Đề án tuyển sinh 2024 của ĐH Y-Dược Thái Nguyên không kê khai chi phí đào tạo

Năm 2024, Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên mở thêm 2 ngành học mới là Kỹ thuật phục hồi chức năng và Kỹ thuật hình ảnh y học.

Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên tiền thân là Trường y sĩ Việt Bắc, thuộc Khu tự trị Việt Bắc. Năm 1994, trường trở thành trường thành viên của Đại học Thái Nguyên theo Nghị định 31/CP ngày 4/4/1994 của Chính phủ. Tới tháng 9/2008, trường chính thức đổi tên thành Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên.

Theo thông tin đăng tải trên website, sứ mạng của trường là “đào tạo cán bộ y tế có trình độ đại học, sau đại học; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ y dược; hỗ trợ phát triển hệ thống y tế, cung cấp dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân các dân tộc trung du, miền núi phía bắc Việt Nam và cả nước”.

Tầm nhìn của trường là “trở thành một trường đại học sức khỏe; một cơ sở đào tạo nhân lực y tế có uy tín trong nước và khu vực, có năng lực nghiên cứu khoa học, có đội ngũ cán bộ, giảng viên và nghiên cứu viên có trình độ cao, có cơ sở vật chất đồng bộ, có khả năng hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới”.

 Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên tọa lạc tại số 284 đường Lương Ngọc Quyến, thành phố Thái Nguyên. Ảnh: website nhà trường

Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên tọa lạc tại số 284 đường Lương Ngọc Quyến, thành phố Thái Nguyên. Ảnh: website nhà trường

Tiến sĩ Nguyễn Đắc Trung hiện đang là Chủ tịch Hội đồng trường; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng là Hiệu trưởng.

Hiện tại, Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên đã công bố đề án tuyển sinh năm 2024 trên trang thông tin điện tử của nhà trường.

Sau khi đối chiếu với mẫu kê khai Đề án tuyển sinh tại Phụ lục III, Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, có thể thấy thông tin trong đề án khá đầy đủ.

Tuy nhiên, theo quy định tại Phụ lục III, Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT, đề án tuyển sinh cần có nội dung về tài chính (tổng nguồn thu hợp pháp/năm của trường; tổng chi phí đào tạo trung bình 1 sinh viên/năm của năm liền trước năm tuyển sinh). Nhưng trong Đề án tuyển sinh năm 2024 của trường không có nội dung này.

 Yêu cầu thông tin về tài chính tại mục 1, chương II, phụ lục III, Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT. Ảnh: Chụp màn hình

Yêu cầu thông tin về tài chính tại mục 1, chương II, phụ lục III, Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT. Ảnh: Chụp màn hình

Cũng theo Đề án tuyển sinh năm 2024 cho thấy, Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên đã khảo sát tình hình việc làm của sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp ở 6 ngành. Theo đó, ngành Điều dưỡng có tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm thấp nhất (chỉ 80.77%). Các ngành Răng-Hàm-Mặt, Y học dự phòng, Kỹ thuật xét nghiệm y học có tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm là 100%.

 Thông tin về tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp tại Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên. Ảnh chụp màn hình

Thông tin về tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp tại Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên. Ảnh chụp màn hình

Số lượng giảng viên thỉnh giảng chiếm hơn 55% tổng số giảng viên

Theo công bố trong Phụ lục I (Danh sách giảng viên toàn thời gian) và Phụ lục II (Danh sách giảng viên thỉnh giảng), đính kèm theo Đề án tuyển sinh năm 2023 và 2024 cho thấy, số lượng giảng viên của Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên có xu hướng tăng. Cụ thể:

Năm 2023, nhà trường có tất cả 765 giảng viên. Trong đó có 344 giảng viên toàn thời gian (chiếm 44.97%); 421 giảng viên thỉnh giảng (chiếm 55.03%).

Năm 2024, nhà trường có tất cả 837 giảng viên. Trong đó có 374 giảng viên toàn thời gian (chiếm 44.68%); 463 giảng viên thỉnh giảng (chiếm 55.32%).

So với năm 2023, tổng số giảng viên của Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên tăng thêm 72 thầy cô (trong đó, tăng thêm 30 giảng viên toàn thời gian, 42 giảng viên thỉnh giảng).

Như vậy, có thể thấy số giảng viên thỉnh giảng trong 2 năm 2023 và 2024 đều chiếm hơn 55% trên tổng số giảng viên của trường.

Trong khi tại Điểm a, Khoản 2, Điều 3, Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT quy định: "...giảng viên thỉnh giảng (tính theo từng năm học) chỉ đảm nhận tối đa 30% khối lượng giảng dạy ở mỗi thành phần trong chương trình đào tạo; các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Nghệ thuật, giảng viên thỉnh giảng có thể đảm nhận tối đa 40% khối lượng giảng dạy ở mỗi thành phần trong chương trình đào tạo"

Về trình độ đội ngũ giảng viên, giảng viên có trình độ thạc sĩ chiếm đa số. Cụ thể, vào năm 2023, trường có 189 giảng viên toàn thời gian có trình độ thạc sĩ, chiếm 54.94% tổng số giảng viên toàn thời gian. Tuy nhiên, vào năm 2024, con số này giảm xuống còn 178 người, chiếm 47.59% tổng số giảng viên toàn thời gian.

Ngoài ra, cả hai năm 2023 và 2024, Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên đều chỉ có 3 giảng viên giữ chức danh giáo sư, lần lượt chiếm 0.87% và 0.80% trong tổng số giảng viên toàn thời gian của trường.

Thêm phương thức xét tuyển, mở thêm 2 ngành mới

Thông tin từ Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên cho thấy, năm 2024, trường có một số điểm mới trong phương thức xét tuyển và mở rộng các ngành đào tạo.

Cụ thể, ngoài những phương thức tuyển sinh giống năm ngoái, năm nay nhà trường xét tuyển thêm kết quả đánh giá đầu vào đại học của Đại học Thái Nguyên tổ chức.

Các phương thức tuyển sinh Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên từ năm 2021 đến năm 2024 như sau:

 Phương thức tuyển sinh của Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên từ năm 2021-2024.

Phương thức tuyển sinh của Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên từ năm 2021-2024.

Cũng theo Đề án tuyển sinh năm 2024, năm nay Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên mở thêm 2 ngành đào tạo mới là Kỹ thuật phục hồi chức năng (50 chỉ tiêu) và Kỹ thuật hình ảnh y học (50 chỉ tiêu), nâng tổng số ngành của nhà trường lên thành 8 ngành.

Châu Anh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/de-an-tuyen-sinh-2024-cua-dh-y-duoc-thai-nguyen-khong-ke-khai-chi-phi-dao-tao-post242765.gd