Để hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam thêm khởi sắc
Việt Nam nằm trong tốp 3 Đông Nam Á về số lượng startup nhưng không nhiều doanh nghiệp được trang bị các kỹ năng cần thiết để phát triển mô hình kinh doanh bền vững hoặc phù hợp với các dự án.
Hệ sinh thái khởi nghiệp là cách thức một quốc gia hay một thành phố thiết lập để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp tại địa phương.
Trong năm 2019, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam có sự khởi sắc trong mọi lĩnh vực như y tế, đào tạo, nông nghiệp…
Tuy nhiên, các doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ hơn nữa về thể chế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển.
Những điểm sáng trong bức tranh khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam
Theo Báo cáo “Bức tranh khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam 2019” do Cơ quan Thương mại và Đầu tư của chính phủ Australia (Austrade) công bố, hiện Việt Nam đang đứng thứ 3 ở Đông Nam Á về số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Topica Founder Institute (TFI) cho hay lượng vốn đổ vào các startup Việt đã tăng 3 lần trong giai đoạn 2016 - 2018, từ 205 triệu USD lên gần 900 triệu USD.
Austrade cho rằng vốn nước ngoài được chào đón. Các quỹ đầu tư mạo hiểm và tổ chức công nghệ quốc tế đang phát triển dấu ấn của riêng tại đây.
Báo cáo cho biết, hệ sinh thái đổi mới của Việt Nam tạo cơ hội đặc biệt cho các nhà đầu tư công nghệ. Một yếu tố thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới này là dân số trẻ. Với độ tuổi trung bình chỉ 30, người Việt Nam rất am hiểu công nghệ và hoạt động kỹ thuật số.
Báo cáo cũng chỉ ra các yếu tố thuận lợi khác như tỷ lệ thâm nhập Internet và smartphone cao, sự khuyến khích khởi nghiệp của Chính phủ.
Vẫn còn nhiều thách thức
Cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam được thúc đẩy chính ở 3 thành phố là Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, dù các startup có tiềm năng lớn để phát triển, báo cáo của Austrade cũng chỉ ra 5 thách thức cơ bản đối với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam, bao gồm Khả năng tiếp cận tài chính; Tài năng và kỹ năng điều hành; Hệ sinh thái phân mảnh; Khả năng R&D;Vấn đề sở hữu trí tuệ.
Dù Việt Nam nằm trong top 3 Đông Nam Á về số lượng startup, nhưng không nhiều doanh nghiệp được trang bị các kỹ năng cần thiết để phát triển mô hình kinh doanh bền vững, hoặc phù hợp với các dự án. Do đó, nhiều startup địa phương có cơ hội hạn chế để kết nối với hệ sinh thái khu vực.
Nhìn chung, các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Cụ thể, chỉ số gia nhập thị trường vẫn còn thấp, trong khi các nước cùng khối ASEAN tất cả các vấn đề về đăng ký kinh doanh, thủ tục bảo hiểm xã hội chỉ mất vài giờ, thì Việt Nam chưa làm được điều điều này.
Đây chính là rào cản làm chậm sự phát triển của kinh tế tư nhân.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp gặp hàng loạt khó khăn về thủ tục “hậu đăng ký doanh nghiệp,” trong đó nổi cộm các vấn đề, như: khó tiếp cận thông tin đất đai và thiếu quỹ đất sạch; hạ tầng giao thông còn yếu kém; khó tiếp cận nguồn vốn… Những rào cản này có sự tác động không nhỏ đến ý chí khởi nghiệp của các doanh nhân trẻ.
Theo một khảo sát của Mạng lưới kết quả toàn cầu, trong số 60 quốc gia tham gia khảo sát, Việt Nam nằm trong nhóm nước có tinh thần khởi nghiệp cao nhất. Tuy nhiên, khả năng hiện thực các ý tưởng sáng tạo thì thuộc 20 nhóm cuối cùng. Như vậy, khoảng cách giữa khát vọng, giữa ý chí và hành động cụ thể là rất lớn.
