Để doanh nhân Việt Nam vươn mình cùng sự lớn mạnh của đất nước
Doanh nghiệp lớn có vai trò quan trọng, là nòng cốt dẫn dắt sự phát triển của các ngành và cả nền kinh tế. Vì vậy, cần thiết có giải pháp để để 'lan tỏa' sức mạnh từ những doanh nhân, doanh nghiệp lớn.
Nói về vai trò của doanh nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh "Doanh nghiệp phát triển là đất nước phát triển".
Nhân dịp Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Phó chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng đã chia sẻ với Báo Giao thông về sự đóng góp của giới doanh nhân hiện nay, cũng như bàn thảo những cơ chế chính sách để các doanh nhân tạo dựng được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín… vươn mình cùng sự phát triển của đất nước.
Khu vực doanh nghiệp đã đóng góp khoảng 60% GDP
Thưa ông, sau gần 40 năm đổi mới, ông đánh giá như thế nào về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước?
Thực tiễn công cuộc đổi mới trong gần 40 năm đã giúp nước ta đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế xã hội.
Việt Nam từ một nền kinh tế lạc hậu đã vươn lên lọt vào Top 40 nền kinh tế hàng đầu, có quy mô thương mại trong Top 20 quốc gia trên thế giới, là mắt xích quan trọng trong 16 hiệp định thương mại tự do gắn kết với 60 nền kinh tế chủ chốt ở khu vực và toàn cầu.
Quy mô nền kinh tế Việt Nam từ 26,3 tỷ USD trong những năm đầu đổi mới tăng lên hơn 430 tỷ USD vào năm 2023.
Việt Nam được Liên Hợp Quốc và bạn bè quốc tế xem như một điểm sáng về xóa đói giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Cố Tổng bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: "đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như hiện nay".
Có được thành tựu này là nhờ sự nỗ lực của toàn đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp.
Chúng ta vui mừng chứng kiến sau gần 40 năm Đổi mới, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đã có sự lớn mạnh vượt bậc với gần 1 triệu doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, cùng với trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, gần 30 nghìn HTX. Chính sự lớn mạnh cùng nỗ lực chung của cộng đồng DN, đội ngũ doanh nhân trong thời gian qua đã góp phần tạo ra tăng trưởng kinh tế cao hàng đầu thế giới và liên tục nhiều năm của Việt Nam.
Khu vực doanh nghiệp đã đóng góp khoảng 60% GDP, tạo ra khoảng 30% việc làm cho xã hội … Hơn nữa, đội ngũ doanh nhân không chỉ là làm nhiệm vụ phát triển kinh tế mà còn có đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chính vì vậy, Nghị quyết 41 năm 2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới đã khẳng định: "Đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh".
Hiện chúng ta cũng đã có những tỷ phú Việt đầu tiên và nhiều thương hiệu Việt được thế giới công nhận như Vinamilk, VinGroup, FPT, Trường Hải, Hòa Phát…theo ông, cáchnào để "lan tỏa" sức mạnh từ những doanh nhân, doanh nghiệp này?
Thực tế, ngoài những doanh nghiệp lớn tầm cỡ quốc tế nói trên thì hiện nay, trên 930 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa (chiếm đến 98%).
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhóm các doanh nghiệp lớn có vai trò quan trọng, là nòng cốt dẫn dắt sự phát triển của các ngành và cả nền kinh tế.
Chính vì vậy, đại hội XIII của Đảng cũng khẳng định "Khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế".
Nghị quyết 41 cũng đề ra nhiệm vụ phải "phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới, xây dựng đội ngũ doanh nhân dân tộc".
Để thực hiện nhiệm vụ này, Nghị quyết 66 đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện Đề án "Xây dựng cơ chế, chính sách hình thành và phát triển doanh nghiệp dân tộc nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực mới nổi, có lợi thế cạnh tranh nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ" để hình thành lực lượng doanh nghiệp dân tộc có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp; trình Thủ tướng trong năm 2024.
Riêng với VCCI, năm 2023, liên đoàn đã thành lập Hội đồng doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam gồm 21 thành viên ban đầu là đại diện các doanh nghiệp đầu ngành Việt Nam như Thaco, FPT, BIDV, BRG, Geleximco, VNPT, Tập đoàn TH, Tập đoàn Phú Thái, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, PNJ, CMC, Tổng công ty Kinh Bắc, Tập đoàn Doji, Tập đoàn Lộc Trời...
