Để hàng Việt 'hút' được các 'ông lớn' phân phối
Hàng hóa Việt Nam đang được nhiều tập đoàn bán lẻ trên thế giới để mắt đến… nhưng để giữ vững được lợi thế này không dễ bởi hầu hết các nhà phân phối đều yêu cầu phải đạt tiêu chuẩn về môi trường và phát triển bền vững.
Sẽ tăng thu mua hàng hóa từ Việt Nam
Ông Aly Ansari, Giám đốc cao cấp Phụ trách nguồn cung của Tập đoàn Walmart (Hoa Kỳ) cho biết, những năm gần đây, Việt Nam đang dần trở thành trọng điểm sản xuất, cung ứng hàng hóa cho hệ thống phân phối của Walmart với kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt hơn 2 tỷ USD. Chủng loại hàng hóa Walmart tìm kiếm hết sức đa dạng, phong phú, phần nhiều phù hợp với khả năng cung ứng và sản xuất của Việt Nam. Trong những năm tới đây, Walmart đặt mục tiêu thu mua từ Việt Nam càng nhiều càng tốt.
Ông Aly Ansari cũng tiết lộ: “Do tình hình xung đột thương mại và xu hướng dịch chuyển, đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam hiện đang được kỳ vọng trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu của Tập đoàn Walmart”. Một số ưu thế mà đại diện Walmart nhắc đến là việc Việt Nam là thành viên của nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương và đang dần trở thành điểm sản xuất quan trọng trong các chuỗi giá trị toàn cầu.
Đại diện Tập đoàn Decathlon (một tập đoàn sở hữu chuỗi bán lẻ hàng đầu châu Âu, chuyên cung cấp tất cả các sản phẩm thể thao) cũng cho biết, hàng hóa sản xuất ở Việt Nam của tập đoàn này được xuất đi 14 cảng biển trên thế giới, với thị trường chủ đạo bao gồm các nước châu Âu như: Pháp, Nga, Bồ Đào Nha, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, một số thị trường mới mở trong vài năm gần đây nhưng có tiềm năng rất lớn trong tương lai như Ma-rốc, Braxin, Colombia, Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan.
Theo số liệu giai đoạn 2019-2020, 52% sản phẩm dệt may của Tập đoàn này bán trên toàn cầu được sản xuất ở Việt Nam. Con số này của mặt hàng giày dép là 34%. Các mặt hàng khác cũng đã xuất hiện trong chuỗi phân phối của Decathlon nhưng chiếm tỷ lệ chưa cao như balo, túi xách, lều cắm trại và bóng chiếm 8%; Găng tay chiếm 3%; Sản phẩm từ plastic, composite, kim loại, gỗ và ngành xe đạp chiếm 3%.
Tuy nhiên, theo đại diện của Decathlon, Việt Nam đã và sẽ tiếp tục trở thành địa điểm sản xuất hàng hóa lớn thứ 2 thế giới của Tập đoàn Decathlon, với những ưu thế như cân bằng giữa chi phí lao động và kỹ năng nhân công ở trình độ trung bình cao; Tiềm năng của thị trường bán lẻ trong khu vực Đông Nam Á; Ổn định trong chế độ chính trị và nền kinh tế vĩ mô… Trong các năm tới đây, Decathlon tiếp tục gia tăng sản lượng của các sản phẩm thuộc các ngành hàng truyền thống và mong muốn phát triển đa dạng các mặt hàng nhằm hợp tác với các nhà cung ứng tại Việt Nam.
Yêu cầu ngày càng cao
Ông Shiotani, Tổng Giám đốc Aeon Việt Nam cho biết, trước đây, Tập đoàn Aeon chủ yếu nhập khẩu (NK) mặt hàng chuối tươi từ Philippines (sản lượng NK 70%) do chuối tại đất nước này có chất lượng ổn định và duy trì được sản lượng. Tuy nhiên, đến năm 2022, Aeon bắt đầu triển khai nhập chuối từ Việt Nam và người tiêu dùng cũng đưa ra nhận định, chuối của Việt Nam có vị tươi ngon hơn hẳn so với các nước khác.
Do đó, trong thời gian tới, Aeon sẽ mở rộng và nâng sản lượng chuối NK tại Việt Nam vào các hệ thống Aeon Nhật Bản. Lý giải nguyên nhân lựa chọn chuối Việt Nam, ông Shiotani cho rằng, công ty cung cấp có một hệ thống sản xuất tuần hoàn. Ngoài trồng chuối họ có mô hình nuôi thủy hải sản, gia súc và phân bón và quay trở lại bón cho cây chuối... Với mô hình khép kín này, lượng rác thải gần như bằng 0.
Ông Shiotani khẳng định, mô hình lựa chọn nhà cung cấp đã khác giai đoạn trước rất nhiều. Hiện tại và tương lai, những nhà cung cấp xây dựng được mô hình sản xuất bền vững sẽ là những đơn vị đầu tiên có thể cung ứng hàng của Aeon.
Ông Aly Ansari cũng lưu ý, để trở thành nhà cung cấp của Walmart, các nhà cung ứng cần đảm bảo các yếu tố về tuân thủ luật pháp, quy trình sản xuất, chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp cũng cần đồng hành thực thi trách nhiệm xã hội, phát triển bền vững và môi trường.
Không chỉ các tập đoàn phân phối lớn trên thế giới đặt yêu cầu về môi trường và phát triển bền vững với hàng hóa Việt Nam. Liên minh Châu Âu (EU) cũng đang triển khai một Thỏa thuận Xanh châu Âu với mục tiêu đưa phát thải carbon về bằng 0. Giai đoạn hiện nay, Thỏa thuận Xanh này đang được khởi động và theo dự kiến, thỏa thuận này sẽ thực thi toàn bộ trong năm 2026. Với thỏa thuận này, hàng hóa NK vào EU sẽ phải đáp ứng được yêu cầu nhất định, tùy từng ngành hàng.
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cho biết, một trong những ngành của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng bởi Thỏa thuận này là ngành dệt may và giày dép. EU là thị trường lớn xuất khẩu hàng dệt may và giày dép của Việt Nam. Thỏa thuận Xanh EU sẽ yêu cầu các sản phẩm dệt may phải được sản xuất bằng các vật liệu và quy trình thân thiện với môi trường, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững và dán nhãn sinh thái nghiêm ngặt.
Không chỉ vậy, tất cả các ngành hàng cũng sẽ chịu ảnh hưởng lớn bởi EU yêu cầu bao bì phải được làm bằng vật liệu thân thiện với môi trường và có thể tái chế hoàn toàn. Điều này sẽ tác động đến các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất bao bì cũng như các doanh nghiệp sử dụng bao bì cho các sản phẩm xuất khẩu. Nông sản và thủy sản cũng không tránh khỏi ảnh hưởng bởi Thỏa thuận Xanh đặt ra một cách tiếp cận nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường hơn, bắt buộc doanh nghiệp phải thay đổi quy trình sản xuất để giảm thiểu chất thải và giảm sử dụng hóa chất độc hại.