang tính chung chung, không phản ánh đúng hiệu quả công việc.

“Có nơi công chức đã báo cáo hoàn thành 100% công việc, hồ sơ nhưng chất lượng xử lý của các hồ sơ chưa được người dân đồng tình…” – bà Dũng dẫn chứng.

 Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận). Ảnh: QH

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận). Ảnh: QH

Ở một khía cạnh khác, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cho rằng dù dự thảo có quy định đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp nhưng chưa quy định rõ phương thức, các tiêu chí, cơ chế giám sát việc đánh giá công chức của người đứng đầu, tránh tình trạng đánh giá mang tính chủ quan, cảm tính và cần có cơ chế kiểm tra, thanh tra, phản biện về kết quả đánh giá.

Để khắc phục, ông Thông kiến nghị bổ sung một số nội dung, trong đó có quy định bắt buộc các cơ quan có giao dịch hành chính công thực hiện khảo sát mức độ hài lòng thường xuyên của người dân với cán bộ. “Đó là phương thức đánh giá cán bộ, công chức trung thực nhất, khách quan nhất” – đại biểu Nguyễn Hữu Thông nói và nhấn mạnh kết quả này phải công bố công khai.

 Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: QH

Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: QH

Một chiếc áo không thể “mặc chung cho tất cả địa phương”

Nói về chế độ đãi ngộ, bà Phạm Khánh Phong Lan (đại biểu đoàn TP.HCM), đề nghị nghiên cứu theo hướng xem xét cán bộ, công chức nào làm nhiều, hiệu quả cao thì phải được hưởng nhiều. Dẫn chứng ở TP.HCM, bà Lan cho biết trung bình một công chức phục vụ số người dân gấp 3,2 lần con số chung cả nước nhưng chế độ thì không mấy khác biệt.

“Nếu như sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, không phải phục vụ cho nhiều người, lương ít thì không than được” – bà Lan nói và đề nghị có nghiên cứu thêm. Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, không thể cùng một chiếc áo mà “mặc chung cho tất cả địa phương”, không phân biệt người làm nhiều, người làm ít, không phân biệt hiệu quả công việc… bởi như thế sẽ rất khó để xây dựng một nền hành chính thực sự hiệu quả.

 Đại biểu Lê Hoàng Hải (đoàn Đồng Nai). Ảnh: QH

Đại biểu Lê Hoàng Hải (đoàn Đồng Nai). Ảnh: QH

Còn theo đại biểu Lê Hoàng Hải (đoàn Đồng Nai), trong dự thảo luật mới chỉ tính đến yếu tố đầu vào là thu hút người tài vào hệ thống chính trị nhưng dường như yếu tố đầu ra chưa được tính toán kỹ lưỡng. Thu hút được người tài năng chỉ là bước đầu, quan trọng hơn cả là phải có cơ chế bền vững để giữ chân người tài, để họ yên tâm công tác, dốc sức cống hiến vì sự phát triển chung của đất nước.

Cùng đó là phải làm sao để phát huy tài năng của họ hơn nữa trong hoạt động công vụ. Bởi trong một số trường hợp, người có tài năng nhưng năng lực đó chỉ phù hợp với môi trường ngoài Nhà nước. Khi tuyển dụng, bổ nhiệm vào làm trong cơ quan nhà nước, họ có thể không phát huy được tài năng.

“Chế độ đãi ngộ đối với người tài phải bảo đảm tương xứng với năng lực cống hiến, đóng góp của họ” – ông Hải nhấn mạnh.

NGUYỄN THẢO

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/de-khong-con-can-bo-cong-chuc-sang-cap-o-di-chieu-cap-o-ve-post849167.html