Hội đồng có chức năng tập hợp, liên kết, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp lớn, đầu ngành Việt Nam, mở rộng mối quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế, phát huy vai trò của các doanh nghiệp đầu ngành trong phát triển các ngành, các địa phương, dẫn dắt các doanh nghiệp trong ngành, tham gia phát triển cộng đồng doanh nghiệp và góp phần xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững.
Nhiệm vụ của Hội đồng là nghiên cứu, đề xuất các chính sách mới, mang tính đột phá để hình thành, phát triển lực lượng doanh nghiệp dân tộc hàng đầu quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu, có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp nói chung.
Đồng thời, tập hợp, kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam phát triển vững mạnh thông qua các hoạt động truyền thông, xúc tiến thương mại và đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm kiến tạo chuỗi giá trị, nghiên cứu và phát triển, kết nối hợp tác với doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng.
Từ đó, nghiên cứu, đề xuất và triển khai các hoạt động dẫn dắt, hỗ trợ chuỗi cung ứng ngành và các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành. Đặc biệt, Hội đồng sẽ thực hiện vai trò tham vấn cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước về xây dựng môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi, an toàn cho doanh nghiệp; đề xuất các giải pháp và chính sách phát triển các ngành kinh tế, lĩnh vực trọng điểm quốc gia nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế…
Thế nhưng, để "lan tỏa" sức mạnh từ những doanh nhân, doanh nghiệp lớn đến các doanh nghiệp nhỏ, thì yêu cầu đặt ra là cần sớm có cơ chế, chính sách đột phá tạo điều kiện xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nghiệp dân tộc và các doanh nghiệp lớn, đầu ngành của Việt Nam.
Cần môi trường để doanh nghiệp nhỏ lớn mạnh
Thẳng thắn thì Việt Nam đã có môi trường để có nhiều doanh nghiệp lớn, hùng mạnh chưa, thưa ông?
Vì chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, thế nên các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam còn có một số điểm hạn chế như: tính phi chính thức còn cao, năng suất thấp khi thực tế, chỉ khoảng 900 doanh nghiệp đăng ký chính thức, nhưng lại có đến 5,5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Điều này làm cản trở việc tăng năng suất thông qua tính hiệu quả về kinh tế theo quy mô, chuyên môn hóa và đổi mới sáng tạo.
Hàng triệu hộ kinh doanh chúng ta hiện nay không có nhiều động lực để chuyển lên hoạt động thành doanh nghiệp vì những lo ngại về thủ tục phiền hà, rủi ro pháp lý và trình độ quản trị chưa theo kịp.
Hạn chế khác là trình độ quản trị của doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu. So với doanh nghiệp nhiều nước, các doanh nghiệp Việt Nam mới hơn, non trẻ hơn. Nhiều doanh nghiệp đi lên từ quy mô hộ gia đình nên tổ chức kinh doanh và hoạt động quản trị chưa bài bản, dựa nhiều vào sự thuận tiện và kinh nghiệm tích lũy. Ít có doanh nhân qua trường lớp đào tạo bài bản, thậm chí trình độ ngoại ngữ của nhiều doanh nhân còn kém, khi so sánh với các doanh nhân khác trong khu vực.
Theo một nghiên cứu của VCCI sử dụng thước đo về chất lượng quản lý của Nicholas Bloom thì trình độ quản trị của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có điểm trung bình là 2,93 theo thang điểm 5, thấp hơn so với các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam (3,15 điểm). Xếp hạng trình độ quản lý của các doanh nghiệp dân doanh ở Việt Nam ở dưới các doanh nghiệp Trung Quốc và Ấn Độ.
Điểm hạn chế thứ ba là, dù đất nước đã hội nhập sâu rộng nhưng doanh nghiệp chúng ta kết nối chưa thành công với các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam và chuỗi sản xuất toàn cầu
Gần 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài, theo nhiều đánh giá thì kết nối giữa khu vực FDI và doanh nghiệp tư nhân trong nước chưa thành công, hiệu ứng lan tỏa về công nghệ và năng suất lao động từ các đối tác nước ngoài đến các doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế.
Trong số các yếu tố thúc đẩy sự lớn lên của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam, ông nghĩ thế nào về niềm tin? Thời gian vừa qua, chúng ta cũng đã phải nói đến tâm lý doanh nghiệp không muốn lớn do sợ sai, sợ trách nhiệm?
Đúng vậy, tôi phải nhấn mạnh, muốn doanh nghiệp lớn mạnh, hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh cần thông thoáng, thuận lợi.
