ĐBQH ví 'thi vào lớp 10 khó hơn cả thi đại học', liệu có sớm giải quyết được?

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đặt vấn đề, thực tế hiện nay có trường hợp thi vào lớp 10 khó hơn thi đại học, vậy có phải chúng ta thiếu trầm trọng trường công cấp 3?

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp sáng 12-7

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp sáng 12-7

Sáng 12-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến vào báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 5 và tháng 6 năm 2023.

Trình bày báo cáo, Trưởng Ban Dân nguyện của UBTVQH Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và nhân dân vui mừng, phấn khởi về tình hình kinh tế - xã hội trong nước tiếp tục ổn định và phát triển, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; tình hình chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững...

Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân bày tỏ sự quan tâm, lo lắng trước tình trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên; việc tiếp cận, thụ hưởng nhà ở xã hội còn nhiều hạn chế, giá bán còn cao; tình hình khó khăn của nhiều doanh nghiệp do sụt giảm đơn hàng, người lao động bị mất việc…

Qua thảo luận tại phiên họp, một số ý kiến cũng quan tâm và bày tỏ lo ngại trước thực trạng học sinh thi trượt THPT (thi vào lớp 10) chiếm tỷ lệ quá cao ở một số địa phương.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phản ánh, áp lực đối với học sinh khi vào lớp 10 ở Hà Nội, TPHCM là thực trạng trong nhiều năm qua, thậm chí có thể ví thi vào lớp 10 hiện nay còn khó hơn cả thi vào đại học. Ngay cả khi học trường tư, thực trạng phụ huynh xếp hàng thâu đêm để xin nộp hồ sơ cho con học lớp 10 gây băn khoăn lo lắng trong dư luận

“Đề nghị Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội cần vào cuộc. Có phải chúng ta thiếu trầm trọng trường công cấp 3 không? Thực tế này giải quyết thế nào?” - bà Nga đặt vấn đề.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu

Liên quan vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, hiện nay tỷ lệ số lượng trường THPT thấp hơn so với các trường THCS, và Tiểu học. Tỷ lệ học sinh không học THPT được giải quyết bằng điểm thi, phân luồng.

Trong khi đó, chi phí học trường công thấp hơn nhiều so với tư thục. Việc phụ huynh tìm mọi cách để cho con vào trường công lập cấp 3 là nhu cầu học rất chính đáng và cần nghiên cứu giải quyết vấn đề này.

Theo ông Vinh, ở Hà Nội, vấn đề xây trường mới cần có quỹ đất, tăng số lượng giáo viên. Trong khi hiện biên chế giáo viên đang khống chế, thậm chí điều tiết giảm. Từ đó làm cho phát triển thêm trường lớp không đơn giản.

Còn tại TPHCM, theo thống kê, dân số có 9,2 triệu người. Nhưng thực tế ước tính kể cả vãng lai khoảng 14 triệu người. Như vậy, số thống kê chênh 5 triệu người. Do đó, nếu không thống kê chính xác sẽ gây khó khăn trong việc thiết kế chính sách, đưa ra chính sách phù hợp.

Để giải quyết tình trạng thiếu trường công cho học sinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, cần các giải pháp rất tổng thể. Chẳng hạn, cần phải tính phân bổ giáo viên, không để trình trạng các đô thị lớn tập trung dân rất nhiều nhưng thiếu giáo viên...

Ông Vinh cho biết, tới đây, Ủy ban Văn hóa, giáo dục sẽ kiến nghị Bộ Giáo dục và đào tạo, Chính phủ về vấn đề này, song cũng lưu ý việc này cần thời gian để giải quyết.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/dbqh-vi-thi-vao-lop-10-kho-hon-ca-thi-dai-hoc-lieu-co-som-giai-quyet-duoc-post545602.antd