Hệ sinh thái cho khởi nghiệp sáng tạo
Theo định nghĩa của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) Hệ sinh thái khởi nghiệp bao gồm các yếu tố Thị trường; Nguồn nhân lực; Nguồn vốn và tài chính; Hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp (tư vấn); Khung pháp lý và cơ sở hạ tầng; Giáo dục và đào tạo; Các trường đại học, học viện và văn hóa quốc gia.
Tại Diễn đàn khởi nghiệp quốc gia (ngày 2/12/2019), Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong trục phát triển kinh tế, khi hộ kinh doanh chiếm đến 30% GDP của toàn nền kinh tế.
Để tận dụng được nguồn lực này, cần tạo cho các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa và đặc biệt là các nhà khởi nghiệp trẻ mọi điều kiện tốt nhất để thực hiện các ý tưởng sáng tạo.
Lý tưởng, mục tiêu khởi nghiệp và khả năng thực hiện cần phải song hành để thu hẹp khoảng cách giữa khát vọng và hành động cụ thể.
Theo ông Trần Xuân Đích, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học-công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), để các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có thể phát triển và trở thành các doanh nghiệp trưởng thành với đóng góp thiết thực cho nền kinh tế thì cần thiết phải phát triển và hình thành hệ sinh thái cho khởi nghiệp sáng tạo, tạo ra sự liên kết, kết nối và nâng cao năng lực của các chủ thể khác, hướng tới hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp và tham mưu xây dựng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng các băn bản hướng dẫn, miễn giảm thuế, phí, lệ phí đất, quy hoạch hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, quy hoạch chi tiết về việc thành lập quỹ đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo…
Trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tập trung vào xây dựng phát triển Mạng lưới kết nối khởi nghiệp ở quy mô quốc gia và quốc tế; thúc đẩy hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo trên toàn quốc, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển; liên kết với viện nghiên cứu, trường đại học để thương mại hóa kết quả nghiên cứu, hình thành tài sản trí tuệ để tự tin bước ra thị trường toàn cầu.
Sân chơi kết nối cộng đồng khởi nghiệp
Techfest Vietnam là sự kiện thường niên lớn nhất dành cho cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong khuôn khổ Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18-5-2016 tại Quyết định số 844/QĐ-TTg.
Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2015, đến nay, Techfest Vietnam đã thu hút đông đảo sự quan tâm và tham gia của các tổ chức trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và tạo được tiếng vang lớn với cộng đồng khởi nghiệp trong nước và quốc tế.
Với chủ đề "Nguồn lực hội tụ," Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2019 (Techfest Vietnam 2019) diễn ra từ ngày 4-6/12/2019 nhằm đẩy mạnh liên kết, phát triển mạng lưới chia sẻ giữa các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong khu vực và trên thế giới.
Techfest Vietnam 2019 sẽ tập trung tham vấn cho các nhà hoạch định chính sách những vấn đề nhằm thu hút các nguồn lực trong nước, nước ngoài để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và thúc đẩy hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong hệ sinh thái khởi nghiệp diễn ra hiệu quả; thảo luận về các xu hướng công nghệ trên thế giới; chia sẻ của các điển hình khởi nghiệp thành công; chia sẻ kinh nghiệm của những nhà đầu tư, diễn giả, chuyên gia hàng đầu về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đầu tư cho khởi nghiệp.
Để mọi nguồn lực được “hội tụ” về Techfest quốc gia năm 2019, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các địa phương tổ chức các sự kiện Techfest tại 4 vùng kinh tế trọng điểm: Vùng Đông Nam Bộ (tại Bà Rịa-Vũng Tàu, từ 23-24/9); Vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc (tại Hà Nội, từ 16-17/10); Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (tại Cần Thơ, từ 22-23/10); Vùng Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ (tại Lâm Đồng, từ 30-31/10).
Ngoài ra, để quảng bá hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam ra thế giới và thu hút các nguồn lực quốc tế đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức các kỳ Techfest quốc tế tại Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Singapore
Techfest Vietnam 2019 là sân chơi kết nối và đẩy mạnh sự tương tác của ít nhất 250 doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng, gần 200 nhà đầu tư trong nước và quốc tế, 150 doanh nghiệp lớn, tập đoàn kinh tế và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, diễn ra hơn 300 lượt kết nối đầu tư và thu hút gần 6.000 lượt người tham dự./.