Điều này rất quan trọng, không chỉ với doanh nghiệp trong nước mà còn với cả nhà đầu tư nước ngoài.
Hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh hiện nay vẫn còn những điểm chồng chéo, mâu thuẫn, gây bất lợi cho hoạt động đầu tư.
Doanh nghiệp khi tiếp cận để thực hiện dự án rất khó do vướng nhiều khâu, liên quan nhiều bộ, ngành. Điều này cũng tạo ra những sai lầm không đáng có.
Vì thế, muốn hiện thực hóa mục tiêu, đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là hành lang pháp lý.
Vậy theo ông, việc tháo gỡ nên được thực hiện thế nào?
Để không còn tâm lý sợ sai không dám làm, sợ rủi ro khi áp dụng các chính sách trong quá trình thực hiện thì điểm mấu chốt là tạo ra một cơ chế cho phép thực thi linh hoạt.
Cơ chế đó sẽ cho phép cơ quan thực thi được làm theo pháp luật chuyên ngành, nếu hệ thống pháp luật chuyên ngành có sự khác biệt với các hệ thống văn bản khác. Điều này phải được luật hóa.
Còn trường hợp có sự khác biệt hoặc mâu thuẫn giữa các quy định pháp luật như trên, phải có một đầu mối nào đó đứng ra để giải quyết vướng mắc phát sinh.
Quan trọng nhất, theo tôi, cần thực hiện tốt chủ trương không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế. Đồng thời triển khai nhiều giải pháp để an lòng doanh nghiệp và động viên doanh nghiệp cống hiến hết mình cho sự phát triển quốc gia. Xây dựng Việt Nam là một điểm đến an toàn, tin cậy cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thời gian vừa qua, kinh tế gặp rất nhiều cú sốc như Covid-19, sự suy thoái của kinh tế toàn cầu, hay gần nhất là là cơn bão Yagi, tuy nhiên, chúng ta vẫn bàn cãi việc dừng chính sách hỗ trợ từ 2025. Vậy trong bối cảnh này, chúng ta cần nhìn nhận những điều trên ra sao, thưa ông?
Bão Yagi gây ra những hậu quả nghiêm trọng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 143, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có Chỉ thị 04… nhưng đến nay, vẫn nhiều doanh nghiệp chưa thể tiếp cận được.
Vì vậy, tôi cho rằng, trước mắt, chúng ta cần tập trung vào việc thúc đẩy hỗ trợ nhanh và kịp thời các giải pháp nhằm khắc phục hậu quả, sớm quay lại hoạt động, phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Song, vẫn có những chiến lược dài hạn vì kinh tế chúng ta chưa hoàn toàn ổn định sau nhiều "cú sốc". Giải pháp nào thì cần có những đánh giá kỹ lưỡng.
Còn riêng về giải pháp hỗ trợ đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục phát triển, tạo nên giá trị, tạo nên tăng trưởng, hiện chúng ta đã có những ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, quản trị công ty, hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng...
Tuy nhiên, tôi cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế tạo thuận lợi hơn cho môi trường kinh doanh, theo tiêu chuẩn và quy luật thị trường và hạn chế sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó tạo ra được không gian rộng mở hơn cho doanh nghiệp, người dân trong lĩnh vực này.
Các bộ ban ngành cần có cơ chế, chính sách để thúc đẩy những động lực tăng trưởng mới như: kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ...
Chính sách là cần thiết, tuy nhiên, nếu doanh nghiệp không chủ động sẽ khó lớn mạnh. Vậy tư duy của doanh nghiệp cần thay đổi ra sao trước bối cảnh chuyển đổi xanh và chuyển đổi số đang rất mạnh mẽ, thưa ông?
Các doanh nghiệp phải có một tư duy thay đổi. Doanh nghiệp cần nắm được những khái niệm cơ bản về phát triển bền vững, từ đó đánh giá tổng quát đơn vị đã và chưa làm được gì. Sau khi hiểu mình, doanh nghiệp cần làm nhật ký để ghi chép lại quá trình hoạt động.
Sau đó, doanh nghiệp cần chọn ra những tiêu chuẩn "đinh" theo đuổi. Đánh giá xem cần gì và tìm hướng giải quyết, nếu cần hỗ trợ có thể đề xuất hỗ trợ.
Kinh tế luôn luôn vận đồng, đòi hỏi doanh nghiệp cũng phải bài bản thay đổi với những cái mới. Chính sách chỉ làm "bàn đạp" cho doanh nghiệp phát